Đại diện hơn 20 doanh nghiệp lớn hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) đã tìm đến Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, trực tiếp trao đổi với sinh viên về nhu cầu nhân lực cho thị trường Nhật Bản.

Hội thảo “Nhu cầu nhân lực công nghệ thông tin cho thị trường Nhật Bản” do Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHKHTN) và doanh nghiệp phối hợp tổ chức, thu hút hơn 400 học sinh, sinh viên trong và ngoài Trường tham dự.

Doanh nghiệp đến đại học “săn” nhân lực IT cho thị trường Nhật
Hội thảo thu hút đông đảo học sinh, sinh viên

Cơ hội dành cho nhân lực CNTT tại Nhật là vô tận

Không chỉ doanh nghiệp Nhật Bản, mà ngay cả các doanh nghiệp Việt Nam cung cấp dịch vụ, giải pháp, phần mềm cho Nhật Bản cũng cần một lượng lớn nhân lực CNTT. Tham dự Hội thảo, các doanh nghiệp này đã tích cực những thông tin cụ thể về cơ hội và thách thức dành cho sinh viên CNTT tại thị trường Nhật Bản. Doanh nghiệp và sinh viên đã trao đổi về các định hướng công nghệ, tiêu chí nhân sự IT và những sự chuẩn bị cần thiết để bước vào thị trường sôi động, hấp dẫn và không kém phần thách thức này.

Doanh nghiệp đến đại học “săn” nhân lực IT cho thị trường Nhật
Ông Shizuya Yamada – Giám đốc Công ty Chainos Nhật Bản

Về tình hình thị trường CNTT của Nhật Bản, ông Shizuya Yamada – Giám đốc Công ty Chainos Nhật Bản cho hay: “Trước đây, chỉ cần kĩ năng lập trình là có thể làm việc với công ty của Nhật. Tuy nhiên, các công nghệ mới đang ngày càng phổ biến. Đồng thời, Nhật đang thiếu nguồn nhân lực trầm trọng, dự đoán thiếu khoảng 50.000 nhân lực chất lượng cao và khoảng 400.000 người toàn ngành CNTT. Chúng tôi rất cần những bạn trẻ có thể sử dụng công nghệ mới để sáng tạo các business mới vì điều này rất cần thiết”. Hiện Chainos và các doanh nghiệp đang phối hợp với Khoa Toán – Cơ – Tin học mở các lớp học tiếng Nhật miễn phí tại Trường ĐHKHTN và luôn có nhiều cơ hội việc làm dành cho sinh viên.

“Cơ hội dành cho các em là vô tận tại thị trường Nhật Bản, nhất là những bạn biết tiếng Nhật, vững kiến thức, kỹ năng và thái độ làm việc nghiêm túc”, ông Lã Tiến Thành đến từ FPT Software chia sẻ. “4 lĩnh vực chính mà FPT Software tập trung nghiên cứu phát triển là Data Analytics, IoT, AI và Security”, ông Lã Tiến Thành cho biết thêm.

Bà Nguyễn Mỹ Hạnh, Trưởng Phòng Nhân sự Công ty Sun-Asterisk (Công ty Framgia cũ) cũng khẳng định: “Thị trường CNTT Nhật Bản là 1 mảnh đất màu mỡ cho các bạn sinh viên IT hiện nay”.

Nói rõ hơn về điều này, ông Phạm Quang Huy, Công ty Cổ phần Aimesoft cho biết, thị trường Nhật Bản đang có nhu cầu rất lớn về nhân lực CNTT. Do Nhật Bản đang thiếu lao động nên đặt ra nhiều bài toán về tự động hoá, học máy, AI hay và thú vị. Tuy nhiên đây cũng là một thị trường vô cùng khó tính, đòi hỏi sự tỉ mỉ, thông minh.

Doanh nghiệp đến đại học “săn” nhân lực IT cho thị trường Nhật

Cùng với Sun-Asterisk, Aimesoft, đại diện các doanh nghiệp khác như Talenta, JVB Việt Nam, Chainos Solution, Koei Tecmo, Rikkeisoft, VietIS Software Corporation, FPT Software, Bac Ha Software, BOOT.AI, 2NF,... đã góp mặt tại Hội thảo định hướng và tìm kiếm nhân sự IT này.

Hiện nay, nhân sự CNTT có nhiều cơ hội việc làm trong thị trường Nhật Bản như kỹ sư cầu nối, quản trị dự án, trưởng nhóm hay lập trình viên,… Bên cạnh thu nhập cao, nhiều cơ hội thăng tiến, nhân sự có kinh nghiệm làm việc trong các doanh nghiệp Nhật Bản hoặc với khách hàng Nhật Bản được thị trường lao động được đánh giá cao do trải qua quá trình lựa chọn kỹ lưỡng, được đào tạo và làm việc trong môi trường khắt khe và chuẩn mực. 

Năm 2018, tại Ngày Công nghệ thông tin Nhật Bản (Japan ICT Day) lần thứ 12, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) cho biết, dự báo đến năm 2020, Nhật Bản sẽ thiếu 369.000 kỹ sư CNTT. Con số này có thể tăng lên mức 789.000 vào năm 2030. Theo METI, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tại các doanh nghiệp Nhật mới chỉ có 1,9%, tuy nhiên, nhu cầu của Nhật Bản về công nghệ mới nổi như Internet of Things (IoT), Công nghệ Robot (Robotics), xe tự hành… đang tăng lên rất nhanh.

Nhà trường là cầu nối nhân lực với thị trường lao động

Tại Hội thảo, ngoài thông tin về thị trường CNTT của Nhật Bản, đại diện các doanh nghiệp trực tiếp tư vấn để sinh viên có sự chuẩn bị tốt nhất cho tương lai. Đại diện Công ty Cổ phần Aimesoft nhấn mạnh: “Nếu các bạn yêu thích làm việc với sự cẩn thận, tỉ mỉ và muốn tìm tòi giải quyết các bài toán hay và khó thì hãy cùng chúng tôi bắt đầu ngay hôm nay với thị trường CNTT Nhật Bản!”.

Doanh nghiệp đến đại học “săn” nhân lực IT cho thị trường Nhật
Ông Lã Tiến Thành, đại diện FPT Software chia sẻ

Có hơn 14 năm kinh nghiệm làm việc với thị trường Nhật Bản, ông Lã Tiến Thành nhắn nhủ: “Ngay từ bây giờ hãy tích lũy kiến thức nền tảng đang được học tại trường, đây là nền tảng rất bền vững giúp các em phát huy tối đa năng lực của mình trong tương lai”.

Gần đây, TS. Nguyễn Tuấn Đức - Trưởng đại diện Alt Việt Nam đánh giá, sinh viên của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên có nền tảng Toán học và Xác suất thống kê tốt, chính là điều kiện thuận lợi để theo đuổi lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo. “Tôi được biết Trường đã mở Phòng nghiên cứu Khoa học dữ liệu để đào tạo chuyên sâu về Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo. Với những điều kiện và lợi thế như vậy, tôi tin rằng các bạn sinh viên của Trường ĐHKHTN sẽ trở thành những người đi đầu trong nghiên cứu và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam”, Trưởng đại diện Alt Việt Nam khẳng định.

Doanh nghiệp đến đại học “săn” nhân lực IT cho thị trường Nhật
Doanh nghiệp chào đón sinh viên Trường ĐHKHTN tới trao đổi và tìm kiếm cơ hội phát triển nghề nghiệp

Đáp lại sự tin tưởng của doanh nghiệp, Khoa Toán – Cơ – Tin học nói riêng và Trường ĐHKHTN nói chung không ngừng tăng cường kết nối và coi trọng tư vấn, nhu cầu của doanh nghiệp. GS.TS. Nguyễn Văn Nội – Hiệu trưởng Trường ĐHKHTN khẳng định, thế lực ảnh hưởng mạnh nhất đến chiến lược phát triển đào tạo chính là lực lượng sử dụng lao động. Nhu cầu của thị trường sẽ giúp Trường kiến tạo các chương trình đào tạo để tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng được công việc ngay sau khi ra trường.

Giáo sư cho biết, gắn kết nhà trường với thị trường lao động không chỉ là chủ đề của Hội thảo mà còn là định hướng của Trường ĐHKHTN. nhà trường sẽ mở rộng Hội thảo nhu cầu nhân lực trong các lĩnh vực đào tạo khác như Hóa học, Khoa học vật liệu, Sinh học, Môi trường,… để định hướng đào tạo tốt hơn trong thời gian tới.

Doanh nghiệp đến đại học “săn” nhân lực IT cho thị trường Nhật
TS. Trần Mạnh Cường, Trưởng Khoa Toán – Cơ – Tin học

TS. Trần Mạnh Cường, Trưởng Khoa Toán – Cơ – Tin học, đơn vị đào tạo nhân lực CNTT của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên cho biết: “Thị trường Nhật Bản là một thị trường hấp dẫn song cũng đầy thách thức cho sinh viên ngành CNTT. Hội thảo là cơ hội tốt để sinh viên và Nhà trường biết được cần phải chuẩn bị những gì để đáp ứng và cạnh tranh tốt trong thị trường này. Cũng trong Hội thảo này nhiều hợp tác trong việc đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực trình độ cao trong lĩnh vực CNTT giữa Nhà trường và doanh nghiệp đã được ký kết”.

Về chất lượng đào tạo nhân lực CNTT, TS. Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Trưởng Khoa Toán – Cơ – Tin học tin tưởng: “Sinh viên Khoa Toán – Cơ – Tin học đã tốt nghiệp đều đủ khả năng làm việc sớm ở doanh nghiệp. Bởi lẽ, mỗi sinh viên đều được hưởng các sự “chăm sóc” tới từng cá nhân trong quá trình học”.

Tuyển sinh có giới hạn số lượng vừa đủ; nâng cao chất lượng đầu vào; chú trọng chất lượng đào tạo, thực hành, tạo điều kiện cho sinh viên thực tập thực tế từ sớm, tham gia nghiên cứu cùng thầy cô giải quyết các bài toán do doanh nghiệp đặt hàng; tăng cường kết nối với doanh nghiệp và chặt chẽ đầu ra là những giải pháp được Khoa Toán - Cơ - Tin học sử dụng để mỗi cử nhân ra trường có thể tự tin đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp, không chỉ trong nước mà cả ở nước ngoài, nhất là thị trường có yêu cầu lẫn nhu cầu cao như Nhật Bản.