Các lớp cử nhân khoa học tài năng của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên hội tụ rất nhiều nhân tài với những thành tích học tập đáng nể từ thời THPT. Trong 4 năm dưới mái trường đại học, các bạn luôn thể hiện khả năng xuất sắc của mình.

Nhân dịp Nhà trường vừa tổ chức Lễ bế giảng và và trao bằng cử nhân khoa học hệ đại học chính quy năm 2021, cùng trò chuyện với 3 gương mặt tiêu biểu: "3 chàng lính ngự lâm" lớp K62 Cử nhân khoa học tài năng Toán học: Lê Quang Dũng, Hoàng Anh Quân, Đỗ Xuân Anh nhé!

-Xin chào Dũng, Quân, Xuân Anh. 4 năm trước, “cơn gió” nào đưa các bạn đến với lớp k62 Cử nhân khoa học tài năng Toán học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên?

Dũng, Quân, Xuân Anh: Hồi cuối năm lớp 12, giữa rất nhiều sự lựa chọn giữa các trường đại học cho tương lai của bản thân, có lẽ sự hứng thú với khoa học cơ bản, đặc biệt là Toán học, là lý do mà chúng em quyết định chọn Trường Đại học Khoa học Tự nhiên và Khoa Toán-Cơ-Tin học để theo đuổi trong bốn năm học tiếp theo. 

“Ba chàng lính ngự lâm Lớp k62 Cử nhân khoa học tài năng Toán học

Giờ học Đại số tuyến tính của GS.TSKH. Nguyễn Hữu Việt Hưng , trong đó Đỗ Xuân Anh, Lê Quang Dũng, Hoàng Anh Quân theo thứ tự là 3 bạn đầu tiên từ trái qua phải. Ảnh chụp ngày 20/11/2017.

-Trong lớp toàn những cao thủ về Toán. Các bạn có nhìn nhau như những “đối thủ đáng gờm”?

Dũng, Quân, Xuân Anh: Chúng em nghĩ các bạn cùng lớp đều là những học sinh xuất sắc ở thời phổ thông, và nhiều bạn đã tìm hiểu một khối lượng khá lớn về Toán cao cấp. Vì vậy, các bạn ấy không phải là  “những địch thủ đáng gờm”, mà là những người bạn, người đồng nghiệp, giúp đỡ lẫn nhau trong quá trình lĩnh hội các kiến thức Toán học.

-Trong 4 năm đại học, môn học nào các bạn thấy khó nhất  và môn học nào gây hứng thú nhất?

“Ba chàng lính ngự lâm Lớp k62 Cử nhân khoa học tài năng Toán học

Dũng: Có lẽ môn học mà làm em cảm thấy khó khăn nhất, nhưng cũng gây hứng thú nhất là môn Đại số tuyến tính 3. Do chúng em cũng chưa được tìm hiểu nhiều về đại số trước đây, khối lượng kiến thức được truyền tải và bài tập tự luyện khá lớn, và chúng em cũng chưa quen với cách học trong đại học, nên chúng em gặp phải rất nhiều khó khăn trong việc tiếp thu bài giảng. Nhưng nhờ sự giúp đỡ của các thầy và các bạn, chúng em dần dần bắt nhịp được với môn học này. Mặc dù kết quả của kỳ thi chưa được như ý, nhưng từ môn học này, bọn em rút ra được khá nhiều kinh nghiệm trong việc học tập trên lớp, ôn thi cuối kỳ, cách sắp xếp thời gian học tập,...

“Ba chàng lính ngự lâm Lớp k62 Cử nhân khoa học tài năng Toán học

Quân: Em ấn tượng với Giải tích 1, đặc biệt là với giảng viên giảng dạy môn học này. Thầy có cách truyền đạt thú vị, luôn tiếp cận vấn đề thông qua những câu hỏi gợi mở, từ đó giúp sinh viên tiếp cận vấn đề một cách chính xác và hiệu quả. Đứng trước một định lý Toán học, thầy không vội vàng chứng minh tính đúng đắn của nó, thay vì vậy thầy đặt câu hỏi ví dụ như "Nếu giả thiết này không còn nữa, thì kết luận còn đúng hay không?". Có rất nhiều điều có thể học được từ cách làm việc của thầy. Thầy là một trong những người có ảnh hưởng lớn nhất tới em trong bốn năm vừa qua.

“Ba chàng lính ngự lâm Lớp k62 Cử nhân khoa học tài năng Toán học

Xuân Anh: Thành thật mà nói, mỗi môn học trong chương trình đào tạo, đặc biệt là với hệ Cử nhân Khoa học Tài năng của bọn em, đều là một thử thách bởi lượng kiến thức mà chúng em cần lĩnh hội không hề nhỏ, đòi hỏi không chỉ việc tập trung nghe giảng trên lớp mà còn lượng lớn thời gian đọc các tài liệu và làm các bài tập liên quan ở nhà. Nhưng để nói về môn học em thấy khó nhất cũng là môn em thấy khá hứng thú mỗi khi nhắc lại, có lẽ đó là Giải tích phức, môn em bị điểm kém nhất thời Đại học. Mặc dù so với các môn khác, đây không phải là môn có nhiều kiến thức “khó nhằn”, nhưng với một sinh viên năm hai khi ấy, vừa phải cân bằng giữa những dự định của bản thân lẫn việc học 4-5 học phần Toán một lúc, đã khiến em gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp thu môn học này bởi đặc thù của nó. Dù cho cuối cùng em vẫn hoàn thành học phần này nhưng nó không dễ dàng gì. Nhưng em lại thấy trong cái rủi có cái may. May vì nhờ đó, em đã tự nhìn nhận lại bản thân để cân bằng lại mọi việc, xác định rõ đâu là mục tiêu ngắn hạn, đâu là mục tiêu dài hạn từ đó đưa ra phương hướng học tập và sinh hoạt phù hợp. May mắn hơn, chính những khó khăn trong thời điểm đó giúp em có cơ hội để bàn luận, trao đổi với giảng viên dạy môn học, từ việc học tập đến các vấn đề trong cuộc sống, và sau này thầy lại chính là người hướng dẫn em hoàn thành khóa luận tốt nghiệp.

-Các bạn có thể chia sẻ về một lần thất bại của mình (trong học tập, nghiên cứu hoặc bất kỳ lĩnh vực gì)?

Dũng: Có lẽ lần thất bại đáng nhớ nhất của em trong suốt 4 năm đại học là khi em trượt hồ sơ du học ở những trường như ý muốn của em. Hồi đó, em cũng dành chủ yếu thời gian cho việc làm hồ sơ du học mà bỏ bê việc học ở trường. Em cũng đã nghĩ đến chuyện gap-year. Do ngoại ngữ chưa thật sự tốt cũng như điều kiện cá nhân, em đã không đậu được các trường như ý. Sau thời gian đó, em dành hết toàn bộ thời gian để ôn thi cuối kỳ. Nhờ sự nỗ lực của bản thân, mặc dù điểm kỳ đó của em chưa được cao, nhưng em cũng cảm thấy hài lòng cho sự nỗ lực của bản thân, và không cảm thấy quá hối hận khi dành nhiều thời gian để nộp hồ sơ du học.

Quân: Quả thực rất khó để tránh mọi thất bại. Điều quan trọng là rút kinh nghiệm từ những thất bại đó, rồi từ đó đề ra những cách tiếp cận, giải pháp, phương án tốt hơn.

Thời gian đầu khi thực hiện đề tài khóa luận tốt nghiệp, em gặp trở ngại trong việc đề ra những cách tiếp cận hiệu quả. Bằng việc rút kinh nghiệm từ những trở ngại đó, cũng như đặt câu hỏi để hiểu rõ đề tài, em đã có thể hoàn thành khóa luận một cách trọn vẹn.

Xuân Anh: Em là một người khá cầu toàn, nên thường chỉ quyết định làm một việc gì đó khi đã khá chắc chắn về kết quả đạt được. Em nghĩ đây vừa là ưu điểm cũng vừa là nhược điểm của em. Chính vì vậy, suốt bốn năm qua, với công việc chính là tập trung học tập và thỉnh thoảng tham gia một số các hoạt động tình nguyện, em chưa phải nhận một thất bại nào quá lớn, có chăng chỉ là bị điểm kém, kết quả học tập chưa tốt, hay một vài hoạt động em tham gia chưa đạt được như kỳ vọng. Tuy nhiên, chắc chắn, khi bước ra khỏi cảnh cổng Đại học, em nghĩ mình phải liều lĩnh hơn, quyết đoán hơn để tìm kiếm thêm nhiều cơ hội phát triển cho bản thân. Khi ấy, chắc chắn thất bại là không thể tránh khỏi.

“Ba chàng lính ngự lâm Lớp k62 Cử nhân khoa học tài năng Toán học

Ảnh được chụp cùng các thành viên đội tuyển Olympic Sinh viên Toán học Toàn quốc 2019 tại Nha Trang. Lê Quang Dũng - ngoài cùng bên trái hàng sau, Hoàng Anh Quân - thứ hai từ phải sang hàng trước, Đỗ Xuân Anh - ngoài cùng bên phải hàng trước.

-Được biết các em xuất thân từ các Trường chuyên có tiếng trong nước: Chuyên Lam Sơn (Thanh Hóa), Chuyên ĐHSP, Chuyên KHTN. Các bạn có thể chia sẻ gì đến các thế hệ đàn em từ trường chuyên của mình?

Dũng: Có lẽ em không có chia sẻ gì đáng kể với các bạn khóa dưới ở trường THPT chuyên Lam Sơn, nơi mà em đã dành 3 năm học phổ thông. Các bạn học sinh ở đấy ngày càng năng động và xuất sắc. Điều mà em mong muốn nhất, đó là các bạn có thể chọn được con đường đi phù hợp với bản thân trong bốn năm đại học tiếp theo. 

Quân: Với các bạn học sinh bây giờ, có rất nhiều con đường cho tương lai mà các bạn có thể lựa chọn. Việc bạn đã từng học ở đâu không hoàn toàn quyết định con đường mà bạn sẽ chọn. Lời nhắn nhủ của mình chỉ đơn giản là hãy chọn một con đường phù hợp với mục tiêu của bản thân và sẵn sàng bắt đầu một hành trình hoàn toàn mới với một tinh thần ham học hỏi. Nếu còn phân vân, hãy dành thời gian tìm hiểu về những lựa chọn. Nếu còn điều gì chưa rõ, hãy mạnh dạn đặt câu hỏi vì sẽ luôn có người giải đáp những thắc mắc của các bạn.

Xuân Anh: Thực sự, các bạn trẻ bây giờ giỏi giang và tài năng hơn bọn em rất nhiều. Để chia sẻ em cũng không biết chia sẻ gì nhiều, em chỉ muốn nói là học sinh Tổng hợp (KHTN) của chúng ta rất may mắn khi được dìu dắt bởi các thầy cô giáo có chuyên môn cao, yêu nghề; được học tập với những người bạn xuất sắc, ưu tú - đó là một lợi thế rất lớn của chúng ta. Em hy vọng các bạn trẻ hãy lấy đó làm bệ phóng, tìm cho mình một con đường đi đúng đắn, một định hướng nghề nghiệp phù hợp, để không chỉ hoàn thiện, phát huy hết khả năng bản thân mà còn viết tiếp thêm vào thành tích đáng tự hào của chuyên Tổng hợp.

-Dự định trong thời gian tới của các bạn?

Dũng: Có lẽ em sẽ cố gắng học thật tốt chương trình học sắp tới của em tại Pháp. 

Quân: Khoa Toán - Cơ - Tin học trường Đại học Khoa học Tự nhiên đã mở ra cánh cửa giúp em bước chân vào thế giới rộng lớn của Toán học. Em sẽ khám phá thế giới này.

Xuân Anh: Em sẽ vẫn tiếp tục công việc học tập của mình với chương trình Cao học tại trường. Sắp tới, em được phân công dạy một số lớp cho các bạn sinh viên trong trường, hy vọng em sẽ làm tốt nhiệm vụ và truyền được một chút cảm hứng học tập cho các bạn. Song song đó, em đang cố gắng cải thiện khả năng ngoại ngữ để tìm cho mình cơ hội du học trong tương lai.

-Cảm ơn các bạn. Chúc các bạn tiếp tục gặt hái được nhiều thành công trên chặng đường sắp tới!

“Ba chàng lính ngự lâm Lớp k62 Cử nhân khoa học tài năng Toán học

Tại Ngày hội Toán học mở năm 2020.

Một số thông tin trích ngang về 3 sinh viên xuất sắc lớp K62 Cử nhân khoa học tài năng Toán học, Trường ĐHKHTN.

Lê Quang Dũng:

-Thành tích (giải thưởng) khi học THPT: Huy chương Vàng Olympic Toán học Quốc tế 2017

-GPA: 3.84

-Sở thích: đọc truyện 

-Tham gia trình bày báo cáo tại Hội thảo Tối ưu và Tính toán khoa học lần thứ 19 (từ ngày 22-24/4/2021) do Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHKHTN) - Đại học Quốc gia Hà Nội, và Trường Đại học Bách Khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, đã tổ chức.

-Tham gia dạy đội tuyển IMO

-Xếp loại tốt nghiệp: Xuất sắc

-Học bổng Thạc sĩ ở trường Ecole Polytechnique (Bách khoa Paris).

Hoàng Anh Quân:

-Thành tích (giải thưởng) khi học THPT: giải Ba kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia môn Toán học.

-GPA: 3.72 / 4.0

-Sở thích: board game Blokus Trigon

-Tham gia trình bày báo cáo tại Hội thảo Tối ưu và Tính toán khoa học lần thứ 19 (từ ngày 22-24/4/2021) do Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHKHTN) - Đại học Quốc gia Hà Nội, và Trường Đại học Bách Khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, đã tổ chức. 

- Tham gia dự án nghiên cứu khoa học “Bacterial Motility Near a Smooth Surface” dưới sự hướng dẫn của PGS. TS. Hoa Nguyễn, TS. Orrin Shindell (đại học Trinity, Mỹ) và TS. Hoàng Nam Dũng (Trường ĐHKHTN, ĐHQGHN).

Làm việc tại Trường đại học Trinity từ 23/06/2019 đến 03/08/2019 trong dự án nghiên cứu khoa học trên.

-Xếp loại tốt nghiệp: Xuất sắc

-Trợ giảng tại Khoa Toán – Cơ – Tin học, Trường ĐHKHTN từ tháng 9/2021.

Đỗ Xuân Anh:

- GPA: 3.70

- Sở thích: xem phim, nghe nhạc

- Giải Nhất Hội nghị Khoa học sinh viên Trường ĐHKHTN năm 2021, Giải Nhì Hội nghị Khoa học sinh viên cấp ĐHQGHN năm 2021 với nghiên cứu “Weighted p-parabolicity, weighted p-Laplacian, and their applications” dưới sự hướng dẫn của PGS.TS. Nguyễn Thạc Dũng, Khoa Toán – Cơ – Tin học.

- Xếp loại tốt nghiệp: Xuất sắc

- Trợ giảng tại Khoa Toán – Cơ – Tin học, Trường ĐHKHTN từ tháng 9/2021.