Chung kết Cuộc thi Open RoboHus 2016

Ngày 21/4//2016, vòng Chung kết Cuộc thi Open RoboHus 2016 đã diễn ra sôi nổi, đầy kịch tính tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên.

Sau hơn 3 tháng phát động, vòng Chung kết Cuộc thi Open RoboHus 2016 do Đoàn Trường Đại học Khoa học Tự nhiên phát động và đăng cai tổ chức đã diễn ra sôi nổi và đầy kịch tính vào chiều ngày 21/4/2016.

Open RoboHus 2016 là một hoạt động khoa học ngoại khoá được tổ chức thường niên của Trường Đại học Khoa học Tự Nhiên. Cuộc thi năm nay là hoạt động chào mừng 60 năm thành lập Trường ĐHKHTN.

Sau vòng đấu loại diễn ra ngày 28/3/2016, có 13 đội lọt vào vòng chung kết đến từ:

- Trường Đại học Công nghệ : đội Techcolor, UMT;

- Khoa Sư phạm Kỹ thuật, ĐHSP Hà Nội: đội Ruby-Dragon; G-T;

- Trường THPT Nguyễn Tất Thành, ĐHSP Hà Nội: đội NTT;

- Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên: đội B0-K30B, TLD;

- Trường Đại học Khoa học Tự nhiên: đội EDU, Noname, Phy-Math, Fire-Hus, Hustech, DIY-216.

Hình ảnh một số đội tham gia cuộc thi

Chuẩn bị xuất phát

Điều khiển các Robot thi đấu không chỉ là các sinh viên nam mà còn có cả các bạn nữ

Đội DIY-216 do có thành tích tốt nhất trong vòng đấu loại nên được đặc cách vào thẳng bán kết. Tại vòng chung kết, 12 đội chia làm 3 bảng đấu vòng tròn một lượt tính điểm, đội nào cao nhất bảng được lọt vào bán kết.

Vòng chung kết đã diễn ra sổi nổi, đầy kịch tính. Kết quả, 03 đội giành giải Nhất, Nhì, Ba đều thuộc Trường Đại học Khoa học Tự nhiên. Đó là: đội DIY-216 giành chức vô địch, đội Noname giành giải Nhì và đội EDU đạt giải Ba. Giải Thiết kế ấn tượng thuộc về đội NTT của Trường THPT Nguyễn Tất Thành – Đại học Sư phạm Hà Nội.

Bí thư Đoàn Trường Nguyễn Hoàng Nam trao giải Thiết kế ấn tượng và giải Ba cho đội NTT và EDU

Phó Hiệu trưởng PGS.TSKH Vũ Hoàng Linh trao giải, TS Nguyễn Thanh Bình – Trưởng phòng Chính trị và CTSV trao hoa chúc mừng đội DIY-216 giành giải Nhất và đội Noname giành giải Nhì.

Các đội chụp ảnh lưu niệm cùng thầy cô

Mỗi đội tham gia Open RoboHus 2016 có từ 3-5 thành viên, chỉ 3 thành viên tham gia điều khiển trong 1 trận đấu (1 thành viên điều khiển robot tự động, 1 thành viên điều khiển robot bằng tay, 1 đội trưởng). Số lượng và kích thước robot tự động là không hạn chế, các robot tự động trước khi trận đấu bắt đầu phải được đặt hoàn toàn trong vùng xuất phát. Giới hạn vùng xuất phát của robot tự động có kích thước 30cm x 30cm x 30cm (dài – rộng – cao). Robot bằng tay được điều khiển bằng sóng vô tuyến nghiệp dư, số lượng tối đa là 1 robot, trước khi xuất phát robot điều khiển bằng tay được đặt trong vùng xuất phát có kích thước tối đa 30cm x 30cm x 30cm. Sau khi khởi động xong, robot bằng tay có thể thay đổi hình dạng, kích thước tùy ý. Nguồn điện cung cấp cho mỗi robot không được vượt quá 24V.

Sân thi đấu có kích thước 2.4m x 4.4m được chia ra làm 2 vùng, vùng dành riêng cho robot tự động và vùng dành cho robot bằng tay. (Robot tự động có thể di chuyển trên toàn bộ sân). Vùng dành riêng cho robot tự động được làm từ nhựa acrylic màu đen kích thước bề ngang là 30cm, ở giữa có các vạch màu trắng dẫn đường kích thước 3cm. Vùng xuất phát của robot bằng tay và tự động có kích thước 30cm x 30cm, khi xuất phát kích thước của robot không được vượt quá kích thước này. Robot bằng tay không được xâm phạm sang không gian của đối phương. Trong vùng robot bằng tay có cột phát bóng, cột sẽ nhả bóng khi được tác động vào “công tắc” nhả bóng. Đây là 1 cảm biến quang có ngưỡng nhạy bé hơn 10cm. Thời gian giữa 2 lần cảm biến nhận lệnh liên tiếp là 10 giây. Chiều cao khi bóng ra khỏi cột tiếp bóng đến mặt sàn là 30cm. Các cột chứa bóng là kim loại dạng hình bán cầu có bán kính là 10cm, chiều cao cột là 20cm tính từ mép sân thi đấu. Cột điểm 10 (màu đỏ) được đặt chính giữa đường giao nhau của 2 robot tự động và có vạch trắng cắt ngang trước đó 20cm, cột điểm 3 (màu trắng) được đặt về một phía trên đường đi của robot tự động, cách mép ngoài của đường là 20cm và có vạch trắng cắt ngang ở vị trí chính giữa cột. Cột điểm 5 được đặt trong vùng điều khiển bằng tay. Chỉ robot tự động được phép bỏ bóng vào cột điểm 3 và cột điểm 10, cả robot tự động và robot điều khiển bằng tay có thể bỏ bóng vào cột điểm 5. Bóng sử dụng trong trận đấu có đường kính 3,4cm (bóng bàn) được sơn các màu sắc khác nhau.

Luật chơi: Robot của mỗi đội sẽ bắt đầu từ khu vực xuất phát của đội mình, trước khi bắt đầu robot phải nằm trong giới hạn của vùng xuất phát. Robot bằng tay sẽ phải di chuyển đến vùng nhận bóng để lấy các bóng với các màu khác nhau (tượng trưng với việc trưởng thành qua các mốc phát triển khác nhau) đem đến vùng trao bóng cho robot tự động (tượng trưng cho quá trình hội nhập). Tại đây, robot tự động sẽ nhận các quả bóng này này để vào các giỏ đựng tương ứng với màu của các quả bóng nhận được. Thực hiện bỏ các giỏ điểm 3 và điểm 5 xong thì mới được phép bỏ vào giỏ điểm 10 (chỉ duy nhất 1 giỏ, nên sẽ có tranh chấp ở vị trí này). Cùng với việc robot tự động bỏ bóng vào các giỏ điểm, robot bằng tay phải tiếp tục di chuyển và bỏ bóng vào các ô điểm 5. Chiến thắng Nock-out là lúc có tối thiểu 1 điểm 3, điểm 5 và điểm 10. Vùng nhận bóng chứa sẵn 4 bóng với các màu khác nhau, và thứ tự bóng được sắp xếp ngẫu nhiên, khi robot bằng tay tác động vào vị trí “nút nhận bóng” thì chỉ duy nhất 1 quả bóng được rơi xuống, thời gian để “nút nhận bóng” hoạt động giữa 2 lần tác động là 10 giây.

(HUS Media)

  • Website cựu sinh viên