Trường Đại học Khoa học Tự nhiên bàn về tái sắp xếp và đổi mới danh mục ngành / chuyên ngành đào tạo

Ngày 05/8/2018, Hội nghị tái sắp xếp và đổi mới danh mục ngành / chuyên ngành đào tạo của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên đã diễn ra tại cơ sở 334 Nguyễn Trãi.

Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo ĐHQGHN: Giám đốc - PGS.TS. Nguyễn Kim Sơn, Phó Giám đốc thường trực - PGS.TS. Nguyễn Hoàng Hải, Trưởng Ban Đào tạo - GS.TSKH. Nguyễn Đình Đức cùng TS. Nghiêm Xuân Huy - Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng và đại diện các ban chức năng liên quan. Về phía Trường ĐHKHTN có Ban Giám hiệu, lãnh đạo các  Khoa và phòng, ban liên quan.

Toàn cảnh Hội nghị

Yêu cầu cấp bách: Ổn định để tăng dần quy mô, nâng cao chất lượng đào tạo

Thông qua các báo cáo thống kê hiện trạng và quá trình thảo luận, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên hướng tới mục tiêu ổn định quy mô đào tạo trong giai đoạn đầu, tăng dần trong những năm tiếp theo, đồng thời nâng cao chất lượng đào tạo khoa học cơ bản, phát triển các ngành và lĩnh vực công nghệ - kỹ thuật (ứng dụng) dựa trên nền tảng khoa học cơ bản.

Phó Hiệu trưởng - PGS.TSKH. Vũ Hoàng Linh phát biểu đề dẫn

Phân tích trong báo cáo đề dẫn, đại diện Ban Giám hiệu, Phó Hiệu trưởng - PGS.TSKH. Vũ Hoàng Linh đánh giá, trong bối cảnh khoa học - công nghệ, kinh tế - xã hội không ngừng thay đổi, sự cạnh tranh gia tăng giữa các trường đại học, công tác đào tạo của Nhà trường đã chưa thực sự tương xứng, chưa tận dụng được thế mạnh của đội ngũ giảng viên, nhà khoa học, trang thiết bị cùng năng lực nghiên cứu trong những năm gần đây. Những khó khăn, thách thức trong công tác quản lý, đào tạo, tuyển sinh,... đã đặt ra yêu cầu cấp bách về việc rà soát, đề xuất các giải pháp tái sắp xếp, đổi mới danh mục ngành/ chuyên ngành - chủ đề chính của Hội nghị này.

Đại diện lãnh đạo Trường và Khoa cùng tham gia thảo luận tại Hội nghị

Về định hướng và nguyên tắc tái sắp xếp và đổi mới danh mục ngành/chuyên ngành đào tạo, PGS.TSKH. Vũ Hoàng Linh nêu rõ đối với từng bậc đào tạo.

Đối với bậc đại học, hai nhóm chính khoa học cơ bản và khoa học ứng dụng sẽ được sắp xếp với tỉ lệ hài hòa trong trường và tại mỗi khoa (số chương trình đào tạo khoa học cơ bản không quá 50% nhưng không dưới 33% và không có ranh giới rõ rệt giữa cơ bản - ứng dụng ở một số ngành đào tạo). Trường dự kiến mở mới các chương trình đào tạo định hướng ứng dụng, liên ngành/liên khoa đồng thời dừng hoặc điều chỉnh, tái sắp xếp các chương trình đào tạo không nằm trong danh sách ưu tiên với tổng số ngành/chương trình đào tạo và chỉ tiêu không thay đổi quá 10% mỗi năm. Trường ưu tiên duy trì các ngành hiện có chương trình đào tạo tài năng, tiên tiến, chuẩn quốc tế, chất lượng cao hoặc đã kiểm định AUN.

PGS.TSKH. Vũ Hoàng Linh điều hành thảo luận tại Hội nghị

Đối với bậc sau đại học, nhóm các chuyên ngành bậc thạc sĩ trong từng khoa thành ngành tương ứng với danh mục ngành đào tạo đại học, xây dựng một số chương trình đào tạo mới, liên ngành, có nhu cầu cao hoặc phù hợp với xu hướng phát triển.

Giải pháp sắp xếp và đổi mới: Cần tái cấu trúc tổng thể với triết lý phát triển rõ ràng

Căn cứ phân tích số liệu và đánh giá thực trạng, quy mô đào tạo đại học và sau đại học, báo cáo của đại diện Phòng Đào tạo và Phòng Sau đại học đã đề xuất những giải pháp cụ thể.

TS. Trương Thanh Tú - Phó Phòng Đào tạo trình bày báo cáo

Đối với bậc đại học, từ năm 2020 dự kiến mở mới các chương trình đào tạo, bao gồm: Khoa học dữ liệu, Điện tử - Tin học ứng dụng, Khoa học và công nghệ thực phẩm, Quản lý phát triển đô thị và bất động sản, Công nghệ tích hợp giám sát tài nguyên và môi trường. Một vài chương trình đào tạo cũng được đề xuất dừng hoặc tái sắp xếp.

Từ những đề xuất trên, Hội nghị đã cùng thảo luận về phương thức, cơ chế nhằm duy trì, chuyển đổi công tác đào tạo, nghiên cứu của các ngành đã dừng/ dự kiến dừng/ tái sắp xếp; Cơ chế quản lý, tổ chức các chương trình mang tính liên ngành/ liên khoa;...

TS. Ngô Thị Lan Phương - Phòng Sau đại học trình bày báo cáo

Đối với bậc sau đại học, đề xuất giữ nguyên 14 chuyên ngành đào tạo đồng thời nhóm các chuyên ngành đào tạo. Từ đó, dự kiến sẽ còn những chuyên ngành đào tạo sau: Toán học, Toán ứng dụng, Cơ sở Toán cho Tin học, Khoa học dữ liệu, Phương pháp toán sơ cấp, Cơ học; Vật lý học, Vật lý nguyên tử và hạt nhân; Hóa học, Kỹ thuật hóa học; Sinh học, Sinh học thực nghiệm, Công nghệ sinh học; Địa lý học, Quản lý tài nguyên và môi trường, Quản lý đất đai; Địa chất học; Khí tượng và khí hậu học, Thủy văn học, Hải dương học; Khoa học môi trường, Kỹ thuật môi trường, Môi trường và phát triển bền vững.

Đại diện Phòng Sau đại học cũng đưa ra kế hoạch triển khai, theo đó giai đoạn 1 sẽ tiến hành tái sắp xếp các chuyên ngành đào tạo thạc sĩ; chỉnh sửa, cập nhật CTĐT theo quy chế tuyển sinh mới (nếu có). Giữ nguyên danh mục các chuyên ngành đào tạo tiến sĩ. Giai đoạn 2 sẽ tiến hành chỉnh sửa, cập nhật các CTĐT tiến sĩ phù hợp với danh mục ngành/ chuyên ngành đào tạo thạc sĩ mới.

PGS.TS. Phạm Quang Tuấn - Trưởng Khoa Địa lý đề xuất giữ chuyên ngành đào tạo Bản đồ viễn thám và xây dựng một chương trình đào tạo sau đại học mang tính liên ngành về biến đổi khí hậu bởi Trường Đại học Khoa học Tự nhiên vẫn là cơ sở hàng đầu đào tạo và nghiên cứu về Khoa học Trái Đất

Các ý kiến thảo luận của đại diện lãnh đạo các Khoa tại Hội nghị đã đề cập tới nhiều vấn đề, trong đó cho rằng cần cân đối và mở thêm các ngành mới, định hướng ứng dụng đáp ứng yêu cầu của xã hội, chú trọng cơ chế tuyển thẳng và học bổng bậc sau đại học.

GS.TSKH. Nguyễn Đình Đức đánh giá cao năng lực nghiên cứu của Trường ĐHKHTN

Về phía ĐHQGHN, GS.TSKH. Nguyễn Đình Đức nhấn mạnh cần tổ chức khảo sát, phân tích nguyên nhân, đưa ra giải pháp thích hợp và mang tính căn cốt cho từng chương trình đào tạo.

Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hoàng Hải giải đáp những băn khoăn của đại diện lãnh đạo các Khoa

Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hoàng Hải cho rằng Trường cân nhắc phương án gộp các chương trình đào tạo tiến sĩ để đảm bảo nguồn lực của đơn vị không bị phân tán, đồng thời cân nhắc xây dựng ngân hàng các học phần/modul để có thể linh hoạt xây dựng các chương trình đào tạo khác nhau, gia tăng khả năng lựa chọn cho người học.

Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn chỉ đạo

Phát biểu kết luận Hội nghị, Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn chỉ đạo lãnh đạo Trường Đại học Khoa học Tự nhiên cần nhanh chóng xác định rõ triết lý phát triển để xây dựng đề án tổng thể tái cấu trúc toàn Trường, trong đó bao gồm tái cấu trúc ngành/chuyên ngành đào tạo và hướng tới hình thành nhóm ngành nghề mới. 

Tái sắp xếp và đổi mới danh mục ngành / chuyên ngành là hoạt động bên cạnh các công tác khác như đổi mới giảng dạy, đổi mới tuyển sinh,... nhằm nâng cao chất lượng đào tạo của Trường. Tính đến cuối năm học 2018-2019, Trường có 23 ngành đào tạo đại học thuộc 10 lĩnh vực, 47 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ thuộc 08 lĩnh vực và 43 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ thuộc 07 lĩnh vực. Trong đó, có 10 chương trình đào tạo bậc đại học đã kiểm định AUN, 04 ngành có chương trình đào tạo tài năng, 04 chương trình đào tạo chất lượng cao, 02 chương trình đào tạo tiên tiến, 02 chương trình đào tạo chuẩn quốc tế, 05 chương trình đào tạo chất lượng cao theo TT23.

  • Website cựu sinh viên