Ngày 14/11/2020, tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên đã diễn ra Lễ khai giảng khóa học: “Tính toán lượng tử: Lý thuyết và thực hành”. Khóa học do Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán và Trường Đại học Khoa học Tự nhiên phối hợp tổ chức.

Khóa học diễn ra trong 6 ngày: 14-15/11, 17/11, 19/11, 21-22/11; trong đó, 4 ngày đầu học viên học tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, 2 ngày sau học tại Nhà khách Đại học Quốc gia Hà Nội tại Ba Vì. Đối tượng được lựa chọn tham gia khóa học là sinh viên từ năm thứ 3 và học viên cao học các ngành/chuyên ngành thuộc lĩnh vực Khoa học Tự nhiên: Toán học, Vật lý, Cơ học, Khoa học máy tính và Công nghệ thông tin, Hóa học và các ngành liên quan, cùng những người yêu thích tính toán lượng tử.

Khai giảng khóa học về Tính toán lượng tử
Toàn cảnh lớp học.

Mục đích chính của khóa học là giúp các học viên trải nghiệm việc lập trình lượng tử trên các máy tính lượng tử thật thông qua nền tảng tính toán lượng tử đám mây của công ty IBM. Nội dung của khóa học gồm các bài giảng về: Nền tảng Toán học của cơ học lượng tử, Cơ học lượng tử từ góc nhìn của Toán học, Tính toán lượng tử và các thuật toán lượng tử cơ bản, Ngôn ngữ lập trình qiskit, thực hành lập trình lượng tử và thực hành mô phỏng lượng tử, giới thiệu về học máy lượng tử và một vài thuật toán mới.

Phát biểu tại Buổi khai giảng khóa học, TS.Trịnh Thị Thúy Giang, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán bày tỏ sự vui mừng khi được phối hợp cùng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên tổ chức khóa học về Tính toán lượng tử.

Thực hiện mục tiêu Chương trình trọng điểm quốc gia 2010-2020 (với mục tiêu chung: Phát triển nền Toán học Việt Nam mạnh mẽ về mọi mặt; đảm bảo cho Toán học Việt Nam đi vào xu thế phát triển bền vững, tạo cơ sở để đưa nước ta thành một nước có nền Toán học mạnh trong giai đoạn phát triển tiếp theo), trong những năm gần đây, Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán rất quan tâm đến những khóa đào tạo, bồi dưỡng cho các ngành ngoài Toán và có hàm lượng Toán cao. TS. Trịnh Thị Thúy Giang hi vọng các học viên của khóa học sẽ thu được nhiều điều bổ ích; các học viên ở xa – ngoài kiến thức thu lượm được - sẽ có những trải nghiệm thú vị trong một tuần thời tiết đang rất đẹp của Hà Nội.

Khai giảng khóa học về Tính toán lượng tử
TS.Nguyễn Quốc Hưng, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên phát biểu tại Buổi khai giảng khóa học Tính toán lượng tử.

Là một trong những người đưa ra ý tưởng về khóa học Tính toán lượng tử, TS.Nguyễn Quốc Hưng, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên cho biết, mục đích của khóa học là giới thiệu cho mọi người biết đến một loại máy tính thế hệ mới: Máy tính lượng tử. Hiện nay máy tính lượng tử đã được chế tạo thành công, và là loại máy tính có tiềm năng sẽ thay đổi thế giới. Khoa học phát triển không ngừng; cách đây 20 năm, máy tính thông thường vẫn còn xa lạ với nhiều người thì nay đã trở nên phổ biến. Internet và các nền tảng mạng xã hội cũng vậy. Máy tính lượng tử hiện còn yếu, mới chỉ có 10 bit và chứa nhiều sai số nên chưa có ứng dụng thực tiễn. Tuy nhiên, chiếc máy tính 10 bit chỉ cách chiếc máy tính 1000 qubit những rào cản kỹ thuật.

Khai giảng khóa học về Tính toán lượng tử
Các giảng viên và học viên chụp ảnh kỷ niệm.

Khóa học về Tính toán lượng tử đã thu hút được nhiều học viên đến từ Trường, Viện khác nhau như: Viện Vật lý-VAST; Viện Khoa học – Công nghệ mật mã, Ban Cơ yếu Chính phủ; Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Học viện kỹ thuật mật mã; Trường Đại học KU Leuven, Vương quốc Bỉ; Trường Đại học Strasbourg, Pháp; Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (TPHCM); Trường Đại học Quy Nhơn; Trường Đại học Đà Lạt; Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội; Trường Đại học Sư phạm II; Trường Đại học Phenikaa; Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Trường Đại học Công nghệ, Viện Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia Hà Nội).

“Khác với máy tính thông thường dựa trên vật lý cổ điển, máy tính lượng tử khai thác các nguyên lý của vật lý lượng tử để thực hiện tính toán. Sử dụng chồng chập lượng tử và vướng víu lượng tử để tăng tốc độ tính toán theo cấp số nhân, máy tính lượng tử sẽ có sức mạnh vượt trội, mang đến nhiều thay đổi lớn trong hầu hết các lĩnh vực của xã hội loài người. Tuy còn nhiều sai số và chứa ít qubit (bit lượng tử), máy tính lượng tử đã trở thành hiện thực và mọi người đều có thể truy cập, sử dụng chúng miễn phí, chẳng hạn trên nền tảng của IBM quantum computing. Trong khóa học 6 ngày về Tính toán lượng tử, sẽ có 3 ngày học viên được học về thực hành lập trình lượng tử. Học viên sẽ trực tiếp lập trình trên máy tính lượng tử của IBM sử dụng ngôn ngữ lập trình Qiskit” – TS Nguyễn Quốc Hưng, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên.