Với tổng số tiền đầu tư hơn 40 tỷ đồng, Tiểu dự án “Hiện đại hóa hệ thống quan trắc và mô phỏng/dự báo các điều kiện khí tượng hải văn - môi trường biển và đới ven bờ độ phân giải cao phục vụ khai thác bền vững tài nguyên biển và giảm thiểu rủi ro thiên tai” đã hoàn thành sau hơn 2 năm triển khai. Hội thảo tổng kết Tiểu dự án diễn ra vào ngày 30/8/2019 tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHKHTN).

Description: C:\HUS2019\8.2019\30.8.FIRST-CEFD\anh3.jpg

Toàn cảnh Hội thảo

Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo ĐHQGHN; đại diện Ngân hàng Thế giới (World Bank-WB), Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Ban quản lý Dự án FIRST; đại diện lãnh đạo Trường ĐHKHTN và các đơn vị trực thuộc. Hội thảo còn có sự tham dự của đại diện lãnh đạo các địa phương, các cơ quan nghiên cứu, quản lý tại Hà Nội, các đối tác cung cấp thiết bị trong Tiểu dự án,...

Description: C:\HUS2019\8.2019\30.8.FIRST-CEFD\2.jpg

PGS.TS. Nguyễn Tiền Giang - Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHTN cho biết, Tiểu dự án giúp Trường có thể đào tạo gắn liền với ứng dụng thực tiễn cho sinh viên

Tiểu dự án được giao cho Trung tâm Động lực học Thủy khí Môi trường (CEFD), Trường ĐHKHTN chủ trì triển khai sau quá trình đấu thầu minh bạch, công khai và cạnh tranh cao. Tiểu dự án này thuộc Dự án “Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu, khoa học và công nghệ” (FIRST) - dự án đầu tiên do WB tài trợ cho hoạt động khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. 

Description: C:\HUS2019\8.2019\30.8.FIRST-CEFD\anh5.jpg

Ông Dilip Parajuli, đại diện WB chia sẻ, sau khi kết thúc vào tháng 12, dự án sẽ có nhiều sản phẩm đầu ra. Các sản phẩm này không chỉ phục vụ cho ứng phó với BĐKH mà còn có thể sử dụng cho các đối tượng thuộc nhiều lĩnh vực, đặc biệt có thể hỗ trợ dự báo tốt hơn với người nông dân

Những ý nghĩa quan trọng đối với cộng đồng và chính quyền địa phương do Tiểu dự án đem lại bao gồm:

Hệ thống quan trắc toàn diện sẽ đảm bảo cung cấp những số liệu đầy đủ và tin cậy nhất phục vụ các mục tiêu lâu dài về an ninh, giám sát biển. Xây dựng được hệ thống mô hình tích hợp khí tượng, hải dương và môi trường biển nhằm phát triển năng lực dự báo, cảnh báo và cung cấp thông tin thiên tai kịp thời, độ phân giải cao, đủ tin cậy phục vụ phát triển kinh tế biển, kinh tế - xã hội và giảm thiểu thiệt hại trên các vùng biển, ven biển và trên các đảo. 

Description: C:\HUS2019\8.2019\30.8.FIRST-CEFD\anh6.jpg

Ông Lương Văn Thắng - Giám đốc Ban quản lý Dự án FIRST khẳng định CEFD trúng thầu Tiểu dự án không phải bởi “may mắn” mà bởi những thế mạnh của Trung tâm

Tiểu dự án cũng tăng cường năng lực về hạ tầng công nghệ thông tin chuyên biệt phục vụ nghiên cứu và dự báo bao gồm việc trang bị các thiết bị lưu trữ và tính toán hiệu năng cao nhằm rút ngắn thời gian tính toán và cho phép mô phỏng với độ phân giải cao, đáp ứng yêu cầu cung cấp kịp thời các cảnh báo/dự báo thời gian thực của các tổ chức, cá nhân và cộng đồng.

Description: C:\HUS2019\8.2019\30.8.FIRST-CEFD\anh7.jpg

PGS.TS. Nguyễn Ngọc Anh, Giám đốc CEFD, Giám đốc Tiểu dự án đánh giá tiềm năng thương mại hóa cao từ các sản phẩm của Tiểu dự án như: cung cấp các sản phẩm giá trị gia tăng về dự báo sóng, dòng chảy, điều kiện môi trường, dự báo vật thể trôi phục vụ tìm kiếm cứu nạn; thương mại hóa ngân hàng dữ liệu khí tượng, thủy văn và hải văn; cung cấp các dịch vụ thời gian thực; khảo sát các yếu tố hải văn phục vụ các dự án điện gió; đưa ra các sản phẩm dự báo thủy hải văn kịp thời, chính xác; xây dựng và triển khai các công nghệ quản lý, khai thác bền vững tài nguyên và môi trường biển (tính toán và dự báo các thông số địa – thủy động lực công trình, hệ sinh thái, môi trường biển và cửa sông, đánh bắt hải sản….)

Nhờ triển khai Tiểu dự án này, Trung tâm CEFD trở thành một trong những đơn vị có hệ thống thiết bị quan trắc hiện trường các yếu tố thủy động lực và môi trường biển, khu vực ven bờ hiện đại nhất Việt Nam, phục vụ tốt hơn cho công tác điều tra cơ bản, dự báo thiên tai và khai thác tài nguyên biển và hải đảo. Bởi lẽ, Tiểu dự án đã trang bị cho Trung tâm các máy móc thiết bị quan trắc sóng, gió và dòng chảy theo diện (radar VHF WERA), theo điểm (thiết bị AWAC) và theo mặt cắt (thiết bị Yoda Profiler) có độ phân giải cao, có thể hoạt động trong các điều kiện thời tiết bất lợi. Trong đó radar VHF WERA là một trong những thiết bị hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á.

Description: C:\HUS2019\8.2019\30.8.FIRST-CEFD\anh8.jpg

PGS.TS. Nguyễn Minh Huấn cho biết hệ thống máy tính hiệu năng cao giúp các nhà khoa học trẻ phát triển các nghiên cứu theo hướng đáp ứng nhu cầu thực tiễn của thị trường

Bên cạnh đó, các khóa đào tạo tại hiện trường và đào tạo chuyên sâu ngắn hạn đã giúp nâng cao năng lực của cán bộ Trung tâm, giúp CEFD đủ khả năng làm chủ công nghệ quan trắc hiện đại, xử lý dữ liệu và hệ thống mô hình tích hợp mô phỏng/dự báo.

Description: C:\HUS2019\8.2019\30.8.FIRST-CEFD\anh9.jpg

Lễ Khánh thành Hệ thống thiết bị quan trắc Radar và Phòng máy tính hiệu năng cao thuộc Tiểu dự án đã diễn ra ngay sau Hội thảo

Đặc biệt, Tiểu dự án hình thành hệ thống cung cấp và thương mại hóa các sản phẩm quan trắc, mô phỏng và dự báo khí tượng thủy văn biển chất lượng cao, hướng đến tăng tỷ trọng doanh thu từ các người sử dụng đầu cuối góp phần tái đầu tư vào cơ sở vật chất và nguồn nhân lực, phục vụ phát triển Trung tâm ổn định và bền vững. 

Các thiết bị và công nghệ FIRST đã tài trợ:

Hệ thống radar di động ven bờ quan trắc sóng và dòng chảy biển độ phân giải cao (300mx300m) có tầm quét từ 30-200km: đây là hệ thống tiên tiến và hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á cho đến thời điểm này. Hệ thống này còn đi kèm các thiết bị quan trắc theo điểm và theo mặt cắt các yếu tố thủy động lực và môi trường biển, hỗ trợ cho việc bù đắp các khoảng trống về số liệu ven bờ có độ phân giải cao phục vụ các hoạt động kinh tế, phòng chống thiên tai và an ninh quốc phòng.

+ Hệ thống máy tính hiệu năng cao, có tổng năng lực tính toán khoảng 25 Teraflop, được xem là hệ thống mạnh nhất trong các đơn vị nghiên cứu về Khí tượng thủy văn và BĐKH (chỉ đứng sau hệ thống đã được WB đầu tư tại Tổng cục KTTV). Hệ thống này cho phép triển khai hệ thống mô hình tích hợp cung cấp các trường số liệu thời gian thực và dữ liệu lịch sử, phục vụ công tác phân tích và dự báo trường sóng và dòng chảy ven bờ, cảnh báo sớm thiên tai ở vùng ven biển Việt Nam,

+ Cơ sở dữ liệu về khí tượng, thủy hải văn phục vụ thương mại hóa sản phẩm, và

+ Hỗ trợ đào tạo, tăng cường năng lực thông qua hoạt động hội thảo, cử người đào tạo ngắn hạn ở nước ngoài và mời chuyên gia về hỗ trợ xử lý, giải quyết các khó khăn trong quá trình triển khai hệ thống mô hình.

Các đầu tư này của FIRST đã thực sự bổ sung những hạn chế hiện có của Trung tâm nói riêng và của các đơn vị khoa học công nghệ công lập nói chung, hướng đến phát triển các sản phẩm có tiềm năng thương mại hóa nhằm tăng cường tính tự chủ về tài chính và đảo bảo phát triển lâu dài, bền vững.

Sự đầu tư này, kỳ vọng sẽ giúp Trung tâm thay đổi về chất, qua đó tăng dần doanh thu của nhóm dịch vụ khoa học công nghệ, tăng cường khả năng cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập toàn cầu và hướng ra thị trường khu vực Đông Nam Á và châu Á.