Thủ khoa tốt nghiệp Đỗ Duy Hiếu – Gương sáng giảng đường


Hàng trăm con mắt đổ dồn về sân khấu Hội trường Ngụy Như KonTum khi thủ khoa tốt nghiệp Đỗ Duy Hiếu bước lên bục phát biểu với đôi nạng gỗ. Bài phát biểu ngắn gọn, xúc động của Hiếu kết thúc, những tràng vỗ tay vang lên, đâu đó có những giọt nước mắt chảy dài, ánh mắt các tân cử nhân dù xuất sắc đến mấy cũng đều thán phục, ngưỡng mộ chàng thủ khoa tốt nghiệp với 4 năm tới giảng đường bằng nạng gỗ, xe lăn...

        Từ một miền quê, gia đình hiếu học...

    “Thanh Hóa không chỉ là một tỉnh, đó là một xứ (c’est un Pays), từ xa xưa bên cạnh xứ Nghệ, xứ Thanh cũng là một miền đất hiếu học. Từ thời thuộc Đường, lần đầu tiên Trung Hoa có kỳ thi tiến sĩ, mỗn lần thi An Nam không được cử quá 8 người đến Trường An thi, thế mà từ đời Đường Đức Tông (730-805) xứ Thanh đất Việt đã có hai anh em Khương Công Phụ, Khương Công Phục học giỏi, sang du học ở Trường An. Khương Công Phụ xứ Thanh là người Việt đầu tiên đạt học vị tiến sĩ Hán học. Thanh Hóa có nền văn hóa lâu đời với những học giả nổi tiếng như Lê Văn Hưu (tác giả Đại việt sử ký (1272) được các nhà sử học Việt Nam coi là “Tổ nghề Sử Việt Nam”; Nhữ Bá Sỹ tác giả “Việt sử tam bách vịnh, Thanh Hóa tỉnh chí”, Đào Duy Từ tác giả binh thư “Hổ trướng khu cơ”...


Đỗ Duy Hiếu được sinh ra và lớn lên tại Thiệu Tân, Thiệu Hóa, Thanh Hóa, một miền đất hiền hòa với dòng sông Chu thơ mộng êm đềm suốt tuổi thơ. Thiệu Hóa vốn dĩ là nơi phát tích của triều Lê Trung Hưng nên được chọn làm Tây Kinh của triều Lê... Từ nhỏ, không chỉ Hiếu mà những đứa trẻ khác đều được lớn lên trong tinh thần hiếu học qua truyền thống của triều Lê gốc xứ Thanh. Vốn dĩ, triều Lê Trung Hưng có vua Lê Thánh Tông, một nhà văn hóa rất coi trọng hiền tài, đề xuất nhiều cải cách đặc biệt là cải cách trong giáo dục, khoa bảng nổi tiếng lịch sử về khoa bảng, hiếu học mà tiêu biểu là việc đại trùng tu Văn Miếu – Quốc Tử Giám, xây dựng văn bia tiến sĩ... Có lẽ, chính miền quê Tây Kinh, xứ Thanh đã hun đúc nên tinh thần hiếu học của cậu bé Hiếu từ tấm bé.

Đỗ Duy Hiếu phát biểu cảm tưởng tại Lễ bế giảng và trao bằng tốt nghiệp năm 2013

    Bố mẹ Hiếu là những người nông dân chân lấm tay bùn. Gia đình Hiếu có tới 4 anh chị em nhưng điều kiện khó khăn mà 2 anh chị đầu không được ăn học đầy đủ. Em trai của Hiếu, một sinh viên giỏi của Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, 2 năm tham gia thi Olympic Toán, 2 năm tham gia thi Olympic Cơ học sinh viên toàn quốc và đều nhận được giải cao. Khi Hiếu quyết tâm theo đuổi ngành Toán học của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên thì bố mẹ Hiếu cũng đã quyết tâm “bỏ xứ” ra Hà Nội thuê nhà ở phố lao động Phùng Khoang, bán bánh kiếm sống, lo cơm nước chăm sóc Hiếu và em trai được đầy đủ hơn.

    ... đến mái trường Đại học Khoa học Tự nhiên giàu lòng nhân ái

Từ nhỏ, Hiếu đã có niềm đam mê với các môn khoa học tự nhiên. Cấp 2, 3 là học sinh giỏi Toán, Lý và đạt nhiều thành tích trong các kỳ thi học sinh giỏi Toán, Lý cấp tỉnh. Năm 2005, Hiếu thi đậu vào một trường đại học lớn ở Hà Nội với 27/30 điểm. Một năm sau, thật không may, Hiếu bị tai nạn và liệt hai chân. Cánh cổng trường đại học đã khép lại. Cánh cổng trường ấy đóng lại, tưởng chừng như tương lai đóng sập cửa lại với mình, buồn và thất vọng... Hiếu trở về quê mở lớp dạy học để lấy một phần kinh phí lo chữa bệnh và nuôi ước mơ “có một cánh cổng trường đại học khác sẽ mở ra với những người kém may mắn như em”.

Trong tình thương mến của bạn bè vào ngày bảo vệ khóa luận tốt nghiệp

    Năm 2009, được nghe nhiều người nói về môi trường giáo dục mô phạm và đầy tính nhân văn của Thầy, Cô cũng như các anh chị sinh viên khóa trước của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội). Hiếu mạnh dạn đăng ký thi vào ngành Toán học của Trường, năm đó Hiếu đã đỗ đại học với điểm số 27/30. Trường Đại học Khoa học Tự nhiên đã xếp Hiếu vào lớp Cử nhân Khoa học Tài năng nhưng do lớp học ở tầng trên mà chân Hiếu như vậy nên em xin chuyển sang lớp Toán học.


    Mặc dù bị liệt hai chân nhưng trong suốt quá trình học tại Trường, Hiếu đều đi làm thêm để lo một phần kinh phí phụ giúp bố trang trải cho cuộc sống. Ngoài ra Hiếu cũng nỗ lực học thật tốt để giành các học bổng hỗ trợ học tập và nghiên cứu khoa học.


    Năm thứ nhất, hàng ngày em trai Hiếu đưa đón anh đi học bằng xe máy. Từ các năm sau, Hiếu đã tự đi học bằng xe 3 bánh. Trong Lễ bế giảng và trao bằng cử nhân khoa học năm 2013 Hiếu đã xúc động vô cùng khi nhắc lại tình yêu thương của thầy cô và bạn bè trong Khoa Toán – Cơ – Tin học và Trường Đại học Khoa học Tự nhiên: “Nếu như ở ngôi trường cũ em đã từng học, hàng ngày em đều phải tự lên tầng 5 để đi học, thì ở đây nhờ sự quan tâm giúp đỡ của các thầy cô, nhà trường và đặc biệt là cô Trịnh Dục Tú, em có thể đi xe vào tận nơi lớp học ở tầng 1. Ở ngôi trường cũ nếu em không đủ sức khỏe để đi học sẽ bị cấm thi, còn ở đây em nhận được sự động viên về tinh thần từ các thầy cô. Ngoài ra các thầy cô và Nhà trường đã tạo cho em rất nhiều cơ hội nhận học bổng để có thêm một phần kinh phí cho học tập. Đó chính là sự khác biệt, sự quan tâm tạo điều kiện của nhà trường, là sự tận tâm của những nhà giáo đáng kính...”

Cùng các thủ khoa đầu ngành tặng hoa tri ân thầy cô giáo vào ngày ra trường

    Suốt bốn năm học tại Trường, lãnh đạo Nhà trường đã tạo điều kiện để Hiếu được miễn học môn Giáo dục Thể chất, được sắp xếp học ở các giảng đường tầng 1, được bạn bè làm hộ các thủ tục giấy tờ, nộp học phí, mượn sách và đặc biệt là nhiều lúc các bạn giúp Hiếu trong việc đi lại. Hiếu sẽ không thể nào quên những thầy cô đã tận tâm dạy dỗ và hướng dẫn Hiếu nghiên cứu khoa học đặc biệt là TS. Lê Anh Vinh và GS.TSKH. Phạm Kỳ Anh. Hiếu cũng vô cùng cảm động vì tình cảm của những người bạn thân như Phạm Tuấn Anh, Bùi Thị Châm, Phạm Thị Hiền Lương, Bùi Bá Mạnh…đã luôn sát cánh bên em, hỗ trợ em trong những năm tháng khó khăn vừa qua.

... Và tấm gương về sự nỗ lực vươn lên

    Bốn năm, với biết bao sự cố gắng và cũng nhiều kỉ niệm đã trôi qua, cuối cùng Hiếu cũng đã trở thành một cử nhân khoa học, tốt nghiệp thủ khoa đầu ngành Toán học với những thành tích đáng tự hào: 


Trong năm học 2011 – 2012, Hiếu đã đạt được một số thành tích như: Gương mặt trẻ tiêu biểu Trường ; Giải Nhất, nghiên cứu khoa học sinh viên cấp Khoa; Giải Nhì, nghiên cứu khoa học sinh viên cấp Trường; Giải Ba, nghiên cứu khoa học sinh viên cấp ĐHQGHN. Trong năm học 2012 – 2013, Hiếu lại tiếp tục giành được các thành tích đáng nể như: Gương mặt trẻ tiêu biểu cấp ĐHQG Hà Nội; Giải Nhất Nghiên cứu khoa học sinh viên cấp Khoa (đề tài về Toán Tổ hợp); Giải Nhì, nghiên cứu khoa học sinh viên cấp Khoa (đề tài về Toán Ứng dụng); Giải nhất, nghiên cứu khoa học sinh viên cấp Trường (đề tài về Toán Tổ hợp); Giải Ba, nghiên cứu khoa học sinh viên cấp Trường (đề tài về Toán Ứng dụng); Đồng tác giả với bạn Nguyễn Minh Hải thực hiện đề tài nghiên cứu Khoa học đang được Trường gửi dự thi "Tài năng khoa học trẻ Việt Nam".


Hiện tại, Hiếu có 2 bài báo được đăng/ nhận đăng trên các tạp chí Toán học quốc tế, báo trong danh sách ISI và 1 số tiền ấn phẩm khác (Các bài báo đang chờ phản biện). Hiếu tốt nghiệp đại học với danh hiệu Thủ khoa đầu ngành với điểm số 3.59/4. Trong suốt 4 năm học học tại Trường, Hiếu đều nhận được học bổng khuyến khích học tập, ngoài ra còn được nhận các loại học bổng của các Quỹ học bổng khác như: Học bổng Kumho- asiana; Học bổng Shinyo – En; Học bổng Watanabe – Kanda; Học bổng Viethope; Học bổng Đồng Hành...

Đỗ Duy Hiếu tại Lễ trao học bổng Watanabe - Kanda

    Chia sẻ về kinh nghiệm học tập và nghiên cứu, Hiếu khiêm tốn “em cũng chẳng có kinh nghiệm gì nhiều, nhưng cách học Toán và nghiên cứu khoa học của em là: khi gặp một vấn đề khó cần giải quyết thì phải luôn luôn nghĩ về nó. Nghĩ về nó ở mọi lúc mọi nơi. Kể cả khi đang làm việc khác cũng nghĩ về nó...”


Khoa Toán – Cơ – Tin học xưa nay vốn nổi tiếng là điểm học khắt khe nhất Trường, vậy mà có thủ khoa tốt nghiệp 3.59/4 quả là một kết quả hiếm thấy. Khi được hỏi về bí kíp để được điểm cao, Hiếu thành thật chia sẻ: “Em nghĩ điểm học tập của em cao là do điểm Toán là chính, các môn xã hội trong chương trình em cũng chỉ đạt điểm khá thôi, còn Tiếng Anh của em thì em chỉ đọc được Tiếng Anh chuyên ngành chứ không giỏi như các bạn khác... Thời gian tới em sẽ cố gắng học đủ điều kiện Tiếng Anh để làm nghiên cứu sinh luôn chị ạ, chỉ cần đủ điều kiện Tiếng Anh em sẽ đủ điều kiện được chuyển tiếp lên nghiên cứu sinh...”

Được Hiệu trưởng tuyên dương về thành tích học tập trong suốt khóa học

    Và cũng như bao sinh viên vừa tốt nghiệp khác, Hiếu mong ước được tiếp tục sự nghiệp học tập và nghiên cứu khoa học. Hiếu hi vọng được Khoa, Trường hoặc Viện Toán học giữ lại làm một nghiên cứu viên trong lĩnh vực cậu yêu thích. Hy vọng ước mơ của em sẽ được toại nguyện và cũng hi vọng những sinh viên của Trường đang theo đuổi con đường khoa học hãy nhìn vào một tấm gương sáng để ngày ngày lên giảng đường tự mình soi tỏ... 

ĐỖ DUY HIẾU


Ngày sinh 6/9/1987


Thủ khoa đầu ngành Toán học với điểm số 3.59/4


Một số thành tích trong học tập, nghiên cứu khoa học


- Gương mặt trẻ tiêu biểu Trường 2011; 


- Giải Nhất, nghiên cứu khoa học sinh viên cấp Khoa 2012; 


- Giải Nhì, nghiên cứu khoa học sinh viên cấp Trường 2012; 


Giải Ba, nghiên cứu khoa học sinh viên cấp ĐHQGHN 2012;


- Gương mặt trẻ tiêu biểu cấp ĐHQG Hà Nội 2012; 


- Giải Nhất nghiên cứu khoa học sinh viên cấp Khoa (đề tài về Toán Tổ hợp); 


- Giải Nhì nghiên cứu khoa học sinh viên cấp Khoa (đề tài về Toán Ứng dụng); 


- Giải nhất nghiên cứu khoa học sinh viên cấp Trường (đề tài về Toán Tổ hợp); 


- Giải Ba nghiên cứu khoa học sinh viên cấp Trường (đề tài về Toán Ứng dụng); 


- Có công trình nghiên cứu Khoa học đang được Trường gửi dự thi "Tài năng khoa học trẻ Việt Nam";


- Có 2 bài báo được đăng/ nhận đăng trên các tạp chí Toán học quốc tế, báo trong danh sách ISI và 1 số tiền ấn phẩm khác (Các bài báo đang chờ phản biện). 


Các học bổng được cấp trong 4 năm học


- Học bổng khuyến khích học tập trong 4 năm 2009-2013;


- Học bổng Kumho- asiana; 


- Học bổng Shinyo – En; Học bổng Watanabe – Kanda; 


- Học bổng Viethope; 


- Học bổng Đồng Hành.


  • Website cựu sinh viên