Làm thế nào để tìm kiếm một lab phù hợp với mình?

Một trong những băn khoăn của các bạn sinh viên khi bước vào nghiên cứu khoa học đó là làm sao để tìm được một lab phù hợp với mình? Bởi lẽ tìm được một lab phù hợp đồng nghĩa với việc bạn sẽ gặt hái được nhiều điều tuyệt vời từ thầy cô, bạn bè tới những công trình nghiên cứu yêu thích. Cùng lắng nghe chia sẻ từ bạn Nguyễn Phương Thảo, sinh viên K62 Quốc tế Sinh học, khoa Sinh học, người mới đây đã đạt giải Nhì tại vòng chung khảo hội thi sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Bộ GD&ĐT năm 2020.

Làm thế nào để tìm kiếm một lab phù hợp với mình?
Sinh viên Nguyễn Phương Thảo tại vòng chung khảo cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2020

Ngay từ khi còn bé, mình đã bị thu hút bởi những điều kỳ thú mà thế giới Sinh học mang lại thông qua màn ảnh nhỏ. Đó cũng chính là một trong những lý do khiến mình lựa chọn trở thành sinh viên của trường Đại học Khoa học Tự nhiên - một môi trường có bề dày lịch sử về khoa học cơ bản.

Giảng đường 334 Nguyễn Trãi đã mang đến cho mình bầu trời tri thức mới, những đáp án trả lời cho các câu hỏi thuở ấu thơ. Hiện tại, mình đang tiến hành nghiên cứu tác dụng của một số hoạt chất tự nhiên trong điều trị tổn thương do thiếu oxi-tái cung cấp oxi (nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới) dưới sự hướng dẫn của TS. Vũ Thị Thu. Trong năm học vừa qua, dưới sự hướng dẫn của các thầy, cô trong nhóm nghiên cứu, đề tài của mình và chị Hồ Lý Phương đã đạt giải Nhì trong kỳ thi Sinh viên Nghiên cứu Khoa học cấp bộ năm 2020. Để có được thành quả trên, bản thân  mình cũng đã trải qua không ít những lần làm thí nghiệm fail, những lần chạy deadline đến mất ngủ, và cũng có cả những lần bị mắng vì không làm tốt nhiệm vụ được giao nữa, song sau thất bại chính là mẹ thành công. Đừng bao giờ bỏ cuộc nhé! Bên cạnh đó, dưới sự động viên của cô và chia sẻ từ các chị sinh viên đi trước, mình đã cải thiện bản thân từng ngày, từ một đứa có điểm GPA lẹt đẹt đến mức khá, giỏi và nhận được nhiều học bổng như hiện tại. Mình hi vọng trong tương lai, bản thân có thể tìm được cơ hội đi du học để tiếp tục con đường nghiên cứu của mình.

Về hành trình tìm hiểu về hướng nghiên cứu, mình bắt đầu tìm hiểu và xin vào lab vào cuối năm hai, và vào thời điểm đó cảm xúc của mình có đôi chút lo lắng và bối rối, bởi lẽ mình chưa biết liệu bản thân thực sự thích gì? Nghiên cứu khoa học cần phải làm như thế nào? Làm thế nào để tìm kiếm một lab phù hợp với mình? Và mình tin chắc rằng cũng nhiều bạn đã và đang ở trong hoàn cảnh đấy giống mình. May mắn thay, dưới sự giúp đỡ đến từ các thầy, cô và các anh chị khóa trên mình đã tìm được lab Mito do TS. Vũ Thị Thu hướng dẫn và đạt được nhiều thành công trong lĩnh vực nghiên cứu. Đối với cá nhân mình, điều quan trọng khi nghiên cứu khoa học là bạn phải thực sự đam mê và yêu thích nó. Vậy để tìm hiểu xem mình thích gì thì phải làm như thế nào? Để tìm đáp án cho câu hỏi đó, mình đã tìm hiểu về các phòng thí nghiệm liên quan đến những môn học, giảng viên mà mình yêu thích và đặc biệt, đừng ngần ngại nếu muốn tìm hiểu thì cứ thử sức mình ở các lab và quyết định. Tuổi trẻ mà mình được phép sai và các thầy cô cũng rất tạo điều kiện cho chúng mình được tìm hiểu cũng như lựa chọn con đường nghiên cứu của riêng mình.

Mình hi vọng đôi lời chia sẻ trên có thể giúp các bạn tự tin, vững vàng với những quyết định của mình.

Làm thế nào để tìm kiếm một lab phù hợp với mình?
Sinh viên Nguyễn Phương Thảo đạt giải Nhì tại vòng chung khảo cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Bộ GD&ĐT năm 2020

Thông tin đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên Nguyễn Phương Thảo

1

Tên đề tài:

Đánh giá tác dụng bảo vệ của Hesperidin đối với tế bào cơ tim H9C2 trong mô hình thiếu oxi - tái cung cấp oxi in vitro

2

Sinh viên thực hiện:

Nguyễn Phương Thảo, K62 Quốc tế Sinh học, khoa Sinh học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - ĐHQGHN

3

Giáo viên hướng dẫn, tên đơn vị:

TS. Vũ Thị Thu, ĐHKHTN-ĐHQGHN

4

Thành tích/ Giải thưởng:

Giải Nhì vòng chung khảo giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học” năm 2020 do Bộ GD&ĐT tổ chức.

5

Ý nghĩa kinh tế - xã hội, khả năng áp dụng thực tiễn của đề tài:

Nghiên cứu về tác dụng bảo vệ của Hesperidin đối với dòng tế bào cơ tim H9C2 trong mô hình bệnh thiếu oxi – tái cung cấp oxi in vitro là hướng nghiên cứu khá mới tại Việt Nam. Nghiên cứu lần đầu cung cấp các dữ liệu sinh học về tác dụng của Hsd chiết xuất tại Việt Nam lên tổn thương HR. Đề tài là cơ sở cho các nghiên cứu tìm kiếm và phát triển các hoạt chất thiên nhiên có tiềm năng ở nước ta trong việc cải thiện tổn thương gây nên bởi thiếu máu cục bộ – tái tưới máu cơ tim và các bệnh lý tim mạch khác.

6

Giới thiệu vắn tắt về đề tài:

Tại đây

 

  • Website cựu sinh viên