Lời nói đầu: Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHKHTN) tiền thân là Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội được thành lập và chính thức đi vào hoạt động ngày 15/10/1956. Đứng trước yêu cầu phát triển mạnh mẽ của đất nước và hội nhập quốc tế, ngày 10/12/1993, Chính phủ ra quyết định thành lập Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN). Trường ĐHKHTN, ĐHQGHN được thành lập trên cơ sở tiếp nối, kế thừa truyền thống của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Hướng tới ngày kỷ niệm 65 năm Trường đại học Tổng hợp Hà Nội, Trường ĐHKHTN xin trân trọng giới thiệu bài viết của GS.TSKH.NGND. Đặng Hùng Thắng, giảng viên khoa Toán – Cơ – Tin học nhân dịp ông được phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân (tháng 12/2020). Bài viết là những chia sẻ của một nhà giáo tâm huyết gắn bó sự nghiệp giảng dạy từ ngày còn ở Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và sau này là Trường ĐHKHTN.

-------------------------------------------------

“Vượt sóng chèo đò đến bến xa

Gió mưa, nắng gắt đã kinh qua

Đưa người lữ khách sang tới bến

Còn lại dòng sông, ta với ta”.

(St)

Ngày 03/12/2020 Chủ Tịch Nước CHXHCNVN Nguyễn Phú Trọng kí Quyết định số 2139/QĐ-CTN phong tặng Danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân” cho 14 nhà giáo Việt Nam. Tôi vinh dự là nhà giáo duy nhất của ĐHQGHN có tên trong danh sách này. Ngày 15/1/2021, tôi được trao tặng Danh hiệu Nhà giáo Nhân dân tại ĐHQGHN.

Hướng tới kỷ niệm 65 năm Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1956-2021): Tâm sự chuyện đời, chuyện nghề của một người chèo đò đưa khách sang sông

GS.TSKH. Đặng Hùng Thắng trong giây phút đón nhận danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”.

Danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân” (NGNG) nhằm tôn vinh những nhà giáo “đã có công lớn trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo của dân tộc”. Danh hiệu NGND lần đầu tiên được xét tặng vào năm 1990, định kỳ hai năm xét tặng một lần và bắt đầu từ năm 2014 thì ba năm xét tặng một lần. Năm 2020 là lần xét tặng thứ 15.

NGND là danh hiệu cao nhất mà một nhà giáo Việt Nam được Nhà nước phong tặng. Đối tượng được xét tặng là các nhà giáo có thời gian trực tiếp giảng dạy ít nhất là 20 năm, đạt được những thành tích xuất sắc trong đào tạo và nghiên cứu khoa học, đã được tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú (NGƯT), danh hiệu Chiến sĩ Thi đua cấp Bộ, Bằng khen Thủ tướng hoặc cao hơn. Các thành tích và các danh hiệu thi đua này chỉ tính từ sau thời điểm được tặng danh hiệu NGUT. Các thành tích đào tạo và nghiên cứu khoa học được lượng hóa cho từng đối tượng: Giáo viên mầm non, Giáo viên phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp, Giảng viên đại học, cao đẳng, Cán bộ quản lý giáo dục. Đối với Giảng viên đại học đó là số Giáo trình, Sách chuyên khảo đã xuất bản, số Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ trở lên được nghiệm thu, số Bài báo khoa học đã công bố, số nghiên cứu sinh, học viên cao học hướng dẫn đã bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ, luận văn Thạc sỹ. Để được phong tặng, ngoài việc phải thỏa mãn đầy đủ các tiêu chuẩn “cứng” nêu trên,ứng viên còn phải vượt qua 04 vòng bỏ phiếu của Hội đồng cấp Trường, Hội đồng cấp Đại học Quốc gia, Hội đồng cấp Bộ GD&ĐT và Hội đồng cấp Nhà nước với ít nhất 90% số phiếu tán thành trên tổng số thành viên Hội đồng.

Hướng tới kỷ niệm 65 năm Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1956-2021): Tâm sự chuyện đời, chuyện nghề của một người chèo đò đưa khách sang sông

Trong suốt chặng đường dài hành nghề dạy học, chưa lúc nào tôi coi các danh hiệu NGND, NGƯT là mục tiêu phấn đấu của mình. Cái đích mà tôi hướng tới là sự xuất sắc, hoàn hảo trong nghề nghiệp, chế tác ra được những sản phẩm tinh xảo, làm được những việc hữu ích, có ý nghĩa cho cuộc đời, đóng góp vào sự tiến bộ của xã hội. Ở cương vị một nhà giáo, đó là đào tạo được những người học trò giỏi, viết được những Giáo trình, Sách Chuyên khảo được sử dụng rộng rãi và tái bản nhiều lần, công bố được những công trình khoa học được nhiều người quan tâm đọc và trích dẫn.

Hướng tới kỷ niệm 65 năm Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1956-2021): Tâm sự chuyện đời, chuyện nghề của một người chèo đò đưa khách sang sông

GS.TSKH.NGND. Đặng Hùng Thắng (ở giữa) chụp với hai học trò NCS: Phạm Thế Anh và Trần Xuân Quý tại buổi lễ trao bằng Tiến sỹ tại Hội Trường Ngụy Như Kon Tum (19 Lê Thánh Tông, Hà Nội).

Thấm thoắt công việc “trồng người” của tôi đã trải qua hơn 43 năm với những niềm vui xen lẫn những nỗi buồn.Trong suốt quãng thời gian đó, tôi đã liên tục đứng lớp, không ngơi nghỉ. Bảo vệ luận án Tiến sỹ và Tiến sỹ Khoa học ở trong nước theo chế độ ngắn hạn, tự học là chính, không có người hướng dẫn, không được nghỉ dạy trong thời gian viết luận án, tôi đích thị là “a product of Vietnam”, dán nhãn xuất xứ “100% made in Việt Nam”.

Người ta thường ví nhà giáo như một người lái đò thầm lặng, miệt mài qua lại giữa đôi bờ đưa khách qua sông.Trong suốt thời gian “chèo đò” của mình, tôi chỉ thủy chung với một “con đò” duy nhất là Khoa Toán, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Khoa Toán – Cơ-Tin học, Trường ĐHKHTN, ĐHQGHN), chèo lái không biết bao nhiêu chuyến đò đưa khách băng qua dòng sông tri thức, cập bến an toàn để đi tiếp đến những miền đất mới. Khách đi đò của tôi gồm: Ở bậc PTTH là các học sinh tham dự kỳ thi Học sinh giỏi Toán Quốc gia, kỳ thi Toán Quốc tế (IMO). Tôi đã nhiều lần làm Trưởng đoàn dẫn dắt đội tuyển Toán Việt Nam đạt thành tích cao tại IMO. Ở bậc đại học là các sinh viên Toán Hệ chuẩn, Hệ Cử nhân Khoa học Tài năng, Hệ Tiên tiến (dạy bằng tiếng Anh) với các môn: Lý thuyết Độ đo, Xác suất, Thống kê, Quá trình ngẫu nhiên. Ở bậc sau đại học là các học viên cao học, nghiên cứu sinh Tiến sỹ với các học phần: Giải tích ngẫu nhiên, Xác suất nâng cao và các chuyên đề Tiến sỹ. Tôi đã hướng dẫn 07 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ và gần 60 học viên cao học bảo vệ thành công luận văn Thạc sỹ.

Hướng tới kỷ niệm 65 năm Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1956-2021): Tâm sự chuyện đời, chuyện nghề của một người chèo đò đưa khách sang sông

GS.TSKH.NGND. Đặng Hùng Thắng (thứ tư từ phải sang) sau buổi bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ của NCS Trần Xuân Quý, học trò của mình.

Ngoài việc “chèo đò đưa khách sang sông”, tôi còn là một bác nông dân chăm chỉ trồng trọt, cày cuốc trên mảnh đất của mình. Sau nhiều năm tháng hăng say lao động,có năm được mùa, có năm mất mùa, những sản phẩm chính mà bác nông dân thu hoạch đưa ra thị trường là: Hơn 50 bài báo trên các Tạp chí Toán học có uy tín, đại đa số thuộc danh mục ISI, trong đó có một số bài báo được nhiều người quan tâm đọc và trích dẫn; 09 cuốn sách cho bậc đại học và sau đại học, được nhiều trường đại học sử dụng, một số cuốn sách được tái bản nhiều lần như “Mở đầu về Lý thuyết Xác suất và Ứng dụng” tái bản lần thứ 9 , “Thống kê và Ứng dụng” tái bản lần thứ 5, “Bài tập Xác suất” tái bản lần thứ 13. Ngoài ra, tôi còn chủ trì và được nghiệm thu 02 đề tài Khoa học cấp Quốc gia của Quỹ Phát triển Khoa học và Công Nghệ Quốc Gia (NAFOSTED). Bác nông dân hài lòng, phấn khởi khi thấy các sản phẩm của mình được thị trường đón nhận và hoan nghênh.

“Người lái đò” không đòi hỏi “khách đi đò” phải nhớ công ơn của mình bởi đó là trách nhiệm của ông khi làm nghề này. Nhưng khi biết rằng trong những “khách qua sông” đó, vẫn có nhiều người còn nhớ tới dòng sông, bến nước và người lái đò ngày ấy, ông thấy vui trong lòng và thêm yêu nghề.

Giờ đây khi đã ở tuổi xế chiều, sắp đến lúc “rửa tay, gác cuốc, buông chèo” thì “ông lái đò - bác nông dân” này đã được Nhà nước vinh danh công trạng, phong tặng Danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân” cao quý. Điều này mang đến cho ông sự hãnh diện, niềm vinh dự và tự hào to lớn.

GS.TSKH.NGND. Đặng Hùng Thắng

Giảng viên khoa Toán – Cơ – Tin học, Trường ĐHKHTN.