Trường Đại học Khoa học Tự nhiên đẩy mạnh hoạt động hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp

Nhằm đẩy mạnh hoạt động hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp, ngày 17/01/2024, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN tổ chức Hội thảo với chủ đề “Kết nối hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp”.

Trong xu thế phát triển mạnh mẽ của hội nhập và kinh tế số, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên nhận thấy rõ sự cần thiết trong đẩy mạnh hoạt động hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp. Do đó, Hội thảo được tổ chức với mong muốn đánh giá tình hình hợp tác với doanh nghiệp; đề ra phương hướng, giải pháp thúc đẩy hoạt động hợp tác với doanh nghiệp; chuyển giao tri thức, chuyển giao công nghệ, thương mại hóa sản phẩm trong các lĩnh vực hoá học, sinh học và môi trường. Thông qua đó giúp khai thác tối đa tiềm năng hiện có của Nhà trường, mang tới những bước chuyển biến tích cực trong hoạt động nghiên cứu khoa học ứng dụng.

Tham dự Hội thảo, về phía Ban giám hiệu, có sự hiện diện của PGS.TS Ngạc An Bang và PGS.TS. Trần Quốc Bình, Phó Hiệu trưởng Nhà trường; đại diện lãnh đạo các Khoa, Trung tâm nghiên cứu, Phòng thí nghiệm, các phòng ban chức năng trong Trường.

Trong bài tham luận mở đầu Hội thảo, TS. Lê Hữu Tuyến, Phó trưởng phòng Hợp tác Phát triển đã trình bày tổng quan về công tác hợp tác trong nước của Nhà trường trong thời gian vừa qua. Theo TS. Lê Hữu Tuyến, hiện nay Trường Đại học Khoa học Tự nhiên đang hợp tác với các doanh nghiệp thông qua các hình thức chủ yếu sau:

  • Hợp tác trong nghiên cứu

  • Thương mại hoá các kết quả nghiên cứu

  • Thúc đẩy khả năng lưu chuyển của sinh viên

  • Thúc đẩy sự vận động, lưu chuyển của giảng viên

  • Xây dựng và thực hiện chương trình đào tạo

  • Học tập suốt đời

  • Hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp

  • Tham gia quản trị nhà trường

Mặc dù hình thức hợp tác tương đối đa dạng và phong phú, tuy nhiên hoạt động chính vẫn xoay quanh chủ yếu trong hợp tác nghiên cứu khoa học và hỗ trợ hoạt động đào tạo (các chương trình thực tập, thực tế, tuyển dụng và cấp học bổng). Các hợp tác liên quan đến thương mại hoá các sản phẩm nghiên cứu chưa cao và chưa được chú trọng đẩy mạnh. Bên cạnh đó, TS. Lê Hữu Tuyến cũng chỉ ra thực trọng trong quan hệ với doanh nghiệp giữa các đơn vị, các Khoa trong Trường cũng chưa đồng đều. Từ đó kéo theo những hoạt động liên quan cũng có nhiều ảnh hưởng.

TS. Lê Hữu Tuyến trình bày báo cáo tổng quan về hoạt động hợp tác với doanh nghiệp tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên trong giai đoạn 2020 - 2023

Nhận thức rõ về thực trạng cũng như tiềm năng về nhân lực và cơ sở vật chất, hiểu được những thách thức đang đặt ra, lãnh đạo Phòng Hợp tác Phát triển đã đề xuất một số giải pháp đổi với Nhà trường.

Tiếp nối chương trình, các bài tham luận đến từ Khoa Hoá học, Khoa Môi trường và Khoa Sinh học đã giúp các đại biểu có cái nhìn cụ thể hơn về quan hệ hợp tác với doanh nghiệp đang diễn ra tại các đơn vị trong Nhà trường. 

PGS.TS. Nguyễn Minh Ngọc, Trưởng Khoa Hóa học trình bày tham luận với chủ đề: “Hợp tác với doanh nghiệp: góc nhìn từ Khoa Hóa học”
GS.TS. Nguyễn Mạnh Khải, Trưởng Khoa Môi trường chia sẻ về “Triển vọng hợp tác với doanh nghiệp trong lĩnh vực môi trường và thực phẩm”
PGS.TS. Phạm Thế Hải trao đổi về thực trạng hợp tác với doanh nghiệp tại Khoa Sinh học

Là đơn vị đầu mối đẩy mạnh việc chuyển giao công nghệ và thương mại hoá sản phẩm từ nghiên cứu khoa học và công nghệ, tài sản trí tuệ của Nhà trường để ứng dụng vào thực tiễn sản xuất, Công ty TNHH Khoa học Tự nhiên (HUSCO) đang dần khẳng định vai trò và vị thế của mình trong Trường cũng như đối với xã hội. Theo PGS.TS. Trần Ngọc Anh, Giám đốc Công ty TNHH KHTN, tính đến hiện nay, 74% các dự án hợp tác của Công ty đang triển khai với các cơ quản Nhà nước (chiếm 37%) và các đơn vị sự nghiệp (chiếm 37%); hoạt động hợp tác với doanh nghiệp trong nước chiếm 22% và doanh nghiệp nước ngoài chiếm 4%. Điều này cũng phần nào phù hợp với bức tranh tổng quan chung trong quan hệ hợp tác với doanh nghiệp của Nhà trường hiện nay.

PGS.TS. Trần Ngọc Anh, Giám đốc Công ty TNHH KHTN giới thiệu về HUSCO tại Hội thảo

Chia sẻ tại Hội thảo, đại diện lãnh đạo các đơn vị, cán bộ, giảng viên Nhà trường mong muốn trong thời gian tới, sẽ có những cơ chế, quy định rõ ràng hơn cũng như đảm bảo lợi ích thích hợp cho cán bộ khi phát triển mảng nghiên cứu khoa học ứng dụng. Bên cạnh đó cũng cần có sự khích lệ và chính sách hợp lý nhằm khơi dậy mong muốn phát triển các sản phẩm thương mại hoá từ chính cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên đang công tác tại Trường.

Trân trọng các ý kiến tham luận và trao đổi tại Hội thảo, PGS.TS. Ngạc An Bang, Phó Hiệu trưởng Nhà trường, khẳng định để có thể đẩy mạnh hoạt động hợp tác giữa Nhà trường và doanh nghiệp nói chung và thúc đẩy sự phát triển các sản phẩm khoa học ứng dụng nói riêng cần có sự đồng tâm nhất trí cũng như chuẩn hóa hệ thống, cơ chế đồng bộ từ các cấp đến từng cá nhân. PGS.TS. Ngạc An Bang tin tưởng với sự đồng lòng nhất trí cũng những hỗ trợ từ các cấp, trong thời gian tới hoạt động hợp tác với doanh nghiệp tại Nhà trường sẽ có những khởi sắc mới.

  • Website cựu sinh viên