Đỗ Thị Phương - Thủ khoa tốt nghiệp năm 2017 ngành Công nghệ kĩ thuật Hóa học: "Nhà trường là cầu nối giúp em trở thành nhà nghiên cứu với mức lương khởi điểm 2000$"

Trong thời gian làm khóa luận tốt nghiệp, nữ sinh viên Đỗ Thị Phương đã trúng tuyển vị trí nhà nghiên cứu ở độ tuổi 22 với mức lương khởi điểm 2000$. Em luôn thầm cảm ơn nhà trường, các thầy cô không chỉ dạy dỗ, yêu thương mà còn là cầu nối của mối duyên nghề này.

Trong thời gian làm khóa luận tốt nghiệp, nữ sinh viên Đỗ Thị Phương đã trúng tuyển vị trí nhà nghiên cứu ở độ tuổi 22 với mức lương khởi điểm 2000$. Em luôn thầm cảm ơn nhà trường, các thầy cô không chỉ dạy dỗ, yêu thương mà còn là cầu nối của mối duyên nghề này.

Khởi đầu thuận lợi nhờ theo học ngành Công nghệ kỹ thuật Hóa học của trường ĐH KHTN

Không chỉ cung cấp thông tin tuyển dụng, trường ĐH KHTN Hà Nội còn là “người” giới thiệu nhân sự tin cậy đối với Công ty Nghiên cứu và Phát triển Công nghiệp Hoá chất Kyowa (Nhật Bản). “Với sự giúp đỡ và tạo điều kiện của khoa, em và các bạn không gặp khó khăn gì trong quá trình ứng tuyển và phỏng vấn”. Những non nớt ban đầu trong quá trình làm CV của Phương cũng được các cô giáo góp ý, giúp cho CV trở nên mạch lạc, hoàn thiện và nổi bật. “Công ty cho biết sẽ cân nhắc để cho em và các bạn mới tốt nghiệp học thạc sỹ hoặc học trao đổi tại Nhật”, Phương vui mừng chia sẻ.

Đỗ Thị Phương cho rằng, có được khởi đầu thuận lợi đó, suy cho cùng là nhờ em trải qua chương trình học của ngành Công nghệ kỹ thuật Hóa học. Đây là một trong ba chương trình đào tạo có từ rất lâu tại khoa Hóa học, trường ĐH KHTN Hà Nội, với các môn học lý thú, đa dạng từ lý thuyết cơ bản tới các quá trình công nghệ ứng dụng. Ngoài những môn học về khoa học cơ bản, tạo tiền đề cho việc tư duy nghiên cứu, chương trình học còn có thêm một số môn học như Hóa kỹ thuật, Kỹ thuật tiến hành phản ứng, Thủy khí động lực học, Tách chất, Truyền nhiệt, Chuyển khối, thực tập thực tế tại nhà máy, Thiết kế thiết bị công nghệ hóa học, Hóa Tin ứng dụng trong công nghệ hóa học,... Nhà nghiên cứu trẻ tâm đắc: “Đó đều là những môn học rất hay, giúp chúng em có cái nhìn cụ thể hơn về các quá trình sản xuất thực tế, có thể tối ưu hóa các quá trình công nghệ,... Từ đó, có thể thấy, ứng dụng của ngành Hóa học và Công nghệ Hóa học trong thực tế sản xuất, làm khơi dậy hứng thú học hỏi, khiến ngành học không trở nên nhàm chán và có tính thực tiễn”.

Hình ảnh hội trường Ngụy Như Kon Tum - nơi em đón tân sinh viên K58 và nhận Bằng cử nhân khắc sâu trong tâm thức của Phương (thứ 4 từ trái qua)

Năm 2013, để đưa ra quyết định chọn trường chọn ngành, Phương tỏ ra khá chín chắn khi cân nhắc nhiều yếu tố như sở thích, sở trường cũng như ngành tốt, trường tốt. Em yêu thích Hóa học, hiểu rõ bản thân không phù hợp với các trường kinh tế đòi hỏi sự năng động, nhanh nhạy. Phương nhớ lại: “Em dành nhiều thời gian tìm hiểu, nhận thấy ngành Công nghệ Kỹ thuật Hóa học là một ngành học ứng dụng của khoa học cơ bản, và trường ĐH KHTN là một trong các trường tốt nhất trong lĩnh vực khoa học theo như em được biết”.

Cứ thế, niềm đam mê học hỏi, hứng thú với Hóa học đó đã tiếp tục được nuôi dưỡng, thành tích của Phương cũng dần nhân lên tại trường ĐH KHTN. Em luôn đạt điểm xuất sắc 4 năm liền, là gương mặt trẻ tiêu biểu năm 2016 của trường. Trước khi kết duyên nghề nghiên cứu tại Nhật Bản cho Phương, trường cũng là cầu nối giúp Phương nhận được học bổng của công ty UOP trị giá 500$ với kỳ thực tập đáng nhớ suốt 2 tháng hè tại công ty này ở Mỹ. Sau 4 năm đại học, ước mơ của Phương vẫn vẹn nguyên là được sống và làm việc như một nhà khoa học thật sự. Và trường đã, đang góp phần nuôi dưỡng và chắp cánh cho ước mơ lớn nhất đó của cử nhân Đỗ Thị Phương bay cao bay xa hơn.

PGS.TS. Trần Thị Dung, Trưởng bộ môn, khoa Hóa học - người trực tiếp hướng dẫn Phương trong nghiên cứu khoa học và làm khóa luận cho rằng Phương thông minh, chăm chỉ, chịu khó, thái độ nghiên cứu và học tập nghiêm túc. Cô cũng đánh giá cao kết quả khóa luận của em, nhất là khi đề tài đó khó hơn so với các bạn. “Có 5 sinh viên đạt học bổng của chương trình hợp tác giữa khoa và tập đoàn dầu khí UOP, Phương là sinh viên duy nhất được chọn sang Mỹ thực tập. Có 80 sinh viên Việt Nam do các trường đại học giới thiệu cho công ty Kyowa của Nhật, 10 em được chọn, trong đó có 3 sinh viên khoa Hóa học - ĐH KHTN. Phương là 1 trong 3 em đó”, cô Dung nhấn mạnh.

“Có những lúc chỉ muốn bỏ tất cả”

Phương nhận được thông báo trúng tuyển khi đang gói bánh chưng, chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Đinh Dậu cùng gia đình. Niềm vui lấp lánh xen lẫn lo âu trong ánh mắt của bố mẹ, sắp tới con gái út phải sống một mình nơi đất khách quê người.

Để đi đến “trái ngọt” đó, Phương đã phải vượt qua những giai đoạn tưởng chừng chỉ muốn bỏ tất cả. Đó là những ngày tháng đầu tiên đi học xa nhà. Đó là cảm giác thất vọng, mệt mỏi, chán nản mỗi lần làm thí nghiệm thất bại trong nghiên cứu khoa học và khóa luận. Một số sinh viên trượt dài trong mớ hỗn độn quen thuộc đó, đồng thời nhiều bạn đã chiến thắng được tất cả, trong đó có Phương. Em tin rằng “Những gì mình bỏ ra sẽ được đền đáp lại theo cách này hoặc cách khác, lúc này hoặc lúc khác”.

Phương đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ và chuẩn bị xin visa vào tháng 9 tới

Chia sẻ về kinh nghiệm học, Phương cho rằng các thầy cô đều dạy hay và rất tận tình, nên để hiểu những gì học trên lớp là không khó nếu có ý thức học tập. Bên cạnh đó, cần tự đọc và tự tìm hiểu mới hiểu sâu, nhớ lâu. Khi đó, kiến thức sẽ đọng lại lâu hơn, điểm thi cao cũng là điều tự nhiên. Đối với các môn thực hành, bản thân em luôn để ý kĩ các thao tác và đặt ra các câu hỏi, tại sao lại làm thế này mà không làm thế kia, đồng thời ghi lại các hiện tượng thấy được. Việc thực hành thí nghiệm vất vả, phải làm đi làm lại nhiều lần đến khi cảm thấy đúng, cảm thấy thỏa mãn với kết quả thu được thay vì “làm cho xong”. Ngoài ra, với sinh viên học khoa học, tiếng Anh cần được chú trọng hơn cả để có thể sử dụng các tài liệu, bài báo quốc tế cũng như thêm nhiều cơ hội học bổng, việc làm. Em thường xem phim có phụ đề tiếng Anh và luyện đọc qua các bài báo hay mẩu truyện,...

Phương pháp học, thực hành khoa học, kiên trì, cùng sự hướng dẫn của thầy cô là công thức học tốt của Phương. Các thầy cô giáo, trong đó có hai cô giáo hướng dẫn Phương là PGS.TS. Trần Thị Dung và Th.S. Ngô Hồng Ánh Thu đã luôn tận tình hướng dẫn, khích lệ sinh viên tìm hiểu và sẵn sàng giải đáp mọi thắc mắc. Các thầy cô hướng dẫn lớp cũng rất nhiệt tình và thường xuyên gợi ý các câu hỏi, từ đó sinh viên suy nghĩ, đào sâu kiến thức lý thuyết hơn sau các buổi thực hành. Phương nhớ mãi thời gian làm nghiên cứu khoa học, deadline cận kề mà em vẫn chưa có kết quả dù đã thử rất nhiều phương pháp khác nhau. Nhiều ngày, cô giáo đã hướng dẫn trên lab với em đến 9h tối, luôn động viên tinh thần, giúp em vượt qua bế tắc và hoàn thành đúng hạn.                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                           

“Đó là những điều quý giá và may mắn nhất. Hoàn thành chương trình học, em đã tích lũy được các kiến thức nền tảng rất cần cho công việc của mình. Sau này trên những chặng đường tiếp theo, em mãi không quên những sự giúp đỡ to lớn này, để tiếp tục đi qua các khó khăn”, Phương chia sẻ.

Đỗ Thị Phương - Tốt nghiệp Xuất sắc khoa Hóa học

·  Năm sinh: 1995

·  Quê quán: Mê Linh - Hà Nội

·  Ngành: Công nghệ Kỹ thuật Hóa học (Khoa Hóa học)

·  Khóa luận tốt nghiệp: Đề tài “Khảo sát một số điều kiện chế tạo và đánh giá đặc tính màng siêu lọc Polyacrylonitrile''. Điểm khóa luận: 9.6

·  Điểm trung bình học tập: 3.73 (Xuất sắc)

·  Thành tích trong 4 năm học: 

- Thành tích học tập xuất sắc 4 năm liền  

- Gương mặt trẻ tiêu biểu cấp cơ sở (trường KHTN) năm 2016

- Nhận được học bổng của công ty UOP trị giá 500$ và đi thực tập 2 tháng hè tại công ty này ở Mỹ

- Đạt thành tích xuất sắc trong học tập và rèn luyện toàn khóa 2013-2017

Huyền Linh

  • Website cựu sinh viên