Hội thảo “Các phương pháp lấy mẫu cao cấp và đa tỷ lệ: Thành tựu trong ứng dụng về Khoa học sự sống và Dược học” được diễn ra trong 2 ngày 11 - 12/04/2017.

Hội thảo “Các phương pháp lấy mẫu cao cấp và đa tỷ lệ: Thành tựu trong ứng dụng về Khoa học sự sống và Dược học” được diễn ra trong 2 ngày 11 - 12/04/2017. Đây là hội thảo do PTN Trọng điểm Khoa học Tính toán đa tỷ lệ cho các hệ phức hợp phối hợp cùng Viện nghiên cứu khoa học Julich, Đức tổ chức.

Đến dự hội thảo có GS.TS Nguyễn Hữu Đức - Phó Giám đốc ĐHQGHN; GS.TS Phan Tuấn Nghĩa - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN cùng các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước.

Tuy lần đầu được tổ chức nhưng Hội thảo “Các phương pháp lấy mẫu cao cấp và đa tỷ lệ: Thành tựu trong ứng dụng về Khoa học sự sống và Dược học” thu hút sự tham gia của rất nhiều học giả đến từ các trường Đại học, Viện nghiên cứu trong và ngoài nước như: Đại học ETH Zurich, Thụy Sĩ; Viện Mô phỏng tiên tiến và Viện khoa học thần kinh và Y học, Viện Forschungszentrum Julich, CHLB Đức; Đại học Bari, Ý; Đại học Cambridge, Vương quốc Anh; Khoa Điện tử - Viễn thông, Đại học Công nghệ, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108,...

Với sự tham gia của các Giáo sư đầu ngành có chuyên môn về số học, lý thuyết, thực nghiệm trong các lĩnh vực Vật lý, Sinh học, Dược phẩm, buổi hội thảo đã thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động nghiên cứu khoa học của phòng thí nghiệm nói riêng và của trường Đại học Khoa học Tự nhiên nói chung.

Phát biểu tại buổi lễ, GS.TS Phan Tuấn Nghĩa cho biết: “Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN đã có 61 năm truyền thống  phát triển và tạo dựng được vị thế là trường hàng đầu cả nước về đào tạo khoa học cơ bản. Gần đây chúng tôi đã thiết lập một số phòng thí nghiệm trọng điểm để thúc đẩy các hướng nghiên cứu ưu tiên. PTN Trọng điểm Khoa học Tính toán đa tỷ lệ cho các hệ phức hợp là một trong những hướng ưu tiên và chiến lược cao của nhà trường. Buổi hội thảo hôm nay là một trong những hoạt động khoa học quan trọng của phòng thí nghiệm và của nhà trường.”

GS.TS Phan Tuấn Nghĩa cũng gửi lời cám ơn tới GS. Paolo Carloni và các học giả đã tới tham gia và đóng góp ý kiến cho buổi hội thảo.

Trong khuôn khổ chương trình diễn ra trong 2 ngày sẽ có 16 báo cáo đến từ các học giả trong và ngoài nước như Mỹ, Anh, Đức, Ý, Pháp. Đây là cơ hội để các bên tìm hiểu, trao đổi và thiết lập mối quan hệ hợp tác khoa học trong tương lai.

(HUS Media)