Bộ môn Địa chính

Trưởng bộ môn: PGS.TS. Trần Văn Tuấn 

Phó trưởng bộ môn: TS. Phạm Thị Phin  

                              

Bộ môn Địa chính thuộc Khoa Địa lý, Trường ĐH KHTN, được thành lập theo Quyết định số 644/TC-TH ngày 20 tháng 9 năm 1997 của Hiệu trưởng Trường ĐH KHTN, ĐHQG Hà Nội. Đây là một sự kiện trọng đại trong tiến trình 40 năm phát triển của Khoa Địa lý (1966- 2006).

Ở thời điểm năm 1997, đất nước đã trải qua 10 năm thực hiện Công cuộc Đổi mới nền kinh tế- xã hội theo Nghị quyết của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (1986). Quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đã đặt ra nhiều yêu cầu hết sức bức xúc cho công tác quản lý nhà nước về đất đai, đòi hỏi ngành Địa chính (mới được tái thành lập theo Nghị định 12/1994/NĐ-CP) phải được đổi mới và hiện đại hoá, trong đó có việc đào tạo cán bộ Địa chính ở bậc đại học và sau đại học nổi lên như một nhu cầu cấp thiết nhất phải đi trước một bước.

Nắm bắt được nhu cầu cấp thiết của Nhà nước và xã hội, căn cứ vào trình độ đào tạo, tiềm năng chất xám và cơ sở vật chất hiện có, lãnh đạo Khoa Địa lý, lãnh đạo Trường ĐH KHTN đã cùng nhất trí về khả năng mở ngành đào tạo cử nhân khoa học ngành Địa chính ở Khoa Địa lý, Trường ĐHKHTN. ý tưởng này đã được lãnh đạo Tổng cục Địa chính (nay là Bộ Tài nguyên - Môi trường) hết sức ủng hộ và giúp đỡ. GS.TSKH Đặng Hùng Võ (nguyên Phó Tổng cục trưởng), CVCC Mai Xuân Yến (nguyên Vụ trưởng Vụ Thanh tra), TS Nguyễn Thơ Các (nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Địa chính),... đã trực tiếp tham gia cùng GS.TSKH Nguyễn Quang Mỹ (nguyên Chủ nhiệm Khoa), PGS.TSKH Phan Văn Quýnh (nguyên Phó chủ nhiệm Khoa),... xúc tiến việc chuẩn bị mọi mặt cho việc mở ngành đào tạo mới ở Khoa Địa lý.

Bộ môn Địa chính được khai sinh ngày 20 tháng 9 năm 1997, với nhân sự ban đầu chỉ có 4 thành viên do GS.TSKH Đặng Hùng Võ làm Chủ nhiệm Bộ môn (cán bộ kiêm nhiệm), thực hiện việc đào tạo cán bộ khoa học ngành Địa chính, gồm các loại hình đào tạo đại học chính quy và đại học vừa học vừa làm (tại chức) tiến tới đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ Địa chính.

Công việc đầu tiên cần phải làm là hoạch định khung chương trình đào tạo và chương trình chi tiết cho cử nhân khoa học ngành Địa chính vừa đảm bảo tính khoa học, cơ bản, hiện đại, tổng hợp, vừa mang tính thực tiễn và ứng dụng cao ở Việt Nam và mang dấu ấn như một thương hiệu chỉ có ở Khoa Địa lý trường ĐHKHTN. Các cán bộ của Bộ môn Địa chính và cán bộ của Khoa Địa lý đã hợp tác chặt chẽ với các chuyên gia hàng đầu của Tổng cục Địa chính xây dựng xong nội dung chương trình trong thời gian 1997- 1998 và trình lên Bộ Giáo dục và Đào tạo để bắt tay vào tuyển sinh khoá đào tạo đầu tiên.

Ngày 23 tháng 5 năm 2000, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký Quyết định số 2063/QĐ-BGĐT-ĐH cho phép Trường ĐHKHTN được đào tạo trình độ đại học ngành khoa học Địa chính theo chương trình khung và kế hoạch đào tạo do Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt. Từ đó, các khoá đào tạo chính quy cử nhân khoa học ngành Địa chính với mã số ngành duy nhất trong cả nước là QHT 205 được thực hiện đều đặn hàng năm với số lượng 50 - 60 sinh viên. Tính đến tháng 6 năm 2006 đã có khoảng 300 cử nhân khoa học Địa chính được nhận bằng tốt nghiệp ở Khoa Địa lý Trường ĐHKHTN - ĐHQG Hà Nội.

Do hệ thống Địa chính mới được thiết lập, nên khoa học Địa chính của nước ta đã sớm được tiếp cận với các hệ thống Địa chính hiện đại trên thế giới. Mặt khác, hệ thống Địa chính trong nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa là một vấn đề mới cần được nghiên cứu từ cơ sở lý luận đến các ứng dụng thực tế. Vì vậy, sự vận động của ngành địa chính thuộc Khoa Địa lý đã có tác dụng góp phần đào tạo và xây dựng đội ngũ chuyên gia địa chính có trình độ lý luận, có kiến thức về công nghệ địa chính hiện đại, có khả năng chủ động triển khai những nhiệm vụ thực tế ở cả tầm vĩ mô và vi mô, có tầm nhìn chiến lược trong quản lý và sử dụng tài nguyên đất đai quốc gia, đáp ứng được những đòi hỏi thực tế của ngành. Theo sự chỉ đạo của Khoa Địa lý, Bộ môn Địa chính đã phối hợp với các cán bộ đầu ngành của Tổng cục Địa chính xúc tiến việc chuẩn bị mở hệ đào tạo sau đại học ngành Địa chính.

Ngày 27 tháng 2 năm 2001, Bộ trưởng Bộ Gáo dục và Đào tạo đã có Quyết định số 965/QĐ-BGD-ĐT-SĐH giao nhiệm vụ đào tạo trình độ thạc sĩ ngành Địa chính cho Trường ĐHKHTN. Tính từ năm 2001 đến tháng 6 năm 2006 đã có 10 thạc sĩ Địa chính được cấp bằng tốt nghiệp.

Sau 9 năm thành lập, Bộ môn Địa chính từ chỗ chỉ có 4 cán bộ và cơ sở vật chất ít ỏi, đến nay đã có 12 cán bộ (4 cán bộ giảng dạy, 3 cán bộ kiêm nhiệm, 2 nghiên cứu viên và 3 cán bộ hợp đồng), 1 phòng làm việc, 1 phòng Công nghệ địa chính và GIS với các thiết bị hiện đại và một thư viện mini chuyên ngành.

Bộ môn thực hiện chức năng đào tạo cử nhân khoa học và thạc sĩ ngành Địa chính ở các hệ thống chính quy và vừa học vừa làm, đồng thời thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học các cấp. Các mục tiêu cơ bản của Bộ môn là:

- Thực hiện việc đào tạo đa dạng các chuyên gia và cán bộ khoa học ngành Địa chính gồm các loại hình đào tạo đại học chính quy và vừa học vừa làm, thạc sĩ khoa học, tiến tới đào tạo tiến sĩ. Bộ môn cũng có phương hướng đào tạo tay nghề đo đạc, bản đồ, luật đất đai, quản lý nhà nước về đất đai,... cho các địa phương theo chương trình ngắn hạn.

- Nâng cao trình độ chuyên môn và học hàm, học vị cho các thành viên Bộ môn để đáp ứng nhu cầu đào tạo - cập nhật và nhu cầu hiện đại hoá ngành Địa chính ở Việt Nam.

- Lập và thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học có ý nghĩa chiến lược cho công tác đào tạo chuyên môn, ưu tiên đặc biệt cho hướng đề tài chuyển giao KH-CN và kỹ thuật trong lĩnh vực Hệ thông tin đất đai (LIS) và Hệ thông tin Địa lý (GIS).

- Thâm nhập thực tế công tác quản lý nhà nước về đất đai theo những nội dung quản lý của Luật Đất đai hiện hành.

Trong thời gian 5 năm từ 2001 đến 2005 các thành viên Bộ môn đã biên soạn và in 6 giáo trình phục vụ công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học:

1.   Nguyễn Đức Khả. Cơ sở địa chất Đệ tứ trong nghiên cứu địa mạo. Nxb ĐHQG Hà Nội, 2002.

2.   Nguyễn Quang Mỹ. Địa mạo động lực. Nxb ĐHQG Hà Nội, 2002.

3.   Nguyễn Đức Khả. Lịch sử quản lý đất đai. Nxb ĐHQG Hà Nội, 2003.

4.   Nguyễn Quang Mỹ (Chủ biên). Kỳ quan hang động Việt Nam. Nxb ĐHQG Hà Nội, 2005.

5.   Nguyễn Quang Mỹ. Xói mòn đất hiện đại. Nxb ĐHQG Hà Nội, 2005.

6.   Trần Quốc Bình. Lý thuyết sai số và phương pháp số bình phương nhỏ nhất. Nxb Nông nghiệp Hà Nội, 2005

Với những thành tích đạt được, Bộ môn đã được Ban giám đốc ĐHQG cấp bằng khen 2 năm liền (2003 và 2004). Các thành viên của bộ môn được cấp trên tặng:

- 2 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ;

- 1 Huân chương lao động hạng Ba;

- 1 Huân chương lao động hạng Nhất;

- 1 Huân chương lao động hạng Nhì;

- 3 bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

- 1 Giấy khen của Trường ĐHKHTN- ĐHQG Hà Nội;

- 6 Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục và đào tạo, Vì sự nghiệp khoa học và công nghệ, và Vì sự nghiệp các hội Khoa học - Kỹ thuật.

Biến động tổ chức nhân sự của Bộ môn

Tại thời điểm mới thành lập (20/9/1997), Bộ môn chỉ có 4 cán bộ:

1. GS.TSKH Đặng Hùng Võ - Chủ nhiệm (kiêm nhiệm)

2. GVC Nguyễn Đức Khả - Phó chủ nhiệm

3. GS.TSKH Nguyễn Quang Mỹ

4. CN Nguyễn Đức Linh

Để đảm bảo hoạt động giảng dạy ban đầu về chuyên ngành, Khoa Địa lý đã mời thêm hai cán bộ kiêm nhiệm là: TS Nguyễn Thơ Các (nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Địa chính) và GS.TSKH Hoàng Ngọc Hà (Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Năm 1998, Bộ môn nhận thêm hai thành viên mới là CN Thái Thị Quỳnh Như - Giảng viên, (đã nhận học vị Tiến sĩ năm 2006 tại Cộng hoà liên bang Nga) và KTV Lê Thị Hồng (hiện đang là học viên cao học)

Năm 1999 và năm 2000, Bộ môn được tăng cường 2 Tiến sĩ tốt nghiệp ở Liên Xô và 1 Cử nhân tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp Hà Nội I là TS Trần Quốc Bình - Giảng viên (về Bộ môn năm 1999), TS Trần Văn Tuấn - Giảng viên (về bộ môn năm 2000, từ năm 2004 được bổ nhiệm Phó chủ nhiệm Bộ môn) và CN Phạm Thị Phin - NCV (năm 1999), nhận học vị Thạc sĩ năm 2002.

Do chỉ tiêu biên chế không đáp ứng đủ nhu cầu giảng dạy và nghiên cứu khoa học của Bộ môn, nên từ năm 2005 Bộ môn nhận 2 cán bộ hợp đồng là CN Đinh Ngọc Đạt - hiện là thạc sỹ và CN Nguyễn Xuân Sơn.

Tính đến tháng 10 năm 2009 Bộ môn có 12 cán bộ là:

1. GS.TSKH Đặng Hùng Võ - Chủ nhiệm (kiêm nhiệm)

2. GVC Nguyễn Đức Khả - CBGD về hưu năm 2009

3. TS Trần Văn Tuấn - Phó chủ nhiệm

4. GS.TSKH Nguyễn Quang Mỹ - CBGD (chuyển thành cán bộ hợp đồng do nghỉ hưu năm 2005)

5. GS.TSKH Hoàng Ngọc Hà - CBGD (kiêm nhiệm)

6. TS Nguyễn Thơ Các - CBGD (kiêm nhiệm)

7. TS Trần Quốc Bình - CBGD (kiêm nhiệm)

8. TS Thái Thị Quỳnh Như - CBGD (kiêm nhiệm)

9. ThS Lê Thị Hồng - NCV

10. ThS Phạm Thị Phin - NCV

11. ThS Nguyễn Xuân Sơn - Cán bộ HĐ

12. CN Nguyễn Tài Thu - Cán bộ HĐ

Đến này, bộ môn hiện có 9 cán bộ, trong đó có 1 GS.TSKH., 1 PGS.TS., 2 TS, 5 ThS.

Bộ môn có nhiệm vụ tham gia tổ chức thực hiện đào tạo đại học và sau đại học ngành Quản lý đất đai tại Khoa Địa lý. Hàng năm các cán bộ của Bộ môn giảng dạy 15 môn học bậc đại học và 5 môn học bậc sau đại học, hướng dẫn 25-30 khóa luận tốt nghiệp và 10-12 luận văn thạc sỹ.

Song song với nhiệm vụ đào tạo, Bộ môn Địa chính chú trọng công tác nghiên cứu khoa học. Trong thời gian từ khi thành lập đến nay, các cán bộ của Bộ môn đã chủ trì thực hiện thành công 30 đề tài NCKH các cấp. Hầu hết các Đề tài đều gắn kết với công tác đào tạo, giúp cho sinh viên và học viên cao học thực hiện khóa luận tốt nghiệp và luận văn thạc sỹ. Các kết quả nghiên cứu khoa học đã được công bố trong gần 80 công trình trên các tạp chí và kỷ yếu hội nghị khoa học quốc gia và quốc tế. Các hướng nghiên cứu khoa học trọng tâm hiện nay của Bộ môn gồm:

- Chính sách, pháp luật đất đai phục vụ công nghiệp hóa, đô thị hóa và hội nhập quốc tế.

- Quản lý, sử dụng đất đai gắn với các vấn đề biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

- Quy hoạch không gian sử dụng đất cho phát triển đô thị, nông thôn.

- Chính sách, giải pháp hoàn thiện hệ thống tài chính đất đai, quản lý và phát triển thị trường bất động sản.

Địa chỉ của Bộ môn: Bộ môn Địa chính, Khoa Địa lý, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên- 334, Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội.

 

Lịch sử phát triển của Bộ môn Địa chính tuy còn ngắn ngủi, nhưng đã được đánh dấu bằng những bước tiến đầy ấn tượng, đã đem lại những đóng góp quan trọng cho vị thế khá nổi trội của Khoa Địa lý trong 10 năm phát triển với tư cách một khoa độc lập trong Trường ĐHKHTN. Có được những thành quả khả quan đó trước hết là do tập thể Bộ môn đã liên tục phấn đấu vươn lên, song không thể không nhận thấy một thuận lợi rất cơ bản đó là Bộ môn thường xuyên nhận được sự quan tâm sát sao của toàn khoa và của bạn bè đồng nghiệp gần xa, và nhất là nó đã ra đời trên nền tảng của một sự chín đến độ cả về về kiến thức chuyên môn cũng như về phương pháp luận khoa học của tập thể các nhà địa lý ở Trường ĐHKHTN, ĐHQG Hà Nội.

  • Website cựu sinh viên