Khai giảng Khóa học mùa hè “GIS cho phát triển bền vững và hội nhập” 2015

Sáng ngày 06/10/2015, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên đã khai giảng Khóa học mùa hè “Hệ thống thông tin địa lý cho phát triển bền vững và hội nhập”.

Sáng ngày 06/10/2015, tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên đã khai giảng Khóa học mùa hè Hệ thống thông tin địa lý cho phát triển bền vững và hội nhập (GIS for Sustainable Development and Intergration). Khóa đào tạo chuyên môn này nằm trong khuôn khổ Hội thảo GIS toàn quốc 2015 được tài trợ bởi cơ quan Trao đổi hàn lâm Đức (DAAD) và Trường ĐH Rostock, CHLB Đức. Đây là khóa học được tổ chức lần thứ sáu kể từ năm 2007 đến nay tạo cơ hội cho các học viên, các nhà khoa học trao đổi học thuật, trao đổi và cập nhật các thông tin liên quan đến việc ứng dụng GIS nhằm nâng cao năng lực ứng dụng GIS và viễn thám ở Việt Nam.

Đến dự buổi lễ khai giảng có PGS.TS Nguyễn Văn Nội – Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, TS Görres Grenzdörffer – Đại học Rostock, CHLB Đức.

Phát biểu tại buổi lễ, Hiệu trưởng PGS.TS Nguyễn Văn Nội bày tỏ sự vui mừng và vinh dự khi Trường ĐH KHTN lần thứ 6 tổ chức khóa học mùa hè với sự hỗ trợ của Cơ quan trao đổi hàn lâm Đức (DAAD) và ĐH Rostock. Với chủ đề “GIS cho phát triển bền vững và hội nhập”, khóa học lần này quy tụ nhiều nhà khoa học, nhà quản lý, học viên đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu, các tổ chức trong và ngoài nước… nhằm mục đích nâng cao kiến thức ứng dụng GIS/Viễn thám trong các lĩnh vực, trong đó tập trung vào ứng dụng máy bay không người lái UAS (Unmanned Airborne Systems). Cùng với Hội thảo “GIS cho phát triển bền vững và hội nhập” toàn quốc sẽ khai mạc vào 9/10 tới, khóa học sẽ thúc đẩy mối quan hệ hợp tác lâu dài giữa các nhà khoa học Đức và Việt Nam, đây cũng là một trong những hoạt động kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Đức.

Một số thành viên Ban Tổ chức của khóa học

Khóa học diễn ra từ ngày 06 – 09/9/2015, với sự tham gia của 32 học viên là các cán bộ, học viên cao học, nghiên cứu sinh, giảng viên trẻ tại các trường đại học, viện nghiên cứu như Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh, ĐH Huế, Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh, Vườn Quốc gia Phong Nha, Kẻ Bàng. Khóa học còn có sự tham gia của học viên đến từ Tây Ban Nha, Úc. Tại khóa học, các giáo sư, giảng viên đến từ ĐH Rostock và ĐH Khoa học Tự nhiên đã trình bày các nội dung liên quan như: các thành tựu thuộc lĩnh vực viễn thám; một số ứng dụng của viễn thám; Quản lý nhà nước về viễn thám,… Ngoài ra, các học viên được tới thăm và làm việc tại trạm thu ảnh vệ tinh VN RedSat 1a, Cục Viễn thám Quốc gia, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Học viên được quan sát trực quan và tìm hiểu về mô hình UAS

Các học viên tham quan và làm việc tại Trạm thu ảnh vệ tinh - Cục Viễn thám Quốc gia, Bộ Tài nguyên và Môi trường

(HUS Media)

  • Website cựu sinh viên