Ứng dụng di truyền học bảo tồn và khoa học pháp y trong việc bảo vệ động vật hoang dã

Sáng ngày 18/03/2024, tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN đã diễn ra lễ khai mạc lớp tập huấn ngắn hạn “Ứng dụng di truyền học bảo tồn và khoa học pháp y trong việc bảo vệ động vật hoang dã”. Lớp học là sự kiện nằm trong khuôn khổ triển khai hoạt động hợp tác nghiên cứu khoa học quốc tế giữa Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN với Trung tâm Linh trưởng CHLB Đức và Đại học Lingnan Hồng Kông, Trung Quốc.

Ứng dụng kỹ thuật sinh học phân tử và các kỹ thuật phòng thí nghiệm phục vụ công tác giám định danh tính các loài động vật trong công tác bảo tồn các loài động vật tự nhiên được ứng dụng rộng rãi tại các nước phát triển trên thế giới. Việc ứng dụng những công cụ khoa học mới, kỹ thuật cao này vào công tác bảo tồn tại nước ta sẽ giúp nâng cao hiệu quả các hoạt động bảo tồn, góp phần gìn giữ và phát triển các nguồn gen sinh vật hoang dã quý hiếm cho Việt Nam.

Khai mạc lớp tập huấn ngắn hạn “Ứng dụng di truyền học bảo tồn và khoa học pháp y trong việc bảo vệ động vật hoang dã”

Trong bối cảnh đó, lớp tập huấn được tổ chức tại Trường ĐHKHTN, ĐHQGHN lần này sẽ cung cấp kiến thức và kỹ năng cần thiết cho việc áp dụng kỹ thuật sinh học phân tử trong các hoạt động giám định mẫu vật. Trong thời gian từ 18 - 21/03/2024, lớp tập huấn sẽ tập trung vào các vấn đề:

- Lý thuyết về di truyền học bảo tồn và khoa học pháp y

- Thực hành trong phòng thí nghiệm để tách chiết và phân tích mẫu vật

- Chạy khuếch đại gen

- Phân tích tin sinh

Tại buổi khai mạc, PGS.TS. Ngạc An Bang, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHTN, ĐHQGHN chia sẻ: “Như chúng ta đã biết, hoạt động buôn bán động vật hoang dã được xem là mối đe dọa to lớn đối với sự đa dạng sinh học ở Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Mặc dù Chính phủ đã cố gắng hết sức để kiểm soát nhưng mỗi năm hàng tấn động vật hoang dã và sản phẩm từ động vật hoang dã vật bị buôn bán bất hợp pháp.”

Tuy nhiên, việc giám định và định danh các loài động vật hoang dã cũng như các sản phẩm từ động vật hoang dã hiện đang là một thách thức rất lớn đối với các cơ quan chức năng thực thi pháp luật. Các loài động vật này thường không có các đặc điểm nhận dạng chính xác do thường có bề ngoài giống nhau. Các sản phẩm từ động vật hoang dã thường được chế biến trước khi bán ra thị trường do vậy rất khó để biết được nguồn gốc. Vì vậy, việc áp dụng các kỹ thuật sinh học phân tử trong việc giám định các sản phẩm để định loại sản phẩm này sẽ nâng cao hiệu quả trong công tác thực thi pháp luật và giúp phòng chống các hoạt động buôn bán trái phép đang diễn ra với mức độ đáng báo động ở Việt Nam.

Nhân dịp này, PGS.TS. Ngạc An Bang thay mặt Nhà trường bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới các chuyên gia và giảng viên quốc tế của Trung tâm Linh trưởng CHLB Đức và Đại học Lingnan Hồng Kông, Trung Quốc đã không quản đường xa tới tham dự và chia sẻ nhiều thông tin, kiến thức cũng như kinh nghiệm quý báu trong lĩnh vực này tại lớp tập huấn.

GS.TS. Christian Roos, Trung tâm Linh trưởng CHLB Đức chia sẻ tại lớp tập huấn
GS.TS. Jonathan Julio Fong Đại học Lingnan Hồng Kông, Trung Quốc trao đổi thông tin tại lớp tập huấn
Một số hình ảnh tại lớp tập huấn
Các chuyên gia, các nhà khoa học trao đổi bên lề chương trình

 

  • Website cựu sinh viên