Giải thưởng nghiên cứu khoa học sinh viên - Hành trình biến giấc mơ thành hiện thực

Giải nhì “Sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Bộ Giáo dục và Đào tạo” năm 2020 như một dấu ấn trên hành trình biến ước mơ thành hiện thực của chàng sinh viên Trần Hiếu Nghĩa - K62 Công nghệ Kĩ thuật Hóa học CLC - khoa Hóa học.

Giải thưởng nghiên cứu khoa học sinh viên - Hành trình biến giấc mơ thành hiện thực
Sinh viên Trần Hiếu Nghĩa (ngoài cùng bên trái hàng đầu tiên) cùng đoàn đại biểu Trường Đại học Khoa học Tự nhiên tại Vòng chung khỏa giải thưởng "Sinh viên nghiên cứu khoa học" năm 2020 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.

Bước đầu thử thách trên hành trình vươn tới ước mơ

Nếu bạn cho rằng giấc mơ chỉ tới khi đang say giấc nồng và sẽ chẳng bao giờ có thể chạm tay tới được thế giới đầy lung linh, huyền bí đó thì bạn sẽ mãi chẳng bao giờ thoát ra được cái bóng của những điều ước giá như, nếu mà đầy dai dẳng kia. Hãy dũng cảm, bước ra khỏi những ảo mộng và biến ước mơ trở thành thực tế. Đó chính là cách mà Trần Hiếu Nghĩa, chàng sinh viên chương trình chất lượng cao Công nghệ Kĩ thuật Hóa học, khoa Hóa học đã thực hiện.

Bước vào năm ba đại học, như bao bạn bè khác cùng niên khóa, Hiếu Nghĩa có cho mình cơ hội được theo làm nghiên cứu cùng với thầy cô. Và điều may mắn đã tới, khi Nghĩa được hai giảng viên vô cùng dịu dàng, nhiệt tình và tâm huyết hướng dẫn đó là PGS.TS. Trần Thị Dung - Trưởng Bộ môn Công nghệ Hóa học, khoa Hóa học và TS. Ngô Hồng Ánh Thu - Giảng viên khoa Hóa học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên.

Giải thưởng nghiên cứu khoa học sinh viên - Hành trình biến giấc mơ thành hiện thực
Trần Hiếu Nghĩa (ngoài cùng bên phải) cùng giáo viên hướng dẫn và bạn bè tại phòng nghiên cứu

Trong niềm háo hức của những ngày đầu tiên bắt tay vào nghiên cứu khoa học, Hiếu Nghĩa tự gò mình phải lao vào nghiên cứu một cách chăm chỉ. Như chú ong thợ, ngày ngày Nghĩa lên lab làm thí nghiệm. Cho dù ngoài kia, mùa hè sôi động đang vẫy gọi, bao bạn bè đang tỏa đi khắp muôn nơi, người về quê bên cha mẹ và người thân, người say mê trong những chuyến di lịch hay hoạt động tình nguyện sôi nổi thì ở đây, trong căn phòng thí nghiệm này vẫn có một Hiếu Nghĩa ngày ngày miệt mài hoàn thành tất cả những thí nghiệm được giao. Tưởng chừng sự chăm chỉ sẽ mang lại kết quả tốt đẹp nhưng không, con đường nghiên cứu cứ ngày một bế tắc. Những thí nghiệm ngày ngày tiến hành không mang lại kết quả tốt như mong đợi, những kế quả bất thường khiến Nghĩa không sao giải thích nổi. Trong ba tháng đầu tiên nghiên cứu, không một kết quả thí nghiệm nào có thể sử dụng. Con đường trước mắt dường như đã bị bít chặt mọi lối đi.

Giải thưởng nghiên cứu khoa học sinh viên - Hành trình biến giấc mơ thành hiện thực
Trần Hiếu Nghĩa cùng bạn bè say mê nghiên cứu khoa học.

Suy sụp tinh thần, thất vọng về bản thân, hoang mang với sự lựa chọn, Nghĩa dường như muốn bỏ cuộc bởi tất cả những nỗ lực bỏ ra trong suốt thời gian qua vẫn mãi chỉ là con số 0. Vậy nhưng đúng lúc này sự động viên, hướng dẫn và những định hướng từ hai cô giáo hướng dẫn như ngọn đuốc thắp sáng con đường nghiên cứu của chàng trai trẻ. Được khai mở về phương hướng, được tiếp thêm sức mạnh Hiếu Nghĩa quyết tâm đứng lên và bước tiếp trên con đường mình đã chọn.

Bắt đầu với việc tìm đọc những kiến thức xung quanh đề tài mình đang theo đuổi mỗi tối trên các tạp chí khoa học, Hiếu Nghĩa chợt nhận ra rằng, bấy lâu nay mình chỉ như người thợ làm cắm đầu vào làm những công việc tay chân, chăm chăm làm đầy đủ những thí nghiệm được giao mà chưa hề tự mình suy nghĩ rằng mình cần làm gì tiếp theo, chưa thể tự mình đưa ra những nhận xét, phương án xử lý các kết quả thực nghiệm. Hóa ra sự thụ động, rụt rè, không dám mạnh dạn trao đổi, chia sẻ suy nghĩa, ý kiến của bản thân với giáo viên hướng dẫn chính là ngõ cụt của Hiếu Nghĩa nói riêng và các bạn sinh viên khác nói chung trong quá trình nghiên cứu khoa học.

Từ khi nhận ra sai lầm trong phương pháp nghiên cứu cùng sự quyết tâm thay đổi, Nghĩa đã bắt đầu biết vận dụng những kiến thức trong cuộc sống cũng như những kiến thức tìm hiểu được áp dụng vào công việc nghiên cứu. Nhờ đó, ngày qua ngày, Hiếu Nghĩa hiểu sâu sắc hơn những vấn đề nghiên cứu mà bản thân được thực hiện, xác định được nguyên nhân và tìm ra các biện pháp giải quyết vấn đề. Anh bạn giờ đây không ngần ngại chia sẻ với các cô về ý tưởng của bản thân để có thể tối ưu hóa công việc nghiên cứu. Chính lúc này Hiếu Nghĩa mới nhận ra nghiên cứu khoa học thực sự là như thế nào. Làm khoa học, bạn không thể chỉ như cái máy thực hiện mệnh lệnh mà người khác yêu cầu. Làm khoa học bạn không thể mãi rập khuôn trong một không gian cố định. Làm khoa học là bạn cần tận hưởng nó, khám phá những điều xung quanh và biết biến những điều của người khác thành của chính mình. Nhờ hiểu ra được chân lý đó, mà những thí nghiệm của Nghĩa từ đây bắt đầu trở nên khởi sắc hơn.

Khi ước mơ trở thành hiện thực

Sau hơn một năm làm nghiên cứu, Hiếu Nghĩa đã thu được một số kết quả tốt. Thông qua những cuộc thi, buổi báo cáo khoa học tại cấp bộ môn, cấp khoa và cấp trường, Nghĩa đã có cơ hội được công bố kết quả nghiên cứu của mình. Chia sẻ về những trải nghiệm của bản thân khi tham gia các cuộc thi về sinh viên nghiên cứu khoa học, Hiếu Nghĩa khẳng định “nhờ có Nhà trường, phòng Khoa học - Công nghệ và các thầy cô ở bộ môn, ở khoa tổ chức các cuộc thi như vậy em mới có dịp thử sức tranh tài, được làm quen, học hỏi và trau dồi biển kiến thức sâu rộng từ nhiều lĩnh vực”.  Đặc biệt giải Nhì sinh “Sinh viên Nghiên cứu khoa học” năm 2020 do Bộ Giáo dục và Đào tạo trao tặng là phần thưởng vô cùng quý giá đối với Nghĩa trên hành trình vươn tới ước mơ khoa học của mình. Hiếu Nghĩa chia sẻ “em cảm thấy thật tự hào và vinh dự khi là một trong bốn đại diện của Trường ĐHKHTN tham dự vòng chung khảo sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2020”.

Chuyến đi thành phố Hồ Chí Minh vào cuối tháng 11 năm 2020 vừa qua là món quà và là trải nghiệm không thể tuyệt vời hơn trong quãng đời sinh viên của Hiếu Nghĩa. Nhớ lại ngày đầu tiên khi đặt chân tới thành phố mang tên Bác, một cảm giác hồi hộp, căng thẳng bao trùm khiến chàng trai trẻ cả đêm mất ngủ bởi chỉ ngay hôm sau thôi Hiếu Nghĩa sẽ phải báo cáo trước hội đồng. Vậy nhưng nhờ sự động viên của cô Nguyễn Hải Hà - chuyên viên phòng Khoa học - Công nghệ cũng là người dẫn đoàn trong cuộc thi lần này - cùng với các bạn nữ xinh đẹp trong đoàn, Nghĩa đã lấy lại tự tin và hoàn thành tốt báo cáo cũng như trả lời được những câu hỏi hóc búa từ hội đồng lĩnh vực Khoa học Tự nhiên đưa ra. Hoàn thành phiên báo cáo, Hiếu Nghĩa cảm thấy vô cùng nhẹ nhõm như vừa trút được gánh nặng trên vai. Là vậy đó, khi bạn làm điều gì đó hết sức mình, thì dù kết quả ra sao bạn vẫn luôn cảm thấy không có gì hối tiếc.

Giải thưởng nghiên cứu khoa học sinh viên - Hành trình biến giấc mơ thành hiện thực
Trần Hiếu Nghĩa (đang xe đồ) cùng bạn bè tại sân bay khi tham dự vòng chung khảo giải thưởng "Sinh viên nghiên cứu khoa học" năm 2020
Giải thưởng nghiên cứu khoa học sinh viên - Hành trình biến giấc mơ thành hiện thực
Trần Hiếu Nghĩa cùng thầy cô và bạn bè đã có nhiều trải nghiệm đáng nhớ tại thành phố Hồ Chí Minh
Giải thưởng nghiên cứu khoa học sinh viên - Hành trình biến giấc mơ thành hiện thực
Hành trình tham dự Vòng chung khảo giải thường "Sinh viên nghiên cứu khoa học" năm 2020 sẽ mãi là kỉ niệm đáng nhớ trong cuộc đời sinh viên của Hiếu Nghĩa.

Những ngày tháng được tham gia cuộc thi, cùng sinh hoạt, cười đùa, cùng ăn nhiều món ngon và du lịch nhiều địa điểm tuyệt đẹp với thầy cô và bạn bè, được gặp gỡ và làm quen với thật nhiều anh tài từ mọi miền tổ quốc trong cuộc thi vừa qua sẽ là những tháng ngày mãi khắc sâu trong dòng kí ức về quãng đời sinh viên của Hiếu Nghĩa.

Chúc Hiếu Nghĩa sẽ luôn vững bước trên hành trình chinh phục ước mơ của bản thân và gặt hái nhiều thành công trong tương lai!

Thư cảm ơn của sinh viên Trần Hiếu Nghĩa

Giải thưởng nghiên cứu khoa học sinh viên - Hành trình biến giấc mơ thành hiện thực
Giải thưởng nghiên cứu khoa học sinh viên - Hành trình biến giấc mơ thành hiện thực

Thông tin đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên Trần Hiếu Nghĩa

1

Tên đề tài:

Nghiên cứu trùng hợp ghép Polyguanidine biến tính bề mặt màng lọc polyamide và đánh giá đặc tính của màng.

 

2

Sinh viên thực hiện:

Trần Hiếu Nghĩa, Lớp: K62 Công nghệ kĩ thuật Hóa học - CLC, Khóa học: QH.2017, Khoa: Hóa học

3

Giáo viên hướng dẫn, tên đơn vị:

PGS TS. Trần Thị Dung, Bộ môn Công nghệ Hóa học, Khoa Hóa học

TS. Ngô Hồng Ánh Thu, Bộ môn Công nghệ Hóa học, Khoa Hóa học.

4

Thành tích/ Giải thưởng:

Giải Nhì vòng chung khảo giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học” năm 2020 do Bộ GD&ĐT tổ chức.

5

Ý nghĩa kinh tế - xã hội, khả năng áp dụng thực tiễn của đề tài:

Các kết quả nghiên cứu đóng góp vào việc phát triển vật liệu màng lọc có tính năng lọc tách tốt, nâng cao khả năng ứng dụng công nghệ lọc màng một cách kinh tế và hiệu quả hơn trong sản xuất nước sạch và xử lý nước ô nhiễm, nhằm tái sử dụng, tiết kiệm nguồn nước và giảm thiểu ô nhiễm môi trường một cách bền vững.

6

Giới thiệu vắn tắt về đề tài:

Tại đây

Minh Nguyệt

  • Website cựu sinh viên