CÁC NGÀNH ĐÀO TẠO

I. KHOA TOÁN - CƠ - TIN HỌC

1. Ngành Toán học

Mục tiêu đào tạo: Đào tạo cho xã hội những cán bộ có trình độ cử nhân khoa học, có kiến thức chuyên sâu về Toán học và khả năng ứng dụng Toán học vào các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kinh tế, xã hội. Sinh viên được trang bị những kiến thức đại cương về khoa học xã hội và nhân văn, về khoa học tự nhiên và những kiến thức cơ bản về Toán học, đồng thời trang bị những kiến thức cơ sở của ngành và bước đầu đi sâu vào chuyên ngành. Sinh viên có khả năng sử dụng thành thạo một số ngôn ngữ lập trình cơ bản, một số thuật toán và phần mềm toán học. Sinh viên năm cuối có thể tham gia các hướng nghiên cứu đang được triển khai tại Khoa. Rèn luyện cho sinh viên khả năng tư duy chính xác của Toán học, tư duy thuật toán và phương pháp tiếp cận khoa học tới vấn đề thực tế.

Triển vọng nghề nghiệp: Cử nhân ngành Toán học có đủ năng lực làm công tác giảng dạy Toán học tại các trường đại học, cao đẳng, trung học phổ thông; làm việc tại các viện nghiên cứu, các cơ quan quản lý kinh tế, tài chính, các cơ sở sản xuất và kinh doanh có sử dụng kiến thức Toán học và Toán ứng dụng hoặc được đào tạo tiếp thạc sĩ và tiến sĩ ở trong và ngoài nước.

Thực tế nhiều năm qua cho thấy sinh viên ngành Toán học nói riêng và Khoa Toán-Cơ-Tin học nói chung, khi ra trường đều được các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài nước tiếp nhận và đánh giá rất cao.

Hiện nay, nhiều cơ hội đến với viên ngành Toán học nói riêng và Khoa Toán-Cơ-Tin học nói chung vì một số lĩnh vực trọng điểm trong nền kinh tế quốc gia như công nghệ thông tin, bảo hiểm, ngân hàng và tài chính, …vv đang rất cần các chuyên gia Toán học, Toán ứng dụng.

2. Ngành Toán - Cơ

Mục tiêu đào tạo: Đào tạo cho xã hội những cán bộ có trình độ cử nhân khoa học, có kiến thức chuyên sâu về Cơ học và có khả năng ứng dụng Toán học, Cơ  học vào các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kinh tế, xã hội. Sinh viên được trang bị những kiến thức đại cương về khoa học xã hội và nhân văn, về khoa học tự nhiên và những kiến thức cơ bản về Toán học - Cơ học, Tin học, Toán ứng dụng, đồng thời trang bị những kiến thức cơ sở của ngành và bước đầu đi sâu vào chuyên ngành. Sinh viên có khả năng sử dụng thành thạo một số ngôn ngữ lập trình cơ bản, một số thuật toán và phần mềm toán học. Sinh viên được tham gia các hướng nghiên cứu Cơ học đang được triển khai tại Khoa.

Triển vọng nghề nghiệp: Sinh viên tốt nghiệp cử nhân ngành Toán-Cơ có đủ khả năng làm công tác giảng dạy Toán học, Cơ học tại các trường đại học, cao đẳng, trung học phổ thông, hoặc làm việc tại các viện nghiên cứu, các cơ quan quản lý, sản xuất và kinh doanh có sử dụng kiến thức Toán học, Cơ học, ví dụ trong các lĩnh vực như xây dựng, chế tạo máy, khoa học vật liệu, …vv hoặc được đào tạo tiếp thạc sĩ và tiến sĩ ở trong và ngoài nước.

3. Ngành Toán - Tin Ứng dụng

Mục tiêu đào tạo: Đào tạo những cử nhân khoa học có kiến thức chuyên sâu về Toán ứng dụng, Tin học và có khả năng áp dụng kiến thức Toán học-Tin học vào các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kinh tế, xã hội. Sinh viên được trang bị những kiến thức đại cương về khoa học xã hội, khoa học tự nhiên và những kiến thức cơ bản về Toán ứng dụng-Tin học, đồng thời trang bị những kiến thức cơ sở của ngành và bước đầu đi sâu vào chuyên ngành. Sinh viên có khả năng xây dựng mô hình toán học cho các bài toán thực tế, sử dụng thành thạo một số ngôn ngữ lập trình, các kiến thức về  thuật toán và công nghệ phần mềm. Sinh được tham gia các hướng nghiên cứu về Toán ứng dụng và Tin học đang được triển khai tại Khoa.

Triển vọng nghề nghiệp: Sinh viên tốt nghiệp đủ năng lực giảng dạy Toán-Tin tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề và trung học phổ thông, hoặc làm việc tại các viện nghiên cứu, các cơ quan quản lý, các cơ sở sản xuất và kinh doanh có sử dụng kiến thức Toán ứng dụng và Tin học, các công ty lập trình, gia công phần mềm, hay phân tích thiết kế hệ thống. Số liệu thống kê cho thấy cơ hội việc làm cũng như mức thu nhập của sinh viên ngành Toán-Tin ứng dụng sau khi tốt nghiệp là rất cao. Sinh viên còn có thể được đào tạo tiếp thạc sĩ và tiến sĩ ở trong và ngoài nước.

4. Ngành Sư phạm Toán

Mục tiêu đào tạo: Đào tạo cử nhân khoa học Toán học hệ Sư phạm được thực hiện từ năm 2000 nhằm mục đích đào tạo các cử nhân khoa học nắm vững kiến thức Toán học, có kỹ năng và nghiệp vụ sư phạm cao để đảm nhận công tác giảng dạy Toán học các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và THPT.

Triển vọng nghề nghiệp: Sinh viên tốt nghiệp ngành Sư phạm Toán đủ năng lực làm công tác giảng dạy Toán học tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề và trung học phổ thông, các cơ quan nghiên cứu Toán học và quản lý giáo dục,... hoặc được đào tạo tiếp thạc sĩ và tiến sĩ ở trong và ngoài nước.

II. KHOA VẬT LÝ

1. Ngành Vật lý

Mục tiêu đào tạo: Trang bị cho sinh viên kiến thức đại cương về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, kiến thức cơ bản về vật lý, toán, điện tử-tin học,... và các kiến thức chuyên ngành; kỹ năng thực hành và ứng dụng trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kinh tế, xã hội.

Triển vọng nghề nghiệp: Sinh viên tốt nghiệp có khả năng giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề và THPT, làm việc tại các viện nghiên cứu, cơ quan quản lý, sản xuất-kinh doanh, các tập đoàn kinh tế manh, các công ty có vốn đầu tư trong nước và nước ngoài có liên quan đến điện tử, tin học, viễn thông, v.v. hoặc có thể được đào tạo tiếp thạc sĩ, tiến sĩ ở trong và ngoài nước.

2. Ngành Khoa học Vật liệu

Mục tiêu đào tạo: Đáp ứng sự phát triển của khoa học vật liệu mới, trong đó có khoa học và công nghệ nano được nhà nước xác định là một trong những ngành khoa học mũi nhọn của đất nước. Khoa Vật lý là cơ sở đào tạo hàng đầu ở Việt Nam về vấn đề này. Đội ngũ giáo sư, giảng viên có chuyên môn cao và các thiết bị nghiên cứu và học tập hiện đại tiên tiến để sinh viên có thể tiếp cận đến các vấn đề mới nhất của vật liệu mới và công nghệ nano. Chương trình đào tạo cử nhân Khoa học vật liệu trang bị cho sinh viên các kiến thức cơ bản về vật lý, toán học, tin học, hoá học, khoa học và công nghệ vật liệu, đặc biệt là vật liệu điện tử nano (vật liệu từ, vật liệu bán dẫn). Sinh viên cũng được trang bị các kiến thức về khoa học công nghệ các vật liệu tiên tiến khác như hợp kim đặc chủng, vật liệu tổ hợp, vật liệu nanô, các vật liệu quang điện tử sử dụng trong nhiều lĩnh vực như sợi cáp quang, laser... những vật liệu nền tảng của cuộc cách mạng khoa học và kỹ thuật của thế kỷ 21.

Triển vọng nghề nghiệp: Sinh viên ngành Khoa học vật liệu đủ năng lực làm việc ở các hãng công nghệ cao, các viện nghiên cứu, các tập đoàn kinh tế mạnh của Nhà nước, của nước ngoài, các trường đại học. Đặc biệt là sinh viên ngành này, nếu tốt nghiệp loại khá hoặc giỏi, ngoại ngữ tốt có khả năng học tập và nghiên cứu ở các nước tiên tiến như Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản,… Hàng năm Khoa Vật lí giới thiệu hàng chục suất học bổng cho sinh viên du học sau đại học ở các nước tiên tiến. Ngoài ra, sinh viên có thể được đào tạo tiếp thạc sĩ và tiến sĩ ở trong và ngoài nước

3. Ngành Công nghệ hạt nhân

Mục tiêu đào tạo: Công nghệ hạt nhân là ngành đào tạo rất cần thiết phù hợp chủ trương của Đảng và nhà nước về phát triển ngành điện hạt nhân hiện nay. Nhu cầu của đất nước về nhân lực liên quan đến công nghệ hạt nhân là rất lớn. Khoa Vật lý là đơn vị hàng đầu ở Việt Nam đã được đầu tư một dự án 4 triệu đô la Mỹ để cung ứng nguồn nhân lực phục vụ nhu cầu này của đất nước.

Sinh viên trang bị những kiến thức về công nghệ hạt nhân cơ bản, hiện đại và cập nhật các tiến bộ của công nghệ và vật lí hạt nhân trên thế giới, được tham quan và thực tập thực tế tại các cơ sở hạt nhân trong nước.

Triển vọng nghề nghiệp: Đủ năng lực làm việc trên các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế quốc dân như ngành năng lượng hạt nhân để phục vụ nhu cầu điện hạt nhân trong tương lai của đất nước, các ngành khoa học và kĩ thuật hạt nhân cơ bản và ứng dụng; các ngành kinh tế thuộc các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp; y học xạ trị, khảo cổ học, địa chất thuỷ văn. Giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng hoặc có thể được đào tạo tiếp thạc sĩ, tiến sĩ ở trong và ngoài nước.

4. Ngành Sư phạm Vật lý

Kết hợp với Khoa sư phạm-ĐHQGHN, Khoa Vật lý đã và đang đào tạo Cử nhân Sư phạm Vật lý với các yêu cầu đặc thù riêng:

Mục tiêu đào tạo: Trang bị cho sinh viên những kiến thức đại cương về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, ngoại ngữ, tin học; kiến thức cơ bản và chuyên sâu về vật lý; về khoa học giáo dục và sư phạm; kỹ năng sử dụng các phương pháp cơ bản, hiện đại giảng dạy Vật lý và công nghệ dạy học.

Triển vọng nghề nghiệp: Sinh viên tốt nghiệp có đủ khả năng giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, THPT, làm việc tại các viện nghiên cứu, cơ quan quản lý, sản xuất-kinh doanh, hoặc có thể được đào tạo tiếp thạc sĩ, tiến sĩ ở trong và ngoài nước.

III. KHOA HÓA HỌC

1. Ngành Hoá học

Mục tiêu đào tạo: Trang bị cho sinh viên kiến thức đại cương về khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, những kiến thức cơ bản về Hoá học, được tiếp cận, thực hành trên những trang thiết bị máy móc hiện đại phục vụ nghiên cứu khoa học và nâng cao kỹ năng thực hành, những kiến thức cơ sở của ngành và chuyên ngành, hình thành và phát triển tư duy nghiên cứu và làm việc độc lập, có khả năng ứng dụng Hoá học vào giải quyết các bài toán thực tế trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kinh tế, xã hội.

Triển vọng nghề nghiệp: Sinh viên tốt nghiệp có đủ khả năng đảm nhận các công việc phù hợp với chuyên môn tại bất kỳ nơi nào ở trong và ngoài nước; giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng, THPT, làm việc tại các viện nghiên cứu, các cơ quan quản lý, các cơ sở sản xuất và kinh doanh có sử dụng kiến thức hoá học, hoặc có thể được đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ở trong và ngoài nước.

2. Ngành Công nghệ Hoá học

Mục tiêu đào tạo: Trang bị cho sinh viên những kiến thức đại cương về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, kiến thức cơ bản về Hoá học và kiến thức chuyên sâu về Công nghệ các quá trình Hóa học, tiếp cận những trang thiết bị máy móc hiện đại phục vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ. có khả năng ứng dụng công nghệ  giải quyết các bài toán thực tế trong các lĩnh vực khoa học, kinh tế, xã hội, môi trường.

Triển vọng nghề nghiệp: Sinh viên sau khi tốt nghiệp có đủ khả năng làm việc tại các viện nghiên cứu, các cơ quan quản lý, các cơ sở sản xuất và kinh doanh, các công ty liên doanh có sử dụng kiến thức công nghệ hoá học và hoá học; giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng, THPT, hoặc được đào tạo tiếp thạc sĩ, tiến sĩ ở trong và ngoài nước.

3. Ngành Cử nhân Sư phạm Hoá học

Kết hợp với Khoa sư phạm-ĐHQGHN, Khoa Hóa học đã và đang đào tạo Cử nhân Sư phạm Hóa với các yêu cầu đặc thù riêng:

Mục tiêu đào tạo: Trang bị cho sinh viên những kiến thức đại cương về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, ngoại ngữ, tin học; kiến thức cơ bản và chuyên sâu về Hóa học; về khoa học giáo dục và sư phạm. Kỹ năng sử dụng các phương pháp cơ bản, hiện đại trong Hóa học và công nghệ dạy học.

Triển vọng nghề nghiệp: Sinh viên sau khi tốt nghiệp có đủ khả năng giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề và THPT, làm việc tại các viện nghiên cứu, cơ quan quản lý, sản xuất-kinh doanh, hoặc có thể được đào tạo tiếp bậc thạc sĩ, tiến sĩ ở trong và ngoài nước.

IV. KHOA SINH HỌC

1.  Ngành Sinh học

Mục tiêu đào tạo: Trang bị cho sinh viên những kiến thức đại cương về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, những kiến thức cơ bản về Sinh học, những nguyên lý cơ bản và các quá trình sinh học ở các mức độ khác nhau của khoa học sự sống (phân tử, tế bào, cơ quan, cơ thể, quần thể, quần xã), mối quan hệ của chúng với nhau và với môi trường ngoài. những kiến thức cơ sở của ngành và chuyên ngành, được trang bị các phương pháp thu thập mẫu, đo đạc và tổng hợp, phân tích các số liệu phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, kỹ năng thực hành, được tiếp cận những trang thiết bị máy móc, phát triển tư duy nghiên cứu và làm việc độc lập. có khả năng ứng dụng Sinh học vào giải quyết các bài toán thực tế trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kinh tế, xã hội.

Triển vọng nghề nghiệp: Sinh viên sau khi tốt nghiệp có đủ khả năng đảm nhận các công việc phù hợp với chuyên môn tại bất kỳ nơi nào ở trong và ngoài nước; làm việc tại các viện nghiên cứu, các cơ quan quản lý, các bệnh viện, các khu công nghiệp tập trung, các công ty có vốn đầu tư nước ngoài, các cơ sở sản xuất và kinh doanh có sử dụng kiến thức sinh học. Giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng, THPT hoặc được đào tạo tiếp thạc sĩ và tiến sĩ trong và ngoài nước.

2. Ngành Công nghệ Sinh học

Mục tiêu đào tạo: Trang bị cho sinh viên những kiến thức đại cương về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, những kiến thức cơ bản về các nguyên lý và quá trình sinh học, về sinh học thực nghiệm, các phương pháp thu thập mẫu, đo đạc và tổng hợp, phân tích các số liệu, sử dụng các phương pháp thí nghiệm hiện đại của Công nghệ sinh học, tiếp cận những trang thiết bị máy móc phục vụ nghiên cứu khoa học và kỹ năng thực hành, đồng thời giúp cho sinh viên khả năng tư duy sáng tạo, phương pháp tiếp cận khoa học, hình thành và phát triển tư duy nghiên cứu và làm việc độc lập, có khả năng ứng dụng công nghệ Sinh học vào các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kinh tế, xã hội.

Triển vọng nghề nghiệp: Sinh viên khi tốt nghiệp có đủ năng lục làm việc tại các viện nghiên cứu, các cơ quan quản lý, các khu chế xuất, các khu công nghiệp tập trung, các công ty liên doanh, các bệnh viện, các cơ sở sản xuất và kinh doanh liên quan đến sinh học và công nghệ sinh học. Giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp,  THPT hoặc được đào tạo tiếp thạc sĩ và tiến sĩ trong và ngoài nước

3. Ngành Sư phạm Sinh học

Kết hợp với Khoa sư phạm-ĐHQGHN, Khoa Sinh học đã và đang đào tạo Cử nhân Sư phạm Sinh học với các yêu cầu đặc thù riêng:

Mục tiêu đào tạo: Trang bị cho sinh viên những kiến thức đại cương về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, ngoại ngữ, kiến thức cơ bản và chuyên sâu về Sinh học, khoa học sự sống; khoa học giáo dục và sư phạm; Kỹ năng sử dụng các phương pháp cơ bản, hiện đại trong sinh học và công nghệ trong dạy học.

Triển vọng nghề nghiệp: Sinh viên tốt nghiệp có đủ khả năng giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề và THPT, hoặc làm việc tại các viện nghiên cứu, cơ quan quản lý, sản xuất-kinh doanh, hoặc có thể được đào tạo tiếp thạc sĩ, tiến sĩ ở trong và ngoài nước.

V. KHOA  ĐỊA LÝ

1. Ngành Địa lý

Mục tiêu đào tạo: Trang bị cho sinh viên những kiến thức đại cương về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, kiến thức cơ bản về địa lý, quy luật thành tạo, phát triển và tác động lẫn nhau của các địa quyển, sự phân bố và diễn biến của các dạng tài nguyên, môi trường, kiến thức cơ bản về khoa học Địa lý hiện đại, nhiệt đới, các vấn đề về tài nguyên - môi trường toàn cầu. Rèn luyện kỹ năng thành lập bản đồ, hiểu các hiện tượng và quá trình tự nhiên, các dạng hoạt động sản xuất, mô hình hóa và sử dụng các phần mềm chuyên dụng nghiên cứu sự phân hóa lãnh thổ và diễn biến theo thời gian của các đối tượng địa lý, ứng dụng vào các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kinh tế, xã hội.

Triển vọng nghề nghiệp: Sinh viên đủ năng lục làm việc tại các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Các tập đoàn kinh tế trực thuộc chính phủ, Các tổ chức phi chính phủ, các Sở Tài nguyên và Môi tr ường, Phòng Tài nguyên-Môi trư ờng; xây dựng, quản lý và đánh giá các dự án phát triển đô thị, nông nghiệp, nông thôn. Giảng dạy Địa lý tại các trường đại học, cao đẳng, THPT hoặc được đào tạo tiếp thạc sĩ và tiến sĩ ở trong và ngoài nước.

Nội dung các chuyên ngành đang đào tạo ngành Địa lý:

- Sinh thái Cảnh quan và Môi trường: kiến thức tổng hợp về khoa học trái đất nói chung và địa lý nói riêng:

  1. Phân tích cấu trúc lớp vỏ địa lý, tìm ra những quy luật tự nhiên và nhân văn chi phối sự hình thành và phát triển của các dạng tài nguyên thiên nhiên tại một lãnh thổ cụ thể. Trên cơ sở đó, đưa ra những giải pháp nhằm sử dụng hợp lý và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên hướng tới mục tiêu phát triển bền vững
  2. Nghiên cứu, đánh giá hiện trạng môi trường tiến tới quy hoạch bảo vệ môi trường các địa phương

- Địa lý tự nhiên: các quy luật tự nhiên chi phối sự hình thành và phát triển tài nguyên thiên nhiên; các nguyên tắc phân vùng địa lý tự nhiên; cơ sở của việc hoạch định tổ chức không gian và phát triển theo vùng.

- Địa mạo và Địa lý - Môi trường biển: kiến thức cơ bản về:

  1. Các quá trình địa mạo và tác động tới môi trường
  2. Tai biến thiên nhiên và cách phòng, tránh
  3. Các quy luật tự nhiên về đới bờ và quản lý tổng hợp đới bờ theo hướng phát triển bền vững

- Địa lý Nhân văn và Kinh tế sinh thái: đây là hướng nghiên cứu đang có xu hướng phát triển mạnh mẽ trên thế giới và ở Việt Nam trong những năm gần đây: kiến thức cơ bản về địa lý nhân văn (các quy luật kinh tế - xã hội diễn ra tại nông thôn và đô thị, các quá trình văn hóa và tác động của chúng tới cộng đồng dân cư,...) và các quy luật kinh tế cơ bản dưới góc độ sinh thái nhằm tìm ra các giải pháp tối ưu để phát triển kinh tế – xã hội bền vững.

- Địa lý du lịch: kiến thức về địa lý áp dụng trong lĩnh vực du lịch. Sinh viên sẽ nắm được những quy luật cơ bản về tài nguyên du lịch tự nhiên, tài nguyên du lịch nhân văn, từ đó phát huy tối đa các tiềm lực của địa phương để phát triển du lịch.

Bản đồ: kiến thức cơ bản về bản đồ học và những ứng dụng trong sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

2. Ngành Địa chính

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký Quyết định số 2063/QĐ-BGĐT-ĐH, Ngày 23/5/2000 giao nhiệm vụ cho Khoa Địa lý là Khoa đầu tiên ở trường đại học đào tạo Cử nhân khoa học ngành Địa chính nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao về quản lý đất đai phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Mục tiêu đào tạo: Trang bị cho sinh viên những kiến thức đại cương về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, kiến thức cơ bản về khoa học Địa chính, nắm vững những kiến thức cơ bản về lý luận và thực tiễn của khoa học Địa chính, làm chủ được các công nghệ hiện đại phục vụ cho công tác quản lý và sử dụng hợp lý tài nguyên đất đai. Rèn luyện kỹ năng thành lập bản đồ địa chính, bản đồ hiện trạng sử dụng tài nguyên đất, ứng dụng vào các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kinh tế, xã hội.

Triển vọng nghề nghiệp: Sinh viên sau khi tốt nghiệp có đủ năng lực làm việc tại Bộ Tài nguyên và Môi trư ờng và các đơn vị trực thuộc Bộ (Nhà xuất bản Bản đồ, Trung tâm Viễn thám, Viện nghiên cứu Địa chính, Trung tâm Điều tra Quy hoạch đất đai,...), các Sở Tài nguyên và Môi tr ường, Phòng Tài nguyên - Môi trư ờng,  UBND các xã, phường, các doanh nghiệp quốc doanh và tư  nhân làm nghiệp vụ đo đạc và thông tin đất đai,... hoặc giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng,  hoặc có thể được đào tạo tiếp thạc sĩ, tiến sĩ ở trong và ngoài nước.

Nội dung các chuyên ngành đang đào tạo ngành Địa chính:

- Chuyên ngành Quản lý đất đai và Môi trường: kiến thức quản lý nhà nước về đất đai (chính sách pháp luật đất đai, quy hoạch sử dụng đất, đăng ký đất đai - cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất,...) và quản lý môi trường. Sinh viên được trang bị những kiến thức cơ bản về đo đạc địa chính, hệ thống thông tin đất đai.

- Công nghệ Địa chính: lý thuyết và kỹ năng thực hành về thu thập, cập nhật, lưu trữ, xử lý, phân tích thông tin về đất đai phục vụ cho công tác quản lý và sử dụng có hiệu quả tài nguyên đất đai ở Việt Nam. Công tác đào tạo được chú trọng theo hướng chuyên sâu về hệ thống thông tin đất đai, hệ thống thông tin bất động sản, các phương pháp thu thập dữ liệu tiến tiến có tính tự động hóa cao (ảnh số, viễn thám, GPS).

- Kinh tế đất và Bất động sản: kiến thức về kinh tế - tài chính đất đai (giá đất, thuế đất, cho thuê đất, bồi thường thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất,...), phương pháp định giá đất và bất động sản, quản lý thị trường bất động sản.

VI. KHOA ĐỊA CHẤT  

1. Ngành Địa chất

Mục tiêu đào tạo: Trang bị cho sinh viên những kiến thức đại cương về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, kiến thức cơ bản ngành Địa chất, kiến thức chuyên sâu và cập nhật những tiến bộ khoa học Địa chất thế giới và Địa chất Việt Nam. Rèn luyện cho sinh viên phương pháp nghiên cứu khoa học, làm việc độc lập, kỹ năng tổ chức hợp tác thực hiện nhiệm vụ và khả năng trình bày báo cáo các kết quả nghiên cứu khoa học và thực hiện nhiệm vụ.

Triển vọng nghề nghiệp: Sinh viên sau khi tốt nghiệp có đủ năng lực làm việc ở trong các viện, cơ quan nghiên cứu Khoa học Trái đất, địa chất dầu khí, địa kỹ thuật, cơ quan quản lý nhà nước, các Sở Tài nguyên và Môi trường, Khoa học Công nghệ, các doanh nghiệp thi công xây dựng cơ sở hạ tầng, các công ty liên doanh ở trong và ngoài  nước như thăm dò khoáng sản,… Tham gia thực hiện các phương án đo vẽ bản đồ địa chất khoáng sản, các dự án và đề tài quản lý, đánh giá tác động môi trường, phát triển bền vững lãnh thổ và lãnh hải phục vụ xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, đô thị trong quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa Đất nước hoặc được đào tạo tiếp thạc sĩ và tiến sĩ trong và ngoài nước.

Các hướng đào tạo đang tập trung: Nghiên cứu phân tích các cấu trúc địa chất và các quá trình địa chất phục vụ xây dựng các cầu cảng, các công trình đập thuỷ điện, đường giao thông, quy hoạch lãnh thổ, đánh giá triển vọng dầu khí; công nghệ khai thác tài nguyên, gia công chế tác các loại ngọc và đá quý. Ngoài ra còn trang bị những kiến thức hiện đại về hệ thống thông tin địa lý và viễn thám - một công cụ mạnh hiện nay, phục vụ nhiều ngành nhiều lĩnh vực.

2. Ngành Địa Kỹ thuật – Địa Môi trường

Mục tiêu đào tạo: Trang bị cho sinh viên những kiến thức đại cương về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, kiến thức cơ bản ngành Địa kỹ thuật - Địa môi trường cơ bản và hiện đại, cập nhật những tiến bộ khoa học về Địa kỹ thuật, Địa môi trường và Địa vật lý ứng dụng ở Việt Nam và trên Thế giới. Rèn luyện cho sinh viên phương pháp nghiên cứu khoa học, phương pháp làm việc độc lập, khả năng tổ chức hợp tác trong thực hiện nhiệm vụ và khả năng trình bày báo cáo các kết quả nghiên cứu khoa học.

Triển vọng nghề nghiệp: Sinh viên sau khi tốt nghiệp có đủ năng lực làm việc về các lĩnh vực thuộc khoa học Trái đất, các viện và các trung tâm, các tổng công ty về xây dựng, giao thông, thủy lợi, các sở giao thông công chính, khoa học-công nghệ, tài nguyên-môi trường của các tỉnh và thành phố, tham gia thực hiện các dự án đo vẽ bản đồ địa chất công trình và địa chất thủy văn, các dự án và đề tài quản lý, đánh giá tác động môi trường, phát triển bền vững lãnh thổ và lãnh hải phục vụ xây dựng cơ sở hạ tầng trong quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa Đất nước. Giảng dạy tại các trường đại học và cao đẳng hoặc có thể được đào tạo tiếp thạc sĩ, tiến sĩ ở trong và ngoài nước.

Các hướng đang tập trung đào tạo, nghiên cứu: cấu trúc nền móng công trình, giải pháp xử lý các nền đất yếu, các sự cố trong xây dựng công trình (cầu, cảng, đập thuỷ điện, móng nhà cao tầng); cơ chế, quy luật phát sinh ô nhiễm môi trường nước, đất và khí; các loại tai biến như động đất, núi lửa, lũ lụt, trượt lở, nứt đất, sóng thần; các giải pháp phòng tránh và giảm thiểu tai biến; các phương pháp địa vật lý (phương pháp địa chấn, phương pháp điện, phương pháp từ, phương pháp trọng lực, phương pháp phóng xạ,...) để nghiên cứu vỏ Trái đất, tìm kiếm khoáng sản, đặc biệt là dầu khí, tài nguyên nước, nghiên cứu cấu trúc và bảo vệ nguyên trạng các công trình cổ.

3. Ngành Quản lý Tài nguyên thiên nhiên

Nước ta là một quốc gia giàu có về tài nguyên (tài nguyên đất, tài nguyên rừng, tài nguyên biển, tài nguyên địa chất,...) nhưng đội ngũ cán bộ về quản lý tài nguyên thiên nhiên còn rất hạn chế và chưa được đào tạo theo một hệ thống. Trước đòi hỏi của Đất nước và xu thế hội nhập khu vực và Quốc tế, Khoa Địa chất Trường Đại học Khoa học Tự nhiên được giao nhiệm vụ đào tạo cử nhân Quản lý tài nguyên thiên nhiên từ năm 2008.

Mục tiêu đào tạo: Trang bị cho sinh viên những kiến thức đại cương về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, kiến thức cơ bản, hiện đại về các khoa học Trái đất, khoa học quản lý tài nguyên thiên nhiên và các kiến thức sâu về quản lý tài nguyên thiên nhiên. Rèn luyện phương pháp nghiên cứu khoa học, làm việc độc lập, tổ chức hợp tác trong các hoạt động thuộc lĩnh vực quản lý tài nguyên thiên nhiên, có khả năng tổng hợp, xử lý tài liệu và trình bày báo cáo các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng vào thực tiễn

Triển vọng nghề nghiệp: Sinh viên sau khi tốt nghiệp có đủ năng lực làm việc tại viện nghiên cứu, các cơ quan quản lý kinh tế và khoa học cấp Trung ương đến các cơ quan quản lý chuyên ngành về tài nguyên: sở tài nguyên và môi trường cấp tỉnh thành và phòng tài nguyên và môi trường cấp huyện, thị trong cả nước, Giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng hoặc được đào tạo tiếp thạc sĩ và tiến sĩ trong và ngoài nước

Các hướng đang tập trung đào tạo, nghiên cứu:  các khoa học Trái đất, tài nguyên thiên nhiên, khoa học quản lý, luật và các chính sách.

VII. KHOA KHÍ TƯỢNG - THỦY VĂN - HẢI DƯƠNG HỌC  

1. Ngành Khí tượng - Thủy văn - Hải dương

Mục tiêu đào tạo: Trang bị cho sinh viên những kiến thức đại cương về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, Đồng thời, sinh viên còn được trang bị kiến thức khá đầy đủ về toán học, vật lý và tin học, trong đó đặc biệt nhấn mạnh về kỹ năng lập trình, xử lý tính toán trên máy tính. Sinh viên được tham quan, thực tập thực tế tại nhiều viện, cơ sở nghiên cứu, triển khai trong đất liền, hải đảo, trên biển. Các đề tài luận án, luận văn và khóa luận tốt nghiệp của sinh viên đều gắn với các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học của giáo viên về các hướng nghiên cứu như: dự báo thời tiết, mô phỏng và mô hình hóa bão-xoáy thuận nhiệt đới, mô hình hóa khí hậu khu vực và dự báo khí hậu, dao động và biến đổi khí hậu, khí hậu và môi trường, khí tượng ứng dụng,…

Hiện nay, với sự phát triển kinh tế xã hội, nhu cầu về nghiên cứu và nhân lực ngành khí tượng, thủy văn, hải dương đang đứng trước những cơ hội phát triển và hội nhập quốc tế. Vấn đề Biến đổi khí hậu và ứng phó trước tình hình biến đổi khí hậu đã được Chính phủ thông qua và duyệt triển khai với ngân sách lớn nhằm cải tạo điều kiện làm việc và đầu tư nghiên cứu. Chiến lược phát triển Kinh  tế biển đã được đề cập trong các Hội nghị Trung ương với gói ngân sách đầu tư nghiên cứu gần 3000 tỷ. Vấn đề Phòng chống thiên tai bão lụt là vấn đề mà Đảng, Nhà nước và nhân dân cùng  quan tâm và đầu tư lớn. Ngoài ra còn có các Chương trình Nước sạch nông thôn và Quy hoạch tài nguyên nước và Kiểm soát môi trường  và Năng lượng sạch ( Thủy điện, Phong điện,,,, ). Đó là cơ hội và thách thức đối với ngành Khí tượng, Thủy văn và Hải dương

Triển vọng nghề nghiệp: Sinh viên các ngành Khí tượng, Thủy văn và Hải dương có nhiều cơ hội làm việc tại các Cơ quan trung ương và địa phương, như Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, Đài Cao không Trung ương, Trung tâm Tư liệu Khí tượng Thủy văn, Các Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực), Tổng cục Biển và Hải đảo, Tổng cục Môi trường, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường, các Trường Đại học và Cao đẳng, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân, Bộ Tư lệnh Hải quân, Viện Quy hoạch thủy lợi, Các công ty khảo sát điện, Viện thiết kế Bộ Giao thông vận tải, Viện Hải dương học, Viện nghiên cứu Hải sản,  các cơ quan truyền thông Trung ương và địa phương, Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các Dự án quốc tế , với nhu cầu hàng năm khoảng 300 người. Các Trung tâm Tin học, Cơ sở, Công ty có nhu cầu ứng dụng nhiều về Công nghệ Thông tin các cơ sở nghiên cứu, đào tạo trong lĩnh vực tin học-tính toán, hoặc được đào tạo tiếp thạc sĩ, tiến sĩ ở trong và ngoài nước.

2. Ngành Công nghệ biển

Nước ta là một quốc gia giàu có về tài nguyên biển với 28/63 tỉnh thành phố có biển nhưng đội ngũ cán bộ về quản lý, khai thác tài nguyên biển còn rất hạn chế và chưa được đào tạo theo một hệ thống. Trước đòi hỏi của đất nước, thực hiện chiến lược biển của Quốc gia và xu thế hội nhập khu vực và Quốc tế, Khoa Khí tượng-Thủy văn-Hải dương, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên được giao nhiệm vụ đào tạo cử nhân ngành Công nghệ Biển từ năm 2008.

Công nghệ biển là lĩnh vực ứng dụng các kiến thức khoa học về môi trường biển và những nguyên lý công nghệ: kỹ thuật xây dựng, cơ kỹ thuật, điện kỹ thuật, v.v... trong phân tích, thiết kế, xây dựng, khai thác và quản lý các hệ thống hoạt động trong môi trường biển và ven bờ. Việt Nam có 28 tỉnh và thành phố tiếp giáp với biển với nhiều công trình, dự án liên quan đến biển, đến cửa sông, nhiều đô thị, khu công nghiệp, công trình, làng nghề ven biển, các hoạt động đánh bắt và nuôi trồng thuỷ hải sản, du lịch biển, giao thông vận tải thủy... cùng các hoạt động kinh tế-xã hội khác liên quan đến biển đang diễn ra hết sức sôi động.

Mục tiêu đào tạo: Trang bị cho sinh viên những kiến thức đại cương về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội. kiến thức cơ bản về toán, vật lý, hóa học, tin học, các văn bản pháp quy, chính sách, kiến thức chủ yếu về khoa học biển, những nguyên lý công nghệ - kỹ thuật xây dựng, cơ kỹ thuật, điện kỹ thuật,... trong phân tích, thiết kế, xây dựng, khai thác và quản lý các hệ thống hoạt động trong môi trường biển, các ký năng làm việc với tư cách nhà chuyên môn tư vấn, phân tích, quy hoạch, xây dựng, khai thác và quản lý các hệ thống công trình, cơ sở hạ tầng kinh tế-kỹ thuật liên quan đến môi trường biển, đủ kiến thức để tự hoàn thiện hoặc được tiếp tục đào tạo thành chuyên gia bậc cao trong lĩnh vực khoa học và công nghệ biển.

Triển vọng nghề nghiệp: Sinh viên tốt nghiệp có đủ năng lực triển khai nghiên cứu khoa học bao gồm các khoa học cơ bản của hải dương học và công nghệ biển cũng như các khoa học ứng dụng của công nghệ biển trong các ngành công nghiệp, xây dựng, ngư nghiệp, giao thông vận tải, bảo vệ môi trường biển v.v... có thể làm việc trực tiếp như một chuyên gia tư vấn, thiết kế, giám sát và quản lý trong từng lĩnh vực khoa học và công nghệ biển theo các chuyên ngành đào tạo: công nghệ bờ biển, công nghệ biển khơi, công nghệ môi trường biển, v.v... thuộc các lĩnh vực kinh tế xã hội, môi trường, đảm bảo anh toàn, an ninh và chủ quyền quốc gia trên biển; các Cơ quan quản lý, nghiên cứu khoa học, tư vấn, thiết kế thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, Viện Khoa học Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các tỉnh, thành phố có biển trong cả nước … hoặc có thể được đào tạo tiếp thạc sĩ, tiến sĩ ở trong và ngoài nước. Nhu cầu nhân lực về Công nghệ biển ở nước ta hàng năm cần hàng 100 cán bộ.

Các chuyên ngành đào tạo:

  • Công nghệ bờ biển nghiên cứu quá trình tương tác động lực giữa biển và bờ biển. bảo vệ bờ và bãi biển, thiết kế cảng biển, đánh giá các hệ quả xây dựng công trình lên môi trường đới bờ,...
  • Công nghệ biển khơi nghiên cứu thiết kế các công trình trong môi trường biển: công trình cố định, di động, công trình dầu khí, công trình dân sự và quân sự, công trình nổi, ngầm,... công nghệ lặn sâu, công nghệ vật liệu, công nghệ hàn trong môi trường biển.
  • Công nghệ môi trường biển nghiên cứu bảo vệ biển và đại dương, khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên biển.

VIII. KHOA MÔI TRƯỜNG  

 

1. Ngành Khoa học Môi trường

Mục tiêu đào tạo: Trang bị cho sinh viên những kiến thức đại cương về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, ngoại ngữ, ngoại ngữ. Đặc biệt là các kiến thức chuyên sâu đa dạng về khoa học môi trường, các kỹ năng quản lý, nghiên cứu và thực hiện các chương trình dự án về môi trường. Những kỹ năng phân tích, đánh giá môi trường các vùng lãnh thổ, sử dụng các công cụ tin học, hệ thông tin địa lý và kỹ thuật viễn thám trong nghiên cứu môi trường, đánh giá tác động môi trường các hoạt động kinh tế xã hội, quy hoạch môi trường, đề xuất các công cụ luật pháp, chính sách và kinh tế cho công tác bảo vệ môi trường.

Triển vọng nghề nghiệp: Cử nhân Khoa học môi trường có đủ năng lực giảng dạy, nghiên cứu, quản lý tại các trường đại học và cao đẳng, các viện và trung tâm nghiên cứu khoa học, các cơ quan quản lý như Bộ tài nguyên-Môi trường, các sở Tài nguyên-Môi trường, các phòng Tài nguyên-Môi trường ở các huyện, các nhà máy xí nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh, các dự án có liên quan tới quản lý, quy hoạch môi trường, các dự án khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên có liên quan đến lĩnh vực môi trường và khai thác tài nguyên hoặc có thể được đào tạo tiếp thạc sĩ, tiến sĩ ở trong và ngoài nước.

Một số hướng nghiên cứu chính: Sinh thái nhân văn, an toàn môi trường và phát triển bền vững; ảnh hưởng của các điều kiện kinh tế xã hội, các tác động của sự thay đổi các điều kiện tự nhiên (đất, nước, không khí,…) đến hệ sinh thái; sinh thái môi trường ứng dụng, chỉ thị sinh học môi trường; cơ chế và động học của các quá trình công nghệ trong xử lý ô nhiễm môi trường; độc chất môi trường, sự tích lũy, các quá trình lan nhiễm, tác động đến môi trường và hệ sinh thái, các biện pháp công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường; Quản lý môi trường, Qui hoạch môi trường, Phân tích đánh giá môi trường và Mô hình hóa môi trường; Ứng dụng viễn thám và GIS trong nghiên cứu môi trường;  Quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên; Qui hoạch sử dụng hợp lý tài nguyên đất, Kiểm soát và xử lý ô nhiễm môi trường đất.

2. Ngành Khoa học đất

Mục tiêu đào tạo: Trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản hiện đại và thực tế ở Việt Nam, kiến thức cơ sở về địa chất, khoáng vật, phân tích các đối tượng đất, nước, phân bón, thực vật. những kỹ năng thông qua nghiên cứu khoa học và thực tập thiên nhiên, phân tích và nhận biết các mối quan hệ trong các quá trình hình thành đất, các loại đất ngoài thực địa và phương pháp đánh giá, tổng hợp các số liệu phân tích. Lý giải mối quan hệ biện chứng giữa các quá trình trong đất - nước - phân bón và cây trồng. Kiến thức chuyên sâu về Khoa học đất và môi trường đất theo hướng sử dụng hợp lý tài nguyên cho sự phát triển nông lâm nghiệp và môi trường trên quan điểm sinh thái học và phát triển bền vững; quy hoạch sử dụng đất đai, đánh giá tác động của các quá trình sử dụng đến tài nguyên và môi trường đất.

Triển vọng nghề nghiệp: Sinh viên tốt nghiệp có đủ năng lực giảng dạy, nghiên cứu khoa học hoặc làm công tác quản lý ở các trường đại học, cao đẳng, các viện và trung tâm nghiên cứu, các bộ, ngành, các sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, sở Tài nguyên và Môi trường, sở Khoa học và Công nghệ; trực tiếp lập các dự án về quản lý và sử dụng đất, đề xuất các biện pháp cải tạo và đánh giá tác động của các hoạt động sản xuất đến môi trường đất-nước, đến các hệ thống nông nghiệp, đặc biệt ở các vùng nhiệt đới và quy hoạch môi trường đất hoặc trực tiếp chỉ đạo sản xuất nông - lâm nghiệp, phát triển nông thôn và quản lý tài nguyên đất, nước. Các lĩnh vực quản lý, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường, hoặc được đào tạo tiếp thạc sĩ, tiến sĩ ở trong và ngoài nước.

Một số hướng nghiên cứu khoa học chủ yếu: Hoá học đất, dinh dưỡng khoáng và cây trồng; Các quá trình thoái hóa đất và biện pháp cải tạo đất thoái hóa: Quá trình sa mạc hóa, phèn hóa, mặn hóa, chua hóa đất... ; ảnh hưởng của các điều kiện kinh tế xã hội, các tác động của sự thay đổi các điều kiện tự nhiên đất, nước, không khí,… ; Xử lý chất thải nông nghiệp, triển khai ứng dụng trong thực tế,… ; sự tích lũy, ô nhiễm đất, các quá trình lan nhiễm, tác động đến môi trường và hệ sinh thái, các biện pháp kiểm soát và xử lý ô nhiễm môi trường đất; Qui hoạch sử dụng hợp lý tài nguyên đất; Ứng dụng viễn thám và GIS trong nghiên cứu và quản lý tài nguyên đất; Hệ thống nông nghiệp, nông nghiệp sinh thái học và sản xuất nông nghiệp bền vững; Sinh thái môi trường đất.

3. Ngành Công nghệ Môi trường

Mục tiêu đào tạo: Trang bị cho sinh viên những kiến thức đại cương về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, kiến thức cơ bản về khoa học môi trường và công nghệ môi trường, kiến thức khoa học cơ bản và khoa học công nghệ có liên quan đến lĩnh vực công nghệ môi trường, nắm vững các kiến thức chuyên sâu và công nghệ xử lý khí thải, nước và nước thải, xử lý đất và chất thải rắn, xử lý chất thải nguy hại. Ngoài ra còn cung cấp cho sinh viên các kiến thức, kỹ năng liên quan như tổng hợp vật liệu xử lý ô nhiễm, phân tích môi trường. khả năng khảo sát, phân tích và đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường; nghiên cứu, xây dựng quy trình công nghệ trong việc xử lý chất thải, giảm thiểu tác động gây ô nhiễm môi trường, bảo vệ, cải tạo môi trường. Nghiên cứu, thiết kế, vận hành và kiểm soát quá trình và các hệ thống kiểm soát, xử lý và tái sử dụng chất thải.

Triển vọng nghề nghiệp: Sinh viên tốt nghiệp có đủ năng lực giảng dạy, nghiên cứu, quản lý tại các trường đại học và cao đẳng, các viện và trung tâm nghiên cứu khoa học, các cơ quan quản lý như Bộ tài nguyên-Môi trường, các sở Tài nguyên-Môi trường của các tỉnh, thành phố, các phòng Tài nguyên-Môi trường ở các huyện, các nhà máy xí nghiệp và khu công nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh có liên quan đến lĩnh vực môi trường và khai thác tài nguyên, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, giữ gìn và cải tạo chất lượng môi trường; hoặc được đào tạo tiếp thạc sĩ, tiến sĩ ở trong và ngoài nước.

Một số hướng nghiên cứu chủ yếu: Công nghệ xử lý nước thải, xử lý nước cấp; Công nghệ xử lý khí thải và ô nhiễm không khí; Công nghệ xử lý chất thải rắn, chon lấp chất thải, xử lý rác thải; Công nghệ xử lý chất thải nguy hại; Sử dụng phương pháp mô hình toán học trong công nghệ môi trường.

  • Website cựu sinh viên