Ngày 6/3, tại trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã diễn ra hội thảo giới thiệu và triển khai thực hiện gói thầu 1: “Điều tra, khảo sát, đánh giá hiện trạng nguồn lợi và môi trường sống của các loài thủy sản; hiện trạng kinh tế xã hội nghề cá nội đồng” thuộc Dự án “Điều tra nguồn lợi thủy sản vùng nội đồng giai đoạn 2018-2020”.

Tham dự có PGS.TSKH.Vũ Hoàng Linh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), ông Trần Lê Nguyên Hùng, Phó Vụ trưởng Phụ trách Vụ bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản (Tổng cục Thủy sản) cùng các chuyên gia và các nhóm chuyên môn.

Hội thảo triển khai thực hiện gói thầu 1 – dự án Điều tra nguồn lợi thủy sản vùng nội đồng giai đoạn 2018-2020

Đại diện nhóm chuyên môn báo cáo tại hội thảo.

Tại hội thảo, ông Trần Lê Nguyên Hùng, Phó Vụ trưởng Phụ trách Vụ bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản (Tổng cục Thủy sản) cho biết: “Cho đến nay, những nghiên cứu về biển và vùng cửa sông - ven biển của Việt Nam vẫn đang được chú trọng đầu tư nhiều hơn và lâu hơn nhiều so với khu vực nội địa. Các nghiên cứu nguồn lợi thủy sản vùng nội đồng - nếu có - còn nhỏ lẻ. Đây là lần đầu tiên có dự án nghiên cứu nguồn lợi thủy sản nội đồng tổng thể trên phạm vi cả nước. Bên cạnh đó, ở Việt Nam, các loài thủy sản quý hiếm đã được đưa vào danh sách bảo vệ, nhưng số lượng chưa đủ; các loài được phép đánh bắt cần có khuyến cáo cụ thể về kích cỡ, thời gian; quy định cụ thể kích cỡ bao nhiêu thì được đánh bắt; Ngoài các loài cần bảo vệ, những loài nào cần được tái tạo, sản xuất, nhân giống, ... Chúng tôi rất mong chờ kết quả dự án để từ đó ra những quyết sách quản lý theo căn cứ khoa học. Đây là dự án rất thiết thực trong việc đưa ra bức tranh chung về hiện trạng nguồn lợi và môi trường sống của các loài thủy sản; hiện trạng kinh tế xã hội nghề cá nội đồng”.

PGS.TSKH. Vũ Hoàng Linh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: “Nhà trường tin tưởng rằng với đội ngũ cán bộ khoa học giàu kinh nghiệm, có trình độ cao hiện có cùng sự phối hợp chặc chẽ với các cán bộ khoa học chất lượng đến từ Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQGHN) sẽ đảm bảo thực hiện thành công Gói thầu. Những kết quả của Gói thầu sẽ đem lại những thông tin, dữ liệu quan trọng về nguồn lợi thủy sản và kinh tế xã hội nghề cá vùng nội đồng, tạo cơ sở khoa học vững chắc để các cơ quan lý nói chung và Tổng cục Thủy sản nói riêng xây dựng và ban hành những chính sách, văn bản pháp quy để tiếp tục quản lý hiệu quả và phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản và kinh tế xã hội nghề cá nói chung cũng như cho vùng nội đồng nói riêng của Việt Nam”.

Hội thảo triển khai thực hiện gói thầu 1 – dự án Điều tra nguồn lợi thủy sản vùng nội đồng giai đoạn 2018-2020

PGS.TSKH. Vũ Hoàng Linh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên phát biểu tại Hội thảo.

Theo TS. Nguyễn Thành Nam (Khoa Sinh học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Chủ nhiệm dự án): Năm 2020, 45 cán bộ khoa học từ 5 trường đại học sẽ chia làm các đoàn khảo sát thực địa vào mùa khô năm 2020 tại 09 thủy vực được xác định của dự án, gồm: sông Hồng, hồ Hòa Bình, sông Lam, sông Ba, sông Sê-rê-pok, hồ Lăk, sông Đồng Nai, hồ chứa Phước Hòa và vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long. Chủ nhiệm dự án ý thức được trách nhiệm của bản thân cùng với sự chỉ đạo của Nhà trường, sự hỗ trợ của các phòng ban chức năng, của Khoa Sinh học và sự đồng lòng, quyết tâm của các thành viên tham gia thực hiện dự án từ 05 trường đại học, dự án sẽ có được những kết quả tốt nhất, đáp ứng yêu cầu của chủ đầu tư và tạo được uy tín của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên.

Hội thảo triển khai thực hiện gói thầu 1 – dự án Điều tra nguồn lợi thủy sản vùng nội đồng giai đoạn 2018-2020

Cán bộ trường ĐH Khoa học tự nhiên đi thu mẫu ngoài thực địa.

Việt Nam với đường bờ biển trải dài trên 3.260 km, có 114 cửa sông, 12 đầm phá, 50 vũng/vịnh ven bờ, trong đó vùng nội thủy, lãnh hải chiếm 37% diện tích, có nhiều đảo, cụm đảo xen kẽ tự nhiên. Bên cạnh đó, với đặc điểm địa hình trải dài trên 14 vĩ độ với hệ thống sông ngòi, các hồ tự nhiên và nhân tạo dày đặc đã tạo cho nước ta các hệ sinh thái biển, ven biển và nội địa hết sức đa dạng, mang lại các giá trị đa dạng sinh học cao và nguồn lợi thủy sản hết sức phong phú; góp phần không nhỏ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.,.