Sáng ngày 15/12/2015, Chương trình “Theo dấu chân Chủ tịch Caysone Phomvihane” do Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Trung ương Hội Hữu nghị Lào – Việt tổ chức dừng chân tại Trường ĐHKHTN, ĐHQGHN.

Sáng ngày 15/12/2015, tại Hội trường Ngụy Như Kon Tum, 19 Lê Thánh Tông, Trường ĐHKHTN, ĐHQGHN long trọng đón tiếp đoàn đại biểu đến từ Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Trung ương Hội Hữu nghị Lào – Việt trong Chương trình “Theo dấu chân Chủ tịch Caysone Phomvihane”.

Tới dự buổi lễ có TS Vilayvong Boutdakham – Bí thư thứ Nhất Trung ương Đoàn Thanh niên nhân dân Cách mạng Lào, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Hữu nghị Lào – Việt; đồng chí Tạ Minh Châu - Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt – Lào, Nguyên Phó Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng; PGS.TS Nguyễn Kim Sơn – Phó Giám đốc ĐHQGHN; Ban Giám hiệu Trường ĐHKHTN cùng Đoàn thanh niên, HSV, đại diện các phòng ban chức năng cùng sinh viên, lưu học sinh Lào đang học tập và nghiên cứu tại Trường ĐHKHTN.

Con trai Chủ tịch Caysone Phomvihane (ngoài cùng bên phải)

Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng thân thiết, núi liền núi, sông liền sông. Nhân dân hai nước có mối quan hệ hữu nghị truyền thống, gắn bó từ lâu đời và ngày càng phát triển. Chương trình “Theo dấu chân Chủ tịch Caysone Phomvihane” tại điểm dừng chân 19 Lê Thánh Tông - nơi xưa kia Chủ tịch Caysone Phomvihane đã có thời gian học tập và rèn luyện là một sáng kiến hay để thế hệ trẻ hai nước có cơ hội tìm hiểu và lưu giữ những giá trị tốt đẹp đó.

Năm 1935, Chủ tịch Caysone Phomvihane lấy tên là Nguyễn Trí Mưu rời thành phố Savannakhet lên đường đi Hà Nội để dự thi vào Trường trung học Bảo hộ (Collège du Protectorat à Hanoi - tức Trường Bưởi theo cách gọi thông thường của người dân Việt Nam thời đó). Tại đây, đồng chí giác ngộ cách mạng theo đường lối của Đảng Cộng sản Đông Dương. Là một trí thức yêu nước, có tâm huyết với nhân dân các bộ tộc Lào, đồng chí luôn phấn đấu không mệt mỏi vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc; đã cống hiến sức lực, trí tuệ, tài năng vào việc lãnh đạo và chỉ huy các lực lượng vũ trang đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Năm 1943, sau khi hoàn thành xuất sắc khóa học và tốt nghiệp tú tài tại trường Trung học Bảo hộ, Chủ tịch Caysone Phomvihane tiếp tục theo học tại Trường Đại học Luật - École Supérieur des Droits với tiền thân là “Đông Dương cao đẳng học viện” (École Hautes Études Indochinoises), trụ sở ở phố Lê Thánh Tông, Hà Nội - lúc đó gọi là đại lộ Bôbilô (Boulevard Bobillot). Chính vì vậy, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, số 19 Lê Thánh Tông, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội được chọn là điểm dừng chân của Chương trình “Theo dấu chân Chủ tịch Caysone Phomvihane” tại Việt Nam.

Trong thời gian “anh sinh viên” Caysone Phomvihane theo học tại Trường Đại học Luật thì tình hình chính trị tại Đông Dương có nhiều diễn biến phức tạp. Ngay tại Trường Đại học Luật cũng đã nảy sinh nhiều xu hướng chính trị khác nhau. Tư tưởng cách mạng đã thâm nhập trong sinh viên của Trường, làm nảy sinh những cuộc tranh luận bí mật về thời cuộc.

Với những cống hiến và tinh thần cách mạng sôi sục, năm 1944 Hội Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu (tức thành Hà Nội) quyết định kết nạp anh vào hội. Và cũng tại nơi đây, sau một thời gian sinh hoạt và hăng hái tham gia vào cuộc vận động “thanh niên, học sinh đấu tranh chống thực dân Pháp, Nhật”, Chủ tịch Caysone Phomvihane đã có bài diễn thuyết đòi quyền dân chủ và quyền sống cho người Lào trước hàng trăm sinh viên để lại tiếng vang lớn.

Chủ tịch Caysone Phomvihane có nhiều đóng góp quan trọng trong việc sáng lập Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, trong việc xây dựng nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Là một trong những nhà hoạt động quốc tế tích cực của Đảng và Nhà nước Lào, đồng chí luôn nêu cao tinh thần quốc tế trong sáng, đóng góp nhiệt tình vào sự nghiệp hòa bình, hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia, nhất là các quốc gia trong khu vực.

Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS Nguyễn Văn Nội – Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên nhấn mạnh, với bề dày truyền thống trong công tác giảng dạy và nghiên cứu được xây dựng từ nền móng sơ khai của “Đông Dương Cao đẳng học viện”, chúng tôi vô cùng tự hào khi lịch sử thành lập Đại học Quốc gia Hà Nội cũng là một phần trên con đường tôi luyện lên một trong những cá nhân kiệt xuất với nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới nói chung và nhân dân Lào nói riêng.

Chương trình “Theo dấu chân Chủ tịch Caysone Phomvihane” đã giúp tô thắm thêm tình đoàn kết, hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào.

Một số tiết mục văn nghệ chào mừng sự kiện do các bạn sinh viên Trường ĐHKHTN và các bạn lưu học sinh Lào đang học tập và nghiên cứu tại Trường ĐHKHTN biểu diễn:

(HUS Media)