Bộ môn Công nghệ địa chính

Các cán bộ cơ hữu của Bộ môn Công nghệ Địa chính:

1. PGS.TS. Trần Quốc Bình, Chủ nhiệm bộ môn;

2. GVC.ThS. Nguyễn Thị Thanh Hải, Phó chủ nhiệm bộ môn;

3. ThS. Lê Phương Thúy, cán bộ giảng dạy;

4. CN. Nguyễn Xuân Linh, cán bộ giảng dạy;

 

Vào thời điểm những năm 2005-2006, ngành Địa chính ở Khoa Địa lý, Trường ĐHKHTN đã trải qua gần 10 năm phát triển và bắt đầu khẳng định được vị thế của mình. Bước sang giai đoạn phát triển mới, ngành Địa chính đặt ra mục tiêu cải tiến, đổi mới hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học nhằm phát huy thế mạnh của Khoa Địa lý và Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, từ đó đem lại những đóng góp tích cực hơn nữa cho xã hội.

Trong xu thế phát triển chung của cả thế giới với vai trò ngày càng gia tăng của khoa học và công nghệ, nhiệm vụ chiến lược của ngành Quản lý đất đai ở Việt Nam là đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ hiện đại trong thu thập, xử lý, phân tích và phân phối dữ liệu về đất đai, lấy đó làm bàn đạp để hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Để thực thi thành công nhiệm vụ chiến lược của ngành, yêu cầu phải có nguồn nhân lực chất lượng cao không chỉ nắm vững các kiến thức về quản lý đất đai và thị trường bất động sản, mà còn phải giỏi về công nghệ, có thể làm chủ được các trang thiết bị hiện đại.

Nắm bắt được nhu cầu của xã hội, ngay từ những năm đầu phát triển, ngành Địa chính ở Khoa Địa lý, Trường ĐHKHTN đã rất chú trọng đến các hướng đào tạo và nghiên cứu về công nghệ phục vụ quản lý đất đai và thị trường bất động sản. Đến năm 2006, với sự giúp đỡ tích cực của lãnh đạo Khoa Địa lý, đặc biệt là của GS.TS. Nguyễn Cao Huần - Chủ nhiệm khoa, chương trình đào tạo của ngành Địa chính đã được đổi mới với 2 chuyên ngành đào tạo là Khoa học Địa chính và Công nghệ Địa chính.

Sự hình thành của chuyên ngành đào tạo mới đòi hỏi phải có sự thay đổi về cơ cấu tổ chức cho phù hợp. Các cán bộ của Bộ môn Địa chính dưới sự lãnh đạo của Ban chủ nhiệm Khoa Địa lý đã khẩn trương xúc tiến việc xây dựng một bộ môn mới - Bộ môn Công nghệ Địa chính. Tháng 12/2006, dự án thành lập Bộ môn Công nghệ Địa chính đã được thông qua trước Hội đồng Khoa học và Đào tạo Trường, và ngày 28/12/2006, Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Tự nhiên đã ra quyết định số 2966/QĐ-TCCB về việc thành lập Bộ môn Công nghệ Địa chính và bổ nhiệm TS. Trần Quốc Bình (đang công tác tại Bộ môn Địa chính) làm Chủ nhiệm bộ môn và ThS. Nguyễn Thị Thanh Hải (đang công tác tại bộ môn Bản đồ - Viễn thám và Hệ thông tin địa lý) làm Phó chủ nhiệm bộ môn. Nhằm đảm bảo nhân sự cho hoạt động ban đầu, Khoa Địa lý đã tuyển dụng CN. Lê Phương Thúy (vừa tốt nghiệp đại học loại xuất sắc năm 2007) và chuyển CN. Nguyễn Đức Linh (hiện đang công tác tại Văn phòng khoa) về sinh hoạt tại Bộ môn Công nghệ Địa chính.

Vượt qua những khó khăn ban đầu, các cán bộ của Bộ môn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đào tạo. Hàng năm, Bộ môn giảng dạy 12-14 môn học cho bậc đại học và 3 môn học cho bậc sau đại học, hướng dẫn 15-20 khóa luận tốt nghiệp hệ đại học chính quy, 3-5 luận văn thạc sỹ. Đến nay, Bộ môn đảm nhận công tác giảng dạy các môn học sau:

Bậc đại học

Xử lý số liệu đo đạc

Ứng dụng tin học trong xây dựng bản đồ

Giải đoán và điều vẽ ảnh

Hệ thống thông tin đất đai

GIS ứng dụng

Hệ thống thông tin bất động sản

Trắc địa vệ tinh

Công nghệ ảnh số

Trắc địa biển

Bản đồ chuyên đề trong quản lý đất đai

Bậc sau đại học

GIS trong quản lý đất đai

Công nghệ ảnh số và hệ thống định vị toàn cầu trong quản lý đất đai

Song song với nhiệm vụ đào tạo, Bộ môn Công nghệ Địa chính rất chú trọng đến công tác nghiên cứu khoa học, coi đó là nhiệm vụ trọng tâm đối với một bộ môn của trường đại học nghiên cứu lớn. Kể từ khi được thành lập đến nay, các cán bộ của Bộ môn đã chủ trì thành công 17 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp (2 đề tài NCCB, 2 đề tài đặc biệt cấp ĐHQGHN, 3 đề tài cấp ĐHQGHN, 3 đề tài cấp cơ sở, 7 đề tài hợp tác quốc tế và với cơ quan ngoài). Các đề tài NCKH đều có ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao, ví dụ như đề tài NCCB "Nghiên cứu, đánh giá độ chính xác của mô hình số độ cao thành lập bằng công nghệ ảnh số và hệ thống định vị toàn cầu (GPS) phục vụ quản lý tài nguyên và môi trường (lấy ví dụ các tỉnh miền núi Tây Bắc Việt Nam)" đã đưa ra được các giải pháp nâng cao độ chính xác của mô hình số độ cao thành lập bằng công nghệ ảnh số, hay đề tài "Nghiên cứu xây dựng phần mềm hệ thống thông tin đất đai cấp cơ sở ở khu vực đô thị (thử nghiệm tại phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội)" đã thiết kế được một hệ thống thông tin đất đai cấp cơ sở bằng các phần mềm mã nguồn mở,... Đề tài "Nghiên cứu ứng dụng GIS trong công tác quy hoạch sử dụng đất cấp huyện và xã" đã đưa ra một giải pháp có tính tổng thể về ứng dụng GIS trong xây dựng và quản lý quy hoạch sử dụng đất. Các kết quả nghiên cứu khoa học của Bộ môn đã được công bố trong 42 công trình khoa học đăng ở Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Tạp chí Địa chính, báo cáo ở các Hội nghị Địa lý toàn quốc, Hội nghị Địa lý Đông Nam Á, Hội nghị khoa học Quản lý đất đai,... Nhằm đáp ứng nhu cầu của ngành, Bộ môn xác định 3 hướng nghiên cứu trọng tâm trong thời gian tới là: các công nghệ hiện đại trong thu thập dữ liệu về đất đai; vấn đề phân tích và xử lý dữ liệu bằng công nghệ GIS nhằm trợ giúp ra quyết định về đất đai; các hệ thống thông tin đất đai và hệ thống thông tin bất động sản.

Không chỉ giới hạn bởi các hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học ở trong đơn vị, Bộ môn Công nghệ Địa chính còn tích cực trong các hoạt động hợp tác với quốc tế. Cùng với Bộ môn Địa chính, Bộ môn Công nghệ Địa chính giữ vai trò chủ chốt trong xây dựng và triển khai chương trình đào tạo Thạc sỹ Quản lý đất đai đạt trình độ quốc tế hợp tác giữa Khoa Địa lý và Khoa ITC, Đại học Twente, Hà Lan. Trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, Bộ môn có mối quan hệ hợp tác lâu dài với Trường Đại học Nữ Chiêu Hòa, Nhật Bản trong công tác bảo tồn các giá trị văn hóa của làng cổ Việt Nam. Các cán bộ của Bộ môn đã làm việc với những chuyên gia văn hóa Đông Phương hàng đầu của Nhật Bản trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu địa hình tỷ lệ lớn phục vụ cho công tác công nhận, tôn tạo và gìn giữ kiến trúc độc đáo và bản sắc văn hóa của các làng cổ Việt như Đường Lâm (Hà Tây cũ), Phước Tích (Thừa Thiên - Huế), Phú Hội (Đồng Nai), Cái Bè (Tiền Giang).

 

II. NGHIÊN CỨU KHOA HỌC CỦA BỘ MÔN

Cùng với công tác đào tạo, Bộ môn Công nghệ Địa chính cũng đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học về đo đạc bản đồ, hệ thống thông tin địa lý (GIS) và hệ thống thông tin đất đai (LIS). Dưới đây là một số đề tài, dự án mà các cán bộ của Bộ môn đã chủ trì hoặc tham gia:

Đề tài nghiên cứu cơ bản:

  • Xây dựng mô hình cơ sở dữ liệu hệ thông tin địa lý phục vụ quản lý sử dụng đất tỉnh Lào Cai.
  • Nghiên cứu ứng dụng công nghệ ảnh số và hệ thống định vị toàn cầu GPS trong tự động hoá thu thập dữ liệu không gian cho các hệ thống thông tin đất đai.
  • Xây dựng mô hình sử dụng và quản lý tài nguyên đất đai tại các khu vực phân bố tái định cư thuỷ điện Sơn La.
  • Nghiên cứu đánh giá độ chính xác của mô hình số độ cao thành lập bằng công nghệ ảnh số và GPS phục vụ quản lý tài nguyên và môi trường.

Đ tài nghiên cu khoa học đặc biệt cấp ĐHQG Hà Nội:

  • Nghiên cứu xây dựng phần mềm hệ thống thông tin đất đai cấp cơ sở ở khu vực đô thị (thử nghiệm tại phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội).
  • Nghiên cứu ứng dụng GIS trong công tác quy hoạch sử dụng đất cấp huyện và xã (nghiên cứu điểm địa bàn huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội).

Đ tài nghiên cu khoa học cấp ĐHQG Hà Nội:

  • Nghiên cứu quá trình đô thị hoá phục vụ quản lý đất đô thị ở quận Tây Hồ.
  • Nghiên cứu lịch sử và các mô hình quản lý sử dụng đất ở các khu phố cổ của quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.
  • Xây dựng mô hình cơ sở dữ liệu hệ thống thông tin đô thị cấp cơ sở (lấy ví dụ phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội)
  • Nghiên cứu đề xuất phương pháp kiểm định độ chính xác của mô hình số độ cao (lấy ví dụ vùng trung du và miền núi phía Bắc).
  • Nghiên cứu đề xuất giải pháp hiện đại hóa hệ thống hồ sơ địa chính phục vụ quản lý và sử dụng bền vững đất đai tại huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội.

Đ tài hợp tác với địa phương:

  • Quy hoạch sử dụng đất chi tiết cấp xã huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh năm 2005. Đề tài hợp tác với UBND huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
  • Thực trạng và các giải pháp hoàn thiện hệ thống hồ sơ địa chính ở quận Tây Hồ trong quá trình đô thị hóa. Đề tài NCKH cấp thành phố Hà Nội năm 2006.
  • Cắm mốc quy hoạch khu xây dựng 1000ha của ĐHQGHN tại Hòa Lạc, năm 2008. Đề tài hợp tác với BQL Dự án xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc.
  • Xây dựng CSDL chất thải công nghiệp tỉnh Quảng Ninh.

Đ tài hợp tác quốc tế:

  • Đo vẽ bản đồ tỷ lệ 1:500 phục vụ công tác bảo tồn làng cổ Đường Lâm, tỉnh Hà Tây năm 2003-2004 (hợp tác với Đại học Nữ Chiêu hòa, Nhật Bản và Cục Văn hóa Di sản, Bộ Văn hóa Thông tin).
  • Đo vẽ bản đồ địa hình tỷ lệ 1:500 phục vụ công tác bảo tồn làng cổ Phước Tích, tỉnh Thừa Thiên – Huế, năm 2009 (hợp tác với Đại học Nữ Chiêu hòa, Nhật Bản).
  • Xây dựng bộ dữ liệu không gian làng cổ Phú Hội (tỉnh Đồng Nai) và làng cổ Cái Bè (tỉnh Tiền Giang) năm 2010-2011 (hợp tác với Quỹ JICA, Nhật Bản).

 

III. ĐỊA CHỈ LIÊN HỆ

Bộ môn Công nghệ Địa chính, Khoa Địa lý, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN

Phòng 611, Nhà T5, 334 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội.

e-mail: tranquocbinh@hus.edu.vn

  • Website cựu sinh viên