Hội nghị tổng kết đào tạo Chương trình tiên tiến giai đoạn 2006 – 2015

Sáng ngày 01/6/2016, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên đã tổ chức trọng thể Hội nghị tổng kết đào tạo Chương trình tiên tiến giai đoạn 2006 – 2015.

Sáng ngày 01/6/2016, thực hiện kế hoạch tổng kết Đề án đào tạo chương trình tiên tiến của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên đã tổ chức trọng thể Hội nghị tổng kết đào tạo Chương trình tiên tiến giai đoạn 2006 – 2015 nhằm đánh giá những kết quả đạt được, qua đó đề xuất các giải pháp, kiến nghị phát triển chương trình bền vững.

Tham dự hội nghị  có Ông Nguyễn Văn Hựu – Chuyên viên cao cấp, Bà Đào Hiền Chi – Chuyên viên Bộ Giáo dục và Đào tạo; PGS.TS Nguyễn Kim Sơn – Phó Giám đốc Thường trực cùng đại diện các phòng ban chức năng ĐHQGHN; GS.TS Nguyễn Hữu Dư – Giám đốc điều hành Viện Toán cao cấp; đại diện lãnh đạo các Viện, công ty đối tác, Ban Giám hiệu và các thầy cô đã, đang giảng dạy chương trình tiên tiến, cựu sinh viên, sinh viên chương trình tiên tiến (CTTT).

Phát biểu khai mạc hội nghị, Hiệu trưởng PGS.TS Nguyễn Văn Nội nhấn mạnh: Trường Đại học Khoa học Tự nhiên được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ triển khai thực hiện 3 đề án đào tạo theo CTTT. Trường đã chủ động phối hợp với các trường đại học Hoa Kỳ có thứ hạng cao: ngành Hóa học với đối tác là Trường ĐH Illinois at Urban and Champaign từ cuối năm 2005; ngành Toán học với đối tác là Trường ĐH Washington, Seattle từ cuối năm 2007 và ngành Khoa học Môi trường với đối tác là ĐH Indiana-Bloomington từ cuối năm 2009. Khung chương trình đào tạo được xây dựng trên cơ sở chương trình đào của các trường đối tác từ nội dung, phương pháp giảng dạy, quy trình tổ chức và quản lý đào tạo được giảng dạy bằng tiếng Anh. Hội nghị là dịp để chúng ta nhìn nhận, đánh giá những kết quả đạt được, qua đó điều chỉnh phương thức triển khai CTTT hiệu quả hơn.

Báo cáo tổng kết công tác đào tạo CTTT giai đoạn 2006 – 2015, Phó Hiệu trưởng PGS.TSKH Vũ Hoàng Linh cho biết: Qua thực tế 10 khóa đào tạo với 5 khóa sinh viên CTTT ra trường hầu hết đều đáp ứng yêu cầu của người học cũng như nhu cầu tuyển dụng của các công ty, viện nghiên cứu hay các trường đại học. Sinh viên được đánh giá là năng động, chủ động trong giao tiếp, có kiến thức cơ sở tốt, ngoại ngữ tốt. Đa số sinh viên đều hài lòng về CTTT và có nguyện vọng chương trình tiếp tục được duy trì và phát triển.

Chất lượng đào tạo CTTT tốt đã gây tiếng vang và nâng thương hiệu của Trường cũng như ĐHQGHN. Các giáo sư nước ngoài đánh giá một số sinh viên CTTT không thua kém, thậm chí thông minh và có năng lực hơn sinh viên nước họ. Chất lượng đào tạo CTTT là một trong những yếu tố quan trọng để các chương trình đào tạo cử nhân của Trường đạt kết quả tốt trong đợt kiểm định AUN. CTTT cũng có nhiều tác động tích cực tới Nhà trường để phát triển cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại, dần tiếp cận với các nước tiên tiến. Các giảng viên cũng có cơ hội trau dồi tiếng Anh, nâng cao khả năng giảng dạy và dần trở thành giảng viên quốc tế.

PGS.TS Lê Minh Hà – Chủ nhiệm Khoa Toán-Cơ-Tin học trình bày tham luận

Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo – Ông Nguyễn Văn Hựu phát biểu tại hội nghị

CTTT Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Giám đốc Thường trực ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn đánh giá cao kết quả đạt được của 3 CTTT Hóa học, Toán học và Khoa học Môi trường - Trường ĐHKHTN. Phó Giám đốc nhấn mạnh, chúng ta cần thảo luận xem từ thực tiễn triển khai 3 CTTT rút ra được những bài học kinh nghiệm gì để tiếp tục phát triển chương trình, tạo cú hích và sự lan tỏa tới các chương trình đào tạo khác. Cần phát huy tối đa những mối quan hệ hợp tác đã có khi thực hiện 3 CTTT, nghiên cứu mở rộng hướng đào tạo mới song song với các chương trình đào tạo đã thực hiện.

Hội nghị còn nhận được sự đóng góp ý kiến từ giáo sư đến từ Trường Đại học Paris 13, từ đại diện các nhà tuyển dụng.

(HUS Media)

  • Website cựu sinh viên