“Khoa học không thuộc về phạm vi lãnh thổ nào, khoa học là toàn cầu. Khi mình trở thành một nhà khoa học xuất sắc, có uy tín thì việc đóng góp cho quê hương, giúp đỡ các nhà khoa học Việt Nam mang nhiều ý nghĩa hơn khi trở về”.

Đó là chia sẻ của GS.TS Phan Mạnh Hưởng, Đại học Nam Florida (Hoa Kỳ) nhân dịp đầu xuân Quý Mão 2023 khi ông về Việt Nam ăn Tết Nguyên Đán. 

GS.TS Phan Mạnh Hưởng: “Rèn luyện thành nhà khoa học uy tín để trở về đóng góp cho quê hương”

GS Phan Mạnh Hưởng tại phòng thí nghiệm ở trường ĐH Nam Florida

GS.TS Phan Mạnh Hưởng nguyên là sinh viên Khóa 41, Khoa Vật lý, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, GS.TS Phan Mạnh Hưởng làm việc tại Trung tâm Khoa học Vật liệu - Khoa Vật lý và hoàn thành bậc cao học của Trường ĐH Chungbuk (Hàn Quốc). Sau đó, ông nhận học bổng của Chính phủ Anh làm nghiên cứu sinh và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ năm 2006 tại ĐH Bristol (Vương quốc Anh).

Sau một thời gian làm việc tại ĐH Bristol, GS.TS Phan Mạnh Hưởng đã chuyển đến Đại học Nam Florida và làm việc từ năm 2008 đến nay. 

GS.TS Phan Mạnh Hưởng hiện là Trưởng ban biên tập cho 3 tạp chí quốc tế uy tín (Journal of Science: Advanced Materials and Devices, Applied Sciences, Scientific Reports) và là thành viên hội đồng biên tập, thành viên phản biện cho nhiều tạp chí khoa học quốc tế. 

Với hơn 300 bài báo công bố trên các tạp chí thuộc danh mục ISI, các công trình nghiên cứu này đã được trích dẫn trên 14.000 lần, với chỉ số h-index là 57 - là một trong những nhà khoa học có chỉ số trích dẫn khoa học hàng đầu của thế giới trong lĩnh vực Từ học.

GS.TS Phan Mạnh Hưởng được cộng đồng khoa học đánh giá là một trong những chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực nghiên cứu vật liệu nano từ siêu mỏng, vật liệu từ nhiệt (dạng gốm và dạng dây) cho ứng dụng lạnh từ, vật liệu từ mềm (dạng băng và dạng dây) cho các ứng dụng cảm biến từ trở khổng lồ và cảm biến sinh học, vật liệu nano từ cho các ứng dụng trong lĩnh vực y sinh (điều trị ung thư).

Năm 2017, 2019 và 2021, vượt qua hàng trăm nhà nghiên cứu khoa học xuất sắc, GS.TS Phan Mạnh Hưởng giành giải thưởng nghiên cứu xuất sắc do Đại học Nam Florida trao tặng.

Năm 2018, GS.TS Phan Mạnh Hưởng nhận giải thưởng Giáo sư hướng dẫn nghiên cứu sinh xuất sắc nhất năm do Đại học Nam Florida trao tặng.

Cũng trong năm 2018, GS.TS Phan Mạnh Hưởng vinh dự được ĐH Quốc gia Hà Nội trao tặng Kỷ niệm chương vì những đóng góp quan trọng trong việc phát triển và đưa Tạp chí khoa học: Vật liệu và Linh kiện tiên tiến vào hệ thống WoS và Scopus.

Năm 2022, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức lễ trao bằng Tiến sĩ danh dự cho GS.TS Phan Mạnh Hưởng.

Cũng trong năm 2022, GS. TS. Phan Mạnh Hưởng vinh dự được trao tặng bằng khen của Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Việt Nam cho những đóng góp xuất sắc của GS trong lĩnh vực khoa học Vật lý của Việt Nam. 

GS.TS Phan Mạnh Hưởng chia sẻ: “Người Việt Nam đi tới bất cứ đâu đều khẳng định được vai trò của mình, đều thể hiện được giá trị trong đa dạng ngành nghề. Những người Việt làm ở nước ngoài như chúng tôi đã dành cả thanh xuân, nhiệt huyết để theo đuổi đam mê của mình. Chúng tôi muốn sử dụng những gì mình đã được học hỏi, rèn luyện, tu dưỡng ở nước ngoài trở về giúp đỡ các nhà khoa học Việt Nam, các bạn trẻ có điều kiện được phát huy năng lực của mình tốt hơn nữa trong tương lai”.

GS.TS Phan Mạnh Hưởng: “Rèn luyện thành nhà khoa học uy tín để trở về đóng góp cho quê hương”

Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội Lê Quân và Phó Giám đốc Phạm Bảo Sơn trao bằng Tiến sĩ danh dự và tặng hoa cho GS.TS Phan Mạnh Hưởng

Đã đủ điều kiện để trở về nước, đóng góp cho quê hương

- Chắc hẳn ông đã trải qua những giây phút phải đưa ra quyết định ở lại nước ngoài hay trở về Việt Nam để làm việc. Trước cột mốc đưa ra lựa chọn như vậy ông có sự cân nhắc như thế nào?

- Tôi nghĩ rằng đây là câu hỏi phần lớn nhà khoa học Việt đều đang trăn trở và có cho mình những câu trả lời riêng. Nhưng tựu chung lại đều có mong muốn phát triển bản thân để trở thành một người có ích cho xã hội, sau đó mang những hiểu biết của mình về đóng góp cho quê hương.

Khi tôi đem câu hỏi này tới hỏi những người thầy của tôi, họ đã cho tôi lời khuyên rất chân thành là: hãy chọn những nơi mà mình có thể đóng góp tốt nhất. Bởi vì khoa học là không thuộc về phạm vi lãnh thổ nào cả, khoa học là toàn cầu. Khi mình trở thành một nhà khoa học xuất sắc, có uy tín thì việc mình đóng góp cho quê hương, giúp đỡ các nhà khoa học Việt Nam thì sự trở về đó còn mang nhiều ý nghĩa hơn.

Sau khi lắng nghe lời khuyên và tìm hiểu tôi quyết định lựa chọn con đường bản thân mình ở lại nước ngoài rèn luyện trở thành nhà khoa học uy tín.

Hiện tại bản thân tôi đã đủ điều kiện để trở về nước, đóng góp cho quê hương thông qua những nhịp cầu trao đổi khoa học, trao đổi sinh viên, tổ chức các hội thảo quốc tế, thậm chí cùng hướng dẫn nghiên cứu sinh với các thầy các cô ở Việt Nam. Không chỉ bản thân tôi mà còn rất nhiều nhà khoa học trẻ Việt Nam đều như vậy.

Thực tế sau 10 năm làm việc, ở Mỹ và châu Âu đội ngũ nhà khoa học Việt Nam rất hùng hậu. Đây là thời khắc của sự chuyển giao, tôi tin rằng năm 2023 là cột mốc của sự chuyển giao đó.

GS.TS Phan Mạnh Hưởng: “Rèn luyện thành nhà khoa học uy tín để trở về đóng góp cho quê hương”

GS. Phan Mạnh Hưởng cho biết: "Tấm gương của những người thầy ở Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN luôn là điểm tựa của ông trong những chặng đường khoa học và niềm đam mê mà ông theo đuổi"

- Ông nhìn nhận như thế nào về sự phát triển và hướng đi của nền khoa học công nghệ nước nhà; với xu hướng hội nhập quốc tế thì chúng ta cần phải đẩy mạnh những vấn đề gì?

- Tại cuộc họp gần đây của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đã nhấn mạnh sự kết nối giữa các nhà khoa học trong nước và các nhà khoa học là người Việt Nam ở ngoài nước để chuyển giao công nghệ, cộng tác, hợp tác với các Nhà khoa học Việt Nam, phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, liên ngành để giải quyết những vấn đề mang tính chất liên ngành, liên lĩnh vực.

Những chương trình học bổng của Chính phủ đã giúp cho các nhà khoa học của Việt Nam được ra nước ngoài đào tạo một cách chính quy và rất nhiều người quay trở về cống hiến cho đất nước và bây giờ họ là những cộng đồng rất mạnh. Chúng ta cần có hai đầu cầu để kết nối thành một cây cầu vững chắc. Tôi tin rằng đây là điểm nhấn mà trong tương lai, khoa học công nghệ Việt Nam sẽ có một cú hích rất lớn.

Trong chương trình phát triển trọng điểm đến năm 2030, Bộ Khoa học và Công nghệ rất chú trọng đến việc kết nối giữa khoa học trong và ngoài nước để nâng tầm nền khoa học của Việt Nam. Tôi rất kỳ vọng vào chuyện đó.

GS.TS Phan Mạnh Hưởng: “Rèn luyện thành nhà khoa học uy tín để trở về đóng góp cho quê hương”

GS. Phan Mạnh Hưởng

Người thầy là người truyền cảm hứng

- Vai trò của người thầy có những tác động như thế nào đến con đường sự nghiệp của ông?

- Người ta thường nói rằng, "không thầy đố mày làm nên", tôi có được như ngày hôm nay phải nhờ công ơn của các thầy cô đã dìu dắt.

Kỷ niệm mà tôi không bao giờ quyên là về những người thầy của tôi ở khoa Vật lý Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội). Ấn tượng đầu tiên, khi tôi nhập học trường đại học chính là được nghe một thầy đi nước ngoài về dạy và thầy nói rất đam mê về vật lý? vật lý có ý nghĩa như thế nào? vật lý ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta ra sao? và tại sao chúng ta phải học và nghiên cứu về vật lý?... đến tận bây giờ tôi vẫn nhớ kỷ niệm đó.

Sau đó tôi được làm việc trực tiếp với các thầy ở khoa Vật lý, các thầy đã dìu dắt, chỉ bảo từng ly, từng tí cho sinh viên chúng tôi.

GS.TS Phan Mạnh Hưởng: “Rèn luyện thành nhà khoa học uy tín để trở về đóng góp cho quê hương”

GS Phan Mạnh Hưởng (thứ hai từ phải sang) cùng người thầy yêu quý của mình GS.TS Nguyễn Châu và 2 nghiên cứu sinh do ông hướng dẫn.

Tôi nhớ một kỷ niệm, đó là Thầy Nguyễn Châu. Thầy đã gọi tôi đến nhà riêng để thầy hỏi tôi chuẩn bị báo cáo như thế nào trước một hội thảo. Tôi ngồi cạnh thầy báo cáo cho thầy nghe mười lăm phút. Sau đó thầy nhận xét và chỉ cho tôi những thứ mà tôi có thể rút kinh nghiệm để bài cáo hoàn thiện hơn.

Tôi nghĩ rằng đó là những kỷ niệm rất đẹp và mang theo hình ảnh xuyên suốt trong sự nghiệp của tôi cho đến tận bây giờ.

Khi là giáo sư ở trường đại học Nam Florida, tôi đã hướng dẫn gần 20 sinh nghiên cứu sinh thành công. Theo tôi, người thầy là người truyền cảm hứng, người thầy là người giúp cho học trò thấy được định hướng bầu trời phía trước của các bạn là gì, người thầy là người mang lại cho các bạn có những năng lượng tích cực nhất.

Khi ngồi nói chuyện với các học trò. Tôi thường coi các bạn ấy giống như những người bạn, người em, người thân của mình. Ngoài gọi là thầy trò trên phương diện giúp các bạn trưởng thành về kiến thức thì vấn đề con người rất quan trọng.

Một nhà khoa học có xuất sắc đến mấy nhưng không có một nhân cách đúng của một con người thì cũng sẽ không thành công. Đó là những gì mà tôi truyền lại cho các học trò của mình cũng như khi trao đổi với các bạn bè đồng nghiệp, chúng tôi đều nhấn mạnh về điều đó.

- Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!

Theo báo điện tử Đại biểu Nhân dân.