Hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam và Ngày Đại dương thế giới năm 2022, sáng ngày 4/6/2022, được sự hỗ trợ từ Tổ chức phi chính phủ Ocean Conservancy, hơn 200 cán bộ và sinh viên khoa Địa chất - Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHKHTN) đã về xã Giao Hải, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định làm sạch rác ở bãi biển. Chương trình nằm trong chuỗi hoạt động tuyên truyền bảo vệ tài nguyên môi trường biển với trọng tâm: “Hành động vì Đại dương không rác thải nhựa”.

Cán bộ và sinh viên Khoa Địa chất, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên hành động vì đại dương không rác thải nhựa

Cùng với cán bộ và sinh viên Khoa Địa chất, Trường ĐHKHTN còn có các cán bộ, đoàn viên, học sinh Hà Nội và địa phương; cán bộ Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên - Môi trường biển khu vực phía Bắc (Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam), cán bộ Vườn quốc gia Xuân Thủy tham gia chương trình.

Cán bộ và sinh viên Khoa Địa chất, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên hành động vì đại dương không rác thải nhựa

PGS.TS. Đinh Xuân Thành, Trưởng khoa Địa chất, Trường ĐHKHTN

PGS.TS. Đinh Xuân Thành, Trưởng khoa Địa chất, Trường ĐHKHTN cho biết, theo nhận định ban đầu, rác thải nhựa ở khu vực bãi biển xã Giao Hải, huyện Giao Thủy được mang ra biển từ đất liền theo hệ thống sông Hồng và được sóng, thủy triều và dòng chảy đẩy vào bãi biển. Như vậy, người dân xã Giao Hải đang chịu hậu quả nặng nề về ô nhiễm rác thải nhựa do hoạt động của con người từ nhiều vùng miền khác nhau chuyển đến bằng con đường tự nhiên. Rác thải nhựa mà chúng ta có thể nhìn thấy trên bãi biển chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”. Trong cát, có thể có các mảnh vi nhựa (microplastic) và các mảnh nhựa rất nhỏ (nanoplastic) có tác hại âm thầm nhưng lớn hơn nhiều so với rác thải nhựa kích thước lớn, mà chúng ta phải sử dụng kính lúp hoặc kính hiển vi mới nhìn thấy được.

Cán bộ và sinh viên Khoa Địa chất, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên hành động vì đại dương không rác thải nhựa

Biển xã Giao Hải, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định.

Ngoài hoạt động làm sạch bãi biển, nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường và tài nguyên biển cho sinh viên, học sinh phổ thông và người dân địa phương, Ban tổ chức còn trưng bày nhiều tranh ảnh, mô hình, poster… có chủ đề bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái biển, giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại khu vực ven biển xã Giao Hải.

Cán bộ và sinh viên Khoa Địa chất, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên hành động vì đại dương không rác thải nhựa

Sinh viên Khoa Địa chất đang thu gom rác, làm sạch bãi biển xã Giao Hải, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định.

Đoàn cũng tổ chức thực nghiệm nghiên cứu lấy mẫu rác thải nhựa ở địa phương và tìm hiểu nhận thức của người dân về tình hình ô nhiễm rác thải nhựa đại dương, thăm quan Vườn Quốc gia Xuân Thủy; tổ chức thi vẽ tranh, viết bài, làm clip cho học sinh và sinh viên với nội dung liên quan đến chủ đề Biển và Đại dương,…

Cán bộ và sinh viên Khoa Địa chất, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên hành động vì đại dương không rác thải nhựa

Các em nhỏ Trường THCS Giao Hải tham gia vẽ tranh ngay tại bờ biển. Trong ảnh là bức tranh “Con bạch tuộc buồn” vì biển bị ô nhiễm – tác phẩm đạt giải Nhất cuộc thi vẽ tranh trên bãi biển.

Chương trình thi vẽ tranh được thực hiện ngay tại bờ biển. Trong khoảng thời gian 2 tiếng, các em nhỏ đã hoàn thành những bức tranh sinh động gửi gắm các thông điệp bảo vệ tài nguyên thiên nhiên Biển và Đại dương.

Cán bộ và sinh viên Khoa Địa chất, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên hành động vì đại dương không rác thải nhựa

Trao giải và quà kỷ niệm cho các em tham gia vẽ tranh.

Cán bộ và sinh viên Khoa Địa chất, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên hành động vì đại dương không rác thải nhựa

Đoàn thăm Vườn Quốc gia Xuân Thủy

Theo lãnh đạo xã Giao Hải, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định có diện tích khoảng 6 km². Kể từ khi hệ thống đê biển được xây dựng, rác thải bắt đầu có xu thế tích tụ ngày càng nhiều ở ven đê biển. Đặc biệt là trong khoảng vài năm trở lại đây, rác thải nhựa tràn ngập bãi biển, ven đê gây mất mỹ quan, môi trường, ảnh hưởng đến việc di chuyển, mang vác các sản phẩm đánh bắt của ngư dân từ thuyền vào bờ khi thủy triều rút, ảnh hưởng đến hoạt động nuôi ngao của người dân. Xã Giao Hải đã nhiều lần tuyên truyền, huy động nhân dân, đặc biệt là đoàn viên thanh niên thu dọn, nhưng sau một thời gian ngắn, rác thải nhựa lại trôi dạt và tích tụ vào bãi ven đê.

Cán bộ và sinh viên Khoa Địa chất, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên hành động vì đại dương không rác thải nhựa

Bãi biển đã sạch hơn sau khi rác trên bề mặt được gom lại để xử lý.

Khoa Địa chất, trường ĐHKHTN có bề dày truyền thống giảng dạy và nghiên cứu khoa học tại Việt Nam, đồng thời cũng là đơn vị tiên phong trong nghiên cứu, bảo vệ môi trường và sử dụng bền vững tài nguyên biển. Các thầy cô giáo và sinh viên của Khoa đã thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu về rác thải nhựa đại dương, góp phần làm rõ hơn hiện trạng tác động của ô nhiễm chất thải nhựa đến môi trường.

Cán bộ và sinh viên Khoa Địa chất, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên hành động vì đại dương không rác thải nhựa

Cán bộ, sinh viên khoa Địa chất chụp ảnh cùng cán bộ các tổ chức và địa phương tham gia chương trình “Hành động vì đại dương không rác thải nhựa”

Từ năm 2009, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã chính thức chọn ngày 8/6 hàng năm là Ngày Đại dương thế giới. Chủ đề của Ngày Đại dương thế giới năm nay được Liên hợp quốc lựa chọn là “Hồi sinh: cùng hành động vì đại dương” thể hiện tầm quan trọng của các hoạt động phối hợp giữa các quốc gia và tổ chức giúp hồi đại dương, phục hồi các hệ sinh thái biển, bảo tồn tài nguyên và môi trường biển với mục tiêu phát triển bền vững.

Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam được Chính phủ quy định ngày 6/3/2009 để hưởng ứng ngày Môi trường thế giới (5/6) và Ngày đại dương thế giới (8/6). Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam hàng năm là dịp để Việt Nam khẳng định tiềm lực lớn về kinh tế biển; thể hiện ý chí quyết tâm phát triển toàn diện ngành nghề biển, bảo vệ tài nguyên và môi trường biển đảo bền vững và bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển. Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm nay có chủ đề “Phát triển bền vững kinh tế biển gắn với bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái biển” nhằm từng bước khắc phục những tồn tại, hạn chế trong phát triển bền vững kinh tế biển ở nước ta.