Từ nhỏ, tôi luôn mơ ước được trở thành một nhà khoa học. Ước mơ này nhen nhóm từ sách - cánh cửa đầu tiên đưa tôi đến với những nhà khoa học nổi tiếng. Tôi đắm mình ngưỡng mộ tài năng và cống hiến của họ. Tôi nỗ lực học tập, nuôi dưỡng giấc mơ trở thành nhà khoa học và háo hức tin rằng phía trước thật rộng mở.

Cuối phổ thông, tôi bị mắc kẹt giữa say mê đó với định kiến xã hội, với áp lực “cơm áo gạo tiền”. Tôi tạm gác những “bồng bột của tuổi trẻ”, thi vào Đại học Ngoại thương theo đúng nguyện vọng của gia đình.

Năm học đầu tiên ở ngôi trường này là một chuỗi dài căng thẳng gần như đến trầm cảm đối với tôi. Tôi cứ nghĩ đi nghĩ lại, liệu mình có thể yêu thích cái mình đang học không hay nên từ bỏ và quay về cái mình muốn? Một bên là sự kỳ vọng rất lớn từ gia đình, một bên là niềm đam mê của bản thân.

CỰU SINH VIÊN SỞ HỮU 2 BẰNG XUẤT SẮC ĐH NGOẠI THƯƠNG VÀ ĐH KHOA HỌC TỰ NHIÊN: “Tôi đam mê Toán - Tin”
CỰU SINH VIÊN SỞ HỮU 2 BẰNG XUẤT SẮC ĐH NGOẠI THƯƠNG VÀ ĐH KHOA HỌC TỰ NHIÊN: “Tôi đam mê Toán - Tin”

Người ta vẫn nói, giai đoạn khủng hoảng của độ tuổi 20 là lúc chúng ta luôn băn khoăn, kiếm tìm câu trả lời: “Mình là ai, mình muốn gì và mình muốn trở thành người thế nào?”. Ngoại thương là mơ ước của rất nhiều bạn trẻ, là bệ phóng của vô số tài năng. Đáng tiếc, môi trường quá năng động, quá ồn ào và hiện đại như vậy lại không hợp với tính cách tĩnh lặng, ghét nơi đông người như tôi.

Tôi quyết định cho bản thân thời gian để thử thích nghi cũng như để tìm hiểu chính mình. Tôi lấy lại được thăng bằng, trăn trở ít đi, điềm tĩnh hơn và học cách suy xét thấu đáo mọi thứ.

Năm thứ 3 Đại học Ngoại thương, tôi quyết định thi lại vào Khoa Toán - Cơ - Tin học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU-HUS). Đó là lúc tôi chắc chắn đam mê của mình đã đủ lớn và sẵn sàng đối mặt với bất cứ khó khăn nào.

Trở ngại ập đến rất nhanh, cho dù tôi đã có sự chuẩn bị. Sự phản đối của gia đình, 4 năm đằng đẵng tiếp tục ăn bám xã hội trong khi bạn đồng trang lứa đã có chỗ đứng nhất định,...

Đó chính là một cảm giác bị bỏ lại phía sau. Rất xa!

NHIỆM VỤ DUY NHẤT

Trái ngược với quãng thời gian luẩn quẩn trước đây, tôi đã có 4 năm “đáng sống” với “nhiệm vụ duy nhất”: theo đuổi đam mê dành cho Toán - Tin.

Con đường khoa học chưa bao giờ dễ dàng. “Đã từng nghĩ đến bỏ cuộc chưa?”, có người hỏi tôi như vậy. Chắc chắn có, nhưng chỉ thoảng qua vài ngày đầu khi tôi còn chút mặc cảm về “tuổi tác” và sự phản đối từ gia đình. Lúc đó, tôi dành toàn bộ tâm trí cho lý do thôi thúc tôi bắt đầu hành trình này. Tôi chỉ nghĩ đến những điều thật sự muốn làm và mang lại hạnh phúc nho nhỏ cho bản thân như người ta vẫn nói “mình thích thì mình làm thôi”.

Ngày ngày trong suốt hơn 3 năm học VNU-HUS, tôi được chứng kiến thầy cô tận tụy nghiên cứu, giảng dạy, nhất là những người dành cả cuộc đời cống hiến cho khoa học. Nể phục họ bao nhiêu, tôi càng được truyền cảm hứng bấy nhiêu.

Tôi nhớ hình ảnh thầy Đặng Anh Tuấn dạy Giải tích luôn đến sớm trước cả giờ dạy, cặm cụi viết rồi giảng hết lượt bảng này đến lượt bảng khác. Về nhà, thầy lại viết blog chia sẻ kiến thức và trả lời rất nhanh mọi thắc mắc của sinh viên. Khoa còn có thầy Đặng Đình Châu, thầy Nguyễn Hữu Điển, thầy Nguyễn Đức Đạt,... không chỉ dạy tôi kiến thức chuyên ngành mà còn chia sẻ những bài học cuộc sống, những vần thơ hay. Nhờ đó, tôi nhận ra Toán học và các thầy không khô khan như những gì người ta thường nói về Toán và người dạy Toán. Ngược lại, Toán rất đẹp và tâm hồn người làm Toán cũng rất bay bổng và lãng mạn.

Với bộ môn Tin học, các thầy cô luôn quan tâm đến nguyện vọng của sinh viên và tạo điều kiện tốt nhất để chúng tôi được tham gia nghiên cứu khoa học cũng như thực tập tại các doanh nghiệp từ rất sớm.

Tôi may mắn được cô Nguyễn Thị Minh Huyền hướng dẫn và làm quen với một số đề tài về xử lý ngôn ngữ tự nhiên. Đến khi đó tôi mới thực sự thấy và hiểu được mối liên hệ giữa Toán và Tin học, khi những mô hình Toán học kết hợp với lập trình để giải quyết vấn đề. Gần đây, sau khi tham gia chương trình trao đổi tại Trường Đại học POSTECH (Hàn Quốc), tôi càng thấm thía giá trị và lựa chọn vào Khoa Toán - Cơ - Tin học là đúng đắn. Những kiến thức nền tảng Toán tốt đã, đang và sẽ đem lại ưu thế và sự tự tin rất lớn khi chúng tôi học những kiến thức mới và nâng cao hơn.

Dù tự lựa chọn lùi lại phía sau rất xa và bước chậm hơn so với bạn bè đồng trang lứa, nhưng tôi được học và làm những thứ mình thích. Tôi không thấy hối tiếc khi đánh đổi một phần tuổi trẻ để hiểu bản thân hơn và giành được thế chủ động trong cuộc sống của chính mình.

Còn bạn? Nếu bạn chưa biết đam mê của mình là gì, hãy dành thời gian tìm nó; nếu bạn đã biết đam mê của mình thì hãy dành thời gian thực hiện nó và đảm bảo một sự chuẩn bị thật tốt cho chuyến đi này.

Như Paulo Coelho viết trong Nhà giả kim: “Nhiệm vụ duy nhất của mỗi chúng ta là thực hiện con đường mình đã chọn. Tất cả chỉ là một. Rồi khi anh quyết chí muốn điều gì thì toàn vũ trụ sẽ chung sức để anh đạt được điều ấy”.

——————-

Trên đây là chia sẻ của cựu sinh viên Nguyễn Thị Thu, tốt nghiệp xuất sắc ngành Máy tính và Khoa học thông tin, Khoa Toán - Cơ - Tin học của VNU-HUS. Thu sinh năm 1993 tại Hà Nội.

Trước đây, khi đang là sinh viên năm thứ 2, cô đã hoàn thành 4 năm học tập ở Đại học Ngoại thương Hà Nội với tấm bằng xuất sắc. Sau đó 1 năm, Nguyễn Thu trở thành nhân viên phát triển phần mềm chính thức của FPT. Cô vừa làm, vừa học, vừa nghiên cứu, hoàn thành khóa học 2014-2018 với số điểm 3.78.

Tháng 01/2018, Nguyễn Thị Thu đạt học bổng Global Korea (GKS) của ĐH Khoa học và Công nghệ Pohang, Hàn Quốc (POSTECH). Tổng trị giá học bổng và chi phí do ĐH POSTECH đài thọ gần 9.000 USD. POSTECH là một trong những đại học về công nghệ hàng đầu Hàn Quốc, thuộc Top 100 đại học tốt nhất thế giới.

Được biết, hiện Thu đang học sau đại học tại Mỹ.