ĐHQGHN tổ chức hội nghị Xây dựng nhóm nghiên cứu mạnh; Lễ kí kết hợp tác giữa ĐHQGHN và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

vnu 2010

 

 

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI

 

 

THÔNG CÁO BÁO CHÍ

HỘI NGHỊ XÂY DỰNG NHÓM NGHIÊN CỨU MẠNH;

LỄ KÍ KẾT HỢP TÁC GIỮA ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI VÀ

VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ VIỆT NAM

 

(ĐHQGHN, 17/5/2014). Sáng 17/5/2014, ĐHQGHN tổ chức hội nghị Xây dựng nhóm nghiên cứu mạnh; Lễ kí kết hợp tác giữa ĐHQGHN và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Hội nghị là một trong nhiều hoạt động của ĐHQGHN triển khai nhân Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam lần thứ nhất, 18/5/2014.

Đồng chí Phùng Xuân Nhạ - UVDK BCH Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc ĐHQGHN cùng đồng chí Châu Văn Minh - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã đại diện cho 2 cơ quan kí kết văn bản thỏa thuận hợp tác.

Chứng kiến lễ kí kết có đại diện lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cùng lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, ĐHQGHN và đại diện các nhà khoa học.

Phát biểu tại buổi lễ, lãnh đạo ĐHQGHN và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cùng đánh giá cao hoạt động hợp tác giữa 2 cơ quan thời gian qua, trong đó có việc đội ngũ cán bộ khoa học cùng tham gia, xây dựng và tổ chức các chương trình nghiên cứu trọng điểm quốc gia, phối hợp tổ chức các hội thảo khoa học quốc tế, đào tạo nhân lực chất lượng cao,…

Với mục đích thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực khoa học công nghệ chất lượng và hiệu quả cao; nâng cao chất lượng và hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ KHCN, đẩy mạnh ứng dụng các kết quả nghiên cứu của hai bên vào thực tiễn, góp phần giải quyết những vấn đề mang tính then chốt trong lĩnh vực kinh tế - xã hội của đất nước; phối hợp triển khai thực hiện các chương trình đào tạo đại học và sau đại học, trong thời gian tới, ĐHQGHN và Viện Hàn lâm KHCNVN sẽ đẩy mạnh các hoạt động hợp tác cụ thể.

Về hoạt động khoa học công nghệ: hàng năm, ĐHQGHN và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam thống nhất phối hợp xây dựng chương trình, nhiệm vụ nghiên cứu chung; phối hợp trong việc tạo ra các sản phẩm khoa học công nghệ hữu hình mang thương hiệu chung, trên cơ sở thế mạnh của mỗi bên; phối hợp thực hiện một số nhiệm vụ liên ngành mà hai bên có thế mạnh nhằm tạo ra sản phẩm khoa học công nghệ quốc gia; tăng cường khai thác sử dụng các trang thiết bị tại các phòng thí nghiệm của hai bên; trao đổi thông tin khoa học công nghệ dưới dạng chia sẻ các xuất bản khoa học công nghệ và học liệu; phối hợp nhằm thương mại hóa một số sản phẩm KHCN mà hai bên cùng quan tâm; xem xét việc thành lập các phòng thí nghiệm phối thuộc; phát triển chất lượng nguồn nhân lực KHCN thông qua việc trao đổi chuyên gia dưới dạng các hợp đồng giảng dạy hoặc nghiên cứu.

Về hoạt động đào tạo: hai bên thực hiện việc tiếp nhận sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh thực tập tại các phòng thí nghiệm; nhận hướng dẫn và đồng hướng dẫn NCS, học viên cao học; tham gia cùng đào tạo các cấp ĐH và SĐH; liên kết đào tạo ở bậc SĐH trên cơ sở thế mạnh của hai bên, ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực cho hai bên theo Đề án 911 trình Chính phủ phê duyệt; phối hợp thành lập mô hình đào tạo liên kết theo phương thức đào tạo gắn với nghiên cứu; phối hợp xây dựng chuyên ngành đào tạo mới với sự tham gia của các bên; xem xét việc thành lập các khoa phối thuộc thông qua hình thức Trưởng khoa kiêm nhiệm; xem xét công nhận chương trình đào tạo, chứng chỉ và bằng cấp của nhau tùy theo từng trường hợp cụ thể.

* Trong khuôn khổ của Hội nghị Xây dựng nhóm nghiên cứu mạnh, Giám đốc ĐHQGHN Phùng Xuân Nhạ đã trao tặng Bằng khen cho 16 nhóm nghiên cứu mạnh cấp ĐHQGHN năm 2014.

Phát biểu tại hội nghị, lãnh đạo ĐHQGHN cho biết, nhận thức được tầm quan trọng của nhóm nghiên cứu đối với việc nâng cao chất lượng các hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học trong các trường đại học nghiên cứu, từ những năm đầu thành lập, ĐHQGHN đã quan tâm đến việc xây dựng và phát triển nhóm nghiên cứu.

Xây dựng và phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh vừa là phương thức, vừa là mục tiêu mà ĐHQGHN và các đơn vị tiếp tục tập trung ưu tiên đầu tư nhằm tăng cường tiềm lực khoa học - công nghệ cho một số nhóm nghiên cứu để có đủ khả năng triển khai các nghiên cứu đỉnh cao và xây dựng các trung tâm nghiên cứu xuất sắc; tạo động lực gia tăng các giá trị khoa học và công nghệ, các yếu tố cạnh tranh cả trên phương diện quốc gia và quốc tế; thúc đẩy sự phát triển ĐHQGHN và các đơn vị theo định hướng nghiên cứu.

ĐHQGHN chủ trương phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, nhóm nghiên cứu quốc tế và tập thể khoa học tinh nhuệ để có được các kết quả khoa học đỉnh cao và sản phẩm công nghệ đột phá gắn với bằng sở hữu trí tuệ (SHTT), các giải thưởng KHCN cấp quốc gia, quốc tế, các bài báo quốc tế đăng trên các tạp chí khoa học danh tiếng, các công trình chuyên khảo có uy tín và các giải pháp tư vấn chính sách cho các cơ quan hoạch định chính sách của Đảng và Nhà nước.

Các nhóm nghiên cứu mạnh ở ĐHQGHN được hình thành và phát triển đồng thời với việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, thông qua hợp tác quốc tế, hoạt động chuyển giao tri thức với các doanh nghiệp và địa phương và thông qua việc kết hợp với thực hiện nhiệm vụ và chương trình nghiên cứu.

ĐHQGHN luôn coi việc xây dựng và phát triển các Chương trình nghiên cứu trọng điểm (gọi tắt là Chương trình) và Nhóm nghiên cứu mạnh là một trong những giải pháp để thúc đẩy các hoạt động đào tạo, khoa học công nghệ  của ĐHQGHN theo định hướng ĐH nghiên cứu.

ĐHQGHN là một trong  những đơn vị tiên phong trong hệ thống giáo dục đào tạo trong cả nước đã ban hành văn bản hướng dẫn về Chương trình và Nhóm nghiên cứu mạnh.

Thời gian qua, các nhóm nghiên cứu mạnh ở ĐHQGHN đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trên nhiều lĩnh vực khoa học xã hội và kinh tế mũi nhọn, khoa học tự nhiên và y dược, công nghệ và kỹ thuật và khoa học liên ngành. Những công bố của các nhà khoa học và các nhóm nghiên cứu đã góp phần quan trọng vào việc đưa ĐHQGHN nâng cao thứ bậc trong các bảng xếp hạng quốc tế.

Theo bản công bố xếp hạng năm 2014 của tổ chức QS, Vương quốc Anh, ĐHQGHN đã vươn lên vị trí 161-170 của Châu Á và giữ vị trí số 1 của Việt Nam. Với vị trí này, ĐHQGHN cách xa vị trí xếp hạng của 2 đại học khác của Việt Nam xuất hiện trong Bảng xếp hạng này là ĐHQG Thành phố Hồ Chí Minh ở vị trí 191-200 và Trường Đại học Bách khoa Hà Nội vị trí 251-300.

QS xếp hạng thường niên về thứ hạng các trường đại học trên thế giới chủ yếu dựa theo theo 5 tiêu chí: Ý kiến đánh giá của các học giả; Ý kiến đánh giá của các nhà tuyển dụng; Tỉ lệ giảng viên/sinh viên; Số bài báo quốc tế trong hệ thống Scopus; Tỷ lệ giảng viên, sinh viên quốc tế đến giảng dạy và học tập…

 

  • Website cựu sinh viên