Sáng ngày 08/4/2019, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHKHTN), ĐHQGHN đã tổ chức Talk show về sáng tạo khởi nghiệp với chủ đề “Impossible is nothing - Finnish ecosystem & Innovation”.

Đây là lần đầu tiên, ông Peter Vesterbacka -  nhà sáng lập thương hiệu Rovio và trò chơi nổi tiếng toàn cầu Angry Birds – tới Việt Nam và trực tiếp nói chuyện với học sinh, sinh viên Nhà trường. Ông Peter Vesterbacka còn được biết đến với vai trò là doanh nhân khởi nghiệp, nhà sáng tạo người Phần Lan, nhà sáng lập ra sự kiện công nghệ và khởi nghiệp lớn nhất hành tinh Slush.

Talk show thu hút gần 280 học sinh, sinh viên đến tham dự đã cho thấy sự quan tâm

Tham dự sự kiện có ông Kari Kahiluoto – Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam, đại diện các trường đại học về lĩnh vực khoa học công nghệ nổi tiếng của Phần Lan cùng các sinh viên sáng lập công ty Kanvas. Về phía Trường ĐHKHTN có GS. TS. Nguyễn Văn Nội – Hiệu trưởng Nhà trường, PGS. TS. Nguyễn Tiền Giang – Phó Hiệu trưởng Nhà trường  cùng đại diện lãnh đạo các phòng ban. Rất đông học sinh, sinh viên tới tham dự buổi Talk show, cho thấy sức hút của chương trình và mối quan tâm của các bạn trẻ tới khoa học, công nghệ, sáng tạo và khởi nghiệp.

Các đại biểu, khách mời đến từ Phần Lan

Tại đây, Hiệu trưởng Nguyễn Văn Nội nhấn mạnh: “Qua sự kiện, Trường ĐHKHTN muốn chia sẻ mối quan tâm tới sự nghiệp đổi mới và khởi nghiệp tại Việt Nam và cho sinh viên thấy rằng khoa học cơ bản có thể trở thành ứng dụng nếu chúng ta có tài năng và cam kết cống hiến”. Hiệu trưởng thay mặt Nhà trường gửi lời cảm ơn tới Đại sứ quán Phần Lan, ông Vesterbacka và cộng sự đã cùng mang đến cho sinh viên Việt Nam những trải nghiệm quý giá.

Đại diện Đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam, ông Kari Kahiluoto cho biết: “Hợp tác giáo dục và đổi mới sáng tạo đóng vai trò quan trọng trong mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Chúng tôi lấy làm vinh dự và tự hào khi được chung tay xây dựng phong trào khởi nghiệp tại Việt Nam”.

Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam phát biểu

Trong một giờ đồng hồ, ông Peter Vesterbacka đã chia sẻ tới sinh viên những kinh nghiệm về khởi nghiệp, sáng tạo của bản thân và về hệ sinh thái Phần Lan.

“Không gì là không thể”

Là chuyên gia khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ trên nền tảng di động, ông Peter Vesterbacka kể về hành trình khởi nghiệp của mình từ năm 1999 đến nay. Trong đó, đa số thành công đều bắt nguồn từ những ý tưởng nhỏ, trải qua thời gian dài với nhiều thất bại mới đạt được thành công. Ông lấy ví dụ từ trò chơi Angry Birds – game thứ 52 của công ty Rovio, xuất phát điểm chỉ là ý tưởng ông nói với nhóm 12 người cộng sự. Nhóm cộng sự cho rằng mục tiêu trăm triệu lượt tải mà ông đặt ra là điều không thể. Nhưng họ đã làm được! Hai năm sau, Angry Birds trở thành trò chơi được tải nhiều nhất trên iphone và tạo nên cơn sốt toàn cầu những năm 2011-2013.

“Cha đẻ” của Angry Birds truyền cảm hứng tới các sinh viên đam mê khoa học và công nghệ

Với Slush cũng vậy,  ông đặt ra mục tiêu biến Slush thành sự kiện khởi nghiệp và công nghệ lớn nhất hành tinh, vượt cả Silicon Valley và chưa từng có trên thế giới. Sự kiện đầu tiên bắt đầu từ năm 2008 với khởi điểm chỉ 300 người tham gia. Những năm sau đó, mỗi sự kiện đã thu hút hơn 15.000 người tham gia và tạo hiệu ứng lan rộng sang các cường quốc hàng đầu về công nghệ như: Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore và được đánh giá rất cao.

Từ câu chuyện của chính mình, ông Peter đúc kết: “Không gì là không thể! Hãy khởi động từ những ý tưởng nhỏ, chia sẻ với cộng sự để cùng hoàn thiện, đặt ra mục tiêu và kiên trì theo đuổi”.

“Hãy trao quyền cho những người trẻ”

Giờ đây, Slush là một trong những sự kiện công nghệ có quy mô lớn nhất hành tinh. Nó được tổ chức và vận hành bởi 100% tình nguyện viên trẻ đến từ hơn 60 quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Từ đó, ông Peter nhấn mạnh: “Việc trao quyền để sinh viên thực hiện dự án là vô cùng quan trọng”. Ông cho rằng, không chỉ tại Phần Lan mà ở cả Việt Nam, sự giúp đỡ từ chính phủ là điều trọng yếu, còn khi tiến hành triển khai thực sự, chúng ta cần người trẻ. Người trẻ có thể sai, nhưng mỗi lần vấp ngã là một bài học quý giá, miễn là đừng lặp lại nó.

Theo Peter, năm 2003, ba gương mặt sinh viên trẻ tại Helsinki đã giành chiến thắng cuộc thi thiết kế game do ông tổ chức. “Họ trẻ như các bạn, họ làm được thì bạn làm được, vấn đề ở chỗ bạn làm việc chăm chỉ đến đâu”, ông Peter khẳng định. Quan trọng là “chúng ta cần tạo ra cái gì đó có giá trị của riêng mình, bạn không thể tồn tại nếu như cứ đi sao chép người khác”. Thông điệp này của người sáng lập ra Rovio nhận được sự hưởng ứng của đông đảo sinh viên trong hội trường.

Ông Peter Vesterbacka đưa ra những lời khuyên bổ ích

Buổi talk show và hơn thế nữa

Đi cùng với ông Peter trong chuyến thăm Việt Nam lần này, có hai sinh viên Phần Lan là các nhà sáng lập Công ty Kanvas. Hai chàng trai trẻ đã tiếp thêm động lực cho sinh viên về khởi nghiệp. Emil Oksanen chia sẻ: “Những kỹ năng bạn có được trong quá trình đó không trường học hay sách vở nào có thể dạy bạn”. Không chỉ những chia sẻ bổ ích, họ còn mang đến cho sinh viên Việt Nam những suất trại hè thực tế để cải thiện kỹ năng, cũng như cơ hội làm việc tại Kanvas.

Hai sinh viên Tapio Rajahalme và Emil Oksanen (Trường ĐH Vaasa) hiện đang điều hành dự án khởi nghiệp Kanvas tại Ấn Độ

Peter và các cộng sự nhận được rất nhiều câu hỏi từ phía khán giả. Trả lời câu hỏi của một bạn sinh viên “làm thế nào để khởi nghiệp thành công”, Peter nhấn mạnh vai trò của thực hành trong giáo dục, ông không khuyến khích việc học sinh có quá nhiều bài tập về nhà, thời gian học trên lớp dài và thường xuyên kiểm tra. Peter khuyên các trường đại học nên áp dụng phương pháp “learning by doing” – “học qua thực hành” và mô hình giáo dục “3E: education, entrepreneur, entertainment” – “giáo dục, khởi nghiệp, giải trí”. Điều đó đồng nghĩa với việc học sinh có thể dành nhiều thời gian khám phá, trải nghiệm các hoạt động bên ngoài, các dự án, đam mê, ... thậm chí là chơi game. Khởi nghiệp cũng là một cách để các bạn trẻ làm nhiều hơn, chịu trách nhiệm nhiều hơn và thành công sẽ đến sớm hơn.

Khán giả chăm chú lắng nghe phần diễn thuyết của diễn giả

Sau talk show, bạn Đào Lê Dũng – sinh viên năm ba Khoa Toán – Cơ – Tin học đã dành nhiều thời gian để trao đổi với hai nhà sáng lập Kanvas. Lê Dũng bày tỏ: “Những chia sẻ của anh Peter rất thú vị. Bọn em luôn mong chờ cơ hội giao lưu với một nhà sáng lập đến từ Phần Lan vì đó là một đất nước có nền giáo dục hàng đầu. Em đã học hỏi được rất nhiều từ hai anh sáng lập công ty Kanvas về kỹ năng phân chia công việc, làm việc nhóm và khả năng chia sẻ kinh nghiệm từ người đã biết sang người chưa biết”.

Các khách mời giải đáp các thắc mắc cho các sinh viên và giới thiệu về cơ hội tuyển dụng tại công ty Kanvas

Sự kiện không chỉ gây sự chú ý tới sinh viên trong trường mà còn thu hút sinh viên các trường đại học khác tới tham dự. Từ những ý tưởng khởi nghiệp đang ấp ủ, Phạm Xuân Thành – sinh viên Trường ĐH Công nghệ đến tìm nguồn cảm hứng từ những nhà sáng lập danh tiếng. Thành cho biết ông Peter đã truyền cảm hứng để em quyết tâm bắt tay vào thực hiện hóa giấc mơ của mình: “Bài học lớn nhất hôm nay em học được là sự kiên trì, nhẫn nại và việc học tập qua thực hành”. Chia sẻ và dự án khởi nghiệp của mình, Thành cho biết: “Em và nhóm bạn đang xây dựng hệ thống “review” đồ ăn dành cho các bạn vừa học vừa làm. Dựa trên bài học của ông Peter, em đã có định hướng trong cách kết nối với khách hàng và thiết lập cơ sở hạ tầng tại Việt Nam”.

Diễn giả Peter giao lưu cùng các người tham dự

Chương trình kết thúc trong không khí vui vẻ, cởi mở. Học sinh, sinh viên có cơ hội trực tiếp giao lưu, trò chuyện và chụp ảnh lưu niệm với các diễn giả và khách mời. Không chỉ các sinh viên cảm thấy thích thú với màn diễn thuyết của ông Peter mà lãnh đạo Nhà trường cũng rất ủng hộ những quan điểm về kết nối giáo dục và khởi nghiệp của ông. Hơn 2 năm nay, Trường ĐHKHTN đã phát triển văn phòng hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp và luôn sẵn sàng tạo mọi điều kiện có thể nhằm khích lệ sinh viên tự tin sáng tạo và khởi nghiệp.

Hiệu trưởng Nhà trường chụp ảnh và trao quà lưu niệm