Sáng ngày 06/10/2016, các thế hệ lãnh đạo, cựu giáo chức, giáo chức Trường ĐHKHTN đã cùng gặp gỡ tại hội thảo “Một thời để nhớ”.

Hướng tới kỷ niệm 60 năm truyền thống Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN, sáng ngày 06/10/2016, công đoàn Trường phối hợp với Hội Cựu giáo chức và Hội Cựu chiến binh tổ chức hội thảo “Một thời để nhớ” tại hội trường Ngụy Như Kon Tum – hội trường mang tên Thầy Hiệu trưởng đầu tiên của Trường.

Hội thảo là dịp để các cán bộ, giảng viên, các giáo chức, cựu giáo chức đã và đang công tác tại trường ôn lại những năm tháng hào hùng, những kỷ niệm khó quên trong suốt thời gắn bó, cống hiến gần như toàn bộ, thời gian, sức lực và nhiệt huyết trong sự nghiệp xây dựng và phát triển Nhà trường.

60 năm, một hoa giáp. Với mỗi cá nhân, 60 năm đã là một vòng trần thế. Với Trường Đại học Tổng hợp hôm qua và Trường Đại học Khoa học Tự nhiên hôm nay, 60 năm qua là một thời để nhớ. Tại hội thảo, các cựu giáo chức đã chia sẻ những câu chuyện, những kỉ niệm cháy bỏng về một thời bom đạn, một thời hòa bình. Tất cả như còn đâu đây vương mùi thuốc súng, mùi khói lửa đạn bom; những nhà giáo – chiến sĩ đi vào trận đánh vẫn nhớ về Hà Nội, mơ ngày chiến thắng được trở về làm sinh viên; những câu chuyện mộc mạc, dung dị về những ngày thầy trò đi sơ tán, gian khổ đấy, nhưng mà vui, nhiều kỉ niệm. Từ cái thời chỉ với ngọn đèn dầu, mì mắm, cơm với “canh toàn quốc” thầy trò vẫn miệt mài soạn giáo trình, tự học, tự nghiên cứu nhưng vẫn đạt kết quả tốt, vẫn có những bài báo được đăng trên tạp chí quốc tế; đến những khó khăn trong quá trình xây dựng, phát triển Trường từ buổi đầu sau hòa bình tới một đại học Khoa học Tự nhiên tự tin, sáng tạo và vững bước hội nhập ngày hôm nay. Dường như trong từng câu chuyện kể, mỗi người lại tìm thấy hình bóng mình của một thời hào hùng xưa. Và những câu chuyện đó khiến các thế hệ trẻ hôm nay, những thế hệ học trò mai sau đủ hình dung vì sao Trường Đại học Khoa học Tự nhiên hôm nay xứng đáng với danh hiệu Anh hùng.

Một số hình ảnh tại buổi hội thảo:

GS.TS. Phan Văn Hạp – Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội chia sẻ những khó khăn, thuận lợi trong giai đoạn xây dựng Trường thuở ban đầu. Nhu cầu cán bộ sau hòa bình (1954) tăng đột biến, từ giáo viên THPT đến cán bộ nghiên cứu ở các viện mới thành lập. Xây dựng  đội ngũ cán bộ giảng dạy là yêu cầu cấp bách và nặng nề đối với Trường, trong khi lực lượng chủ chốt đang rất mỏng. Việc giảng dạy và học tập của thầy và trò trong tình trạng “cơm chấm cơm” như cách nói hình ảnh của Cố GS Lê Văn Thiêm – người phụ trách chuyên môn chủ chốt trong lãnh đạo Nhà trường.

GS.TS. Lâm Ngọc Thiềm – Giảng viên cao cấp Khoa Hóa học, một nhà giáo - chiến sĩ, pháo thủ số 3 tham gia trận đánh lịch sử “Điện Biên Phủ trên không”

Là một trong hai tiến sĩ, giảng viên (cùng với TS Ngô Huy Cẩn) ra mặt trận, GS.TS. Lâm Ngọc Thiềm tâm niệm: “Để làm một người chiến sĩ, đời tôi chỉ có một mà thôi. Nhưng để trở thành một tiến sĩ hay cao hơn, chúng ta có thể làm được nhiều lần. Thời gian quý vô cùng và tôi thật vinh dự được là nhà giáo – chiến sĩ chống Mỹ cứu nước”. GS chia sẻ: Chiến tranh đã qua đi, tôi – thầy giáo – chiến sĩ đã trở lại bục giảng, gắn bó với bảng đen, phấn trắng với một tư thế vững vàng hơn. Tôi đã thật sự yêu nghề, say nghề và dồn hết tâm huyết của mình cho nghề. Tôi hi vọng và tin rằng lớp trí thức trẻ hôm nay sẽ làm nên “Điện Biên Phủ trí tuệ Việt Nam” trong khoa học.

PGS.TS. Bùi Duy Cam – Nguyên Hiệu trưởng Trường ĐHKHTN với tham luận “Giai đoạn đầu trong quá trình phát triển của hệ đào tạo cử nhân khoa học tài năng ở Trường ĐHKHTN”

PGS.TS. Trần Huy Hổ với tham luận “Từ Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, một thời để nhớ đến Trường ĐHKHTN, ĐHQGHN tự tin, sáng tạo, vững bước hội nhập”.

(HUS Media)