Hội thảo Ứng dụng GIS toàn quốc năm 2015

Ngày 09/10/2015, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên tổ chức Hội thảo Ứng dụng GIS toàn quốc 2015 với chủ đề “GIS cho phát triển bền vững và hội nhập” và lớp tập huấn về công nghệ GIS.

Ngày 09/10/2015, Hội thảo Ứng dụng GIS toàn quốc 2015 với chủ đề “Hệ thống thông tin địa lý cho phát triển bền vững và hội nhập” đã khai mạc tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – đơn vị chủ trì tổ chức hội thảo.

Tham dự hội thảo có TS Görres Grenzdörffer – Đại học Rostock, CHLB Đức; Bà Lê Thị Hồng Phượng – Đại diện văn phòng DAAD tại Hà Nội; Thiếu tướng Trần Văn Thắng – Cục Trưởng Cục Bản đồ, Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc Phòng; PGS.TS Phạm Quang Vinh – Phó Viện trưởng Viện Địa lý, Viện Hàn lâm và Khoa học Công nghệ; Ông Lưu Văn Giang – Phó Giám đốc Trung tâm Địa tin học, Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam; đại diện các trường đại học, cao đẳng có đào tạo, nghiên cứu về GIS,…

Phát biểu khai mạc hội thảo, Hiệu trưởng Trường ĐHKHTN PGS.TS Nguyễn Văn Nội nhấn mạnh, hệ thống thông tin địa lý (Geographic Information System - GIS) đã và đang được ứng dụng rộng rãi trên toàn thế giới. Trong thực tế, mọi đối tượng tự nhiên và các hoạt động của con người đều gắn liền với yếu tố không gian và thời gian. Để hỗ trợ việc ra quyết định trong các vấn đề liên quan đến hệ quy chiếu địa lý từ quy mô địa phương đến toàn cầu, GIS đã trở thành nền tảng công nghệ đặc biệt hữu dụng. GIS là công cụ để tích hợp và quản lý thông tin đa ngành trong nhiều lĩnh vực từ Chính phủ điện tử đến quản lý các dịch vụ xã hội, phòng chống dịch bệnh, bảo tồn đa dạng sinh học, sinh thái môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý thảm họa, quản lý tài nguyên và môi trường, bảo vệ quốc phòng, an ninh biển đảo.

Sự phát triển GIS tại Việt Nam trong những năm qua được thể hiện qua con số ấn tượng với hàng trăm cơ sở nghiên cứu, trung tâm ứng dụng, các cơ quan, ban ngành sử dụng GIS như một công cụ hỗ trợ ra quyết định, trên 30 trường đại học, cao đẳng đào tạo các chuyên ngành liên quan đến GIS. Tuy nhiên, để đảm bảo cho sự phát triển bền vững ứng dụng GIS trong các lĩnh vực liên quan đến quản lý nhà nước, ứng dụng trong đời sống, giảng dạy, nghiên cứu khoa học ở Việt Nam rất cần có những trao đổi về những kết quả nghiên cứu ứng dụng liên quan đến GIS. Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội rất vinh dự được đăng cai tổ chức hội thảo Ứng dụng GIS toàn quốc 2015.

Hội thảo lần này kết hợp với khóa đào tạo chuyên môn về GIS được tài trợ bởi cơ quan Trao đổi hàn lâm Đức (DAAD) – Khóa học hè DAAD lần thứ 6 “GIS cho phát triển bền vững và hội nhập”. Đây là một cơ hội tốt để các nhà khoa học trong và ngoài nước công bố kết quả nghiên cứu, trao đổi và thảo luận về các vấn đề liên quan đến ứng dụng GIS, GPS, viễn thám trong các lĩnh vực khác nhau; đồng thời xây dựng hợp tác nhằm nâng cao năng lực ứng dụng GIS, GPS và viễn thám trong nghiên cứu khoa học, quản lý nhà nước và giảng dạy tại Việt Nam.

Hội thảo Ứng dụng GIS toàn quốc 2015 thu hút sự tham gia của hơn 300 đại biểu là các nhà khoa học, giảng viên, nhà quản lý đến từ các trường đại học, cao đẳng, các viện nghiên cứu, các tổ chức trong và ngoài nước như: Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Huế, ĐH Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh, ĐH Cần Thơ, ĐH Công nghiệp Hà Nội, ĐH Nông Lâm Huế, ĐH Tài nguyên và Môi trường, ĐH Bách khoa, ĐH Mỏ Địa chất, ĐH Đà Nẵng, ĐH Quy Nhơn, ĐH Sư phạm HCM; Học viện Kỹ thuật quân sự, Viện Địa lý Tài nguyên và Môi trường, Viện Công nghệ Vũ trụ, Trung tâm Vệ tinh Quốc gia,… và ĐH Rostock, ĐH McGill, ĐH Littoral, ĐH Bochum, v.v…

Có 04 báo cáo được trình bày tại phiên toàn thể, 49 báo cáo trình bày tại 06 tiểu ban và 39 báo cáo poster tập trung vào các nội dung chính gồm:

1.Công nghệ GIS:

- WebGIS;
- Cơ sở dữ liệu;
- Hệ thống hỗ trợ ra quyết định;
- Quản lý và chia sẻ cơ sở dữ liệu;
- Mã nguồn mở và mã nguồn mở trong Địa Tin học.
2. GIS, viễn thám trong quản lý tài nguyên, môi trường và tai biến thiên nhiên:

- Biến đổi khí hậu;

- Quản lý tài nguyên và môi trường biển;

- Hệ thống hỗ trợ ra quyết định;
- Tăng trưởng xanh;
- Quản lý môi trường và giảm thiểu ô nhiễm;
- Đa dạng sinh học;
- Quản lý và dự báo thiên tai;

- Quản lý giám sát tài nguyên.

3. GIS, viễn thám trong quy hoạch lãnh thổ và an ninh quốc phòng:

- Địa chính trị, an ninh quốc phòng;
- Phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững;
- Phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao;
- Quy hoạch nông thôn mới;
- Quản lý đất đai;
- Phát triển đô thị và công nghiệp;
- Quản lý đô thị và phát triển đô thị thông minh;
- Địa thông tin vùng;
- Ứng dụng Địa tin học trong du lịch và bảo tồn di sản;
- Môi trường xã hội và nhân văn.
4. GIS trong y tế cộng đồng, kinh tế, thông tin liên lạc:

- Thống kê không gian;
- Ứng dụng WebGIS;
- Geo-marketing.
5. GIS và giáo dục đào tạo:

- Giáo dục Địa Tin học chất lượng cao;
- Các dự án hợp tác về Địa thông tin;
- Triển lãm các công nghệ mới về GIS, GPS, đo đạc…
6. WebGIS, 3D, UAVs:

- WebGIS, 3D, GNSS, UAVs;
- Lidar, Lidar ngang.

PGS.TS Nguyễn Văn Nội trao chứng chỉ cho các học viên Khóa học hè DAAD lần thứ sáu “GIS cho phát triển bền vững và hội nhập”.

PGS.TS Nguyễn Văn Nội trao cờ luân lưu cho đại diện Trường Đại học Cần Thơ – đơn vị đăng cai tổ chức Hội thảo Ứng dụng GIS toàn quốc năm 2016

Hội thảo đã kết thúc thành công tốt đẹp, là tiền đề tạo thành công cho các hội thảo tiếp theo.

Hội thảo “Ứng dụng GIS toàn quốc” đã được tổ chức thành công vào năm 2009 tại trường Đại học Khoa học, Đại học Huế; năm 2010 tại trường Đại học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh; năm 2011 tại trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng; năm 2012 tại trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh; năm 2013 tại trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội; năm 2014 tại Đại học Cần Thơ.

Từ năm 2007 tới nay, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN, được sự hỗ trợ của cơ quan Trao đổi Hàn lâm Đức (DAAD), Quỹ Nghiên cứu quốc gia Đức (DFG), Viện Phát triển vùng và Đô thị sinh thái Leibniz (IOER),… và đặc biệt là các nhà khoa học đến từ các trường đại học của CHLB Đức, đã liên tục tổ chức các khóa đào tạo hè (summer school) kết hợp với hội thảo quốc tế về Khoa học Trái Đất với mục đích trao đổi học thuật, hợp tác và duy trì mối quan hệ giữa các cựu học viên Đức (DAAD/Deutsch alumni). Tiếp nối thành công của các khóa đào tạo hè trước, khóa đào tạo hè lần thứ 6 được tổ chức từ ngày 06 – 09/10/2015 cùng với Hội thảo Ứng dụng GIS 2015.

(HUS Media)

  • Website cựu sinh viên