Ngày 07/11/2019, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHKHTN), Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp cùng Trường Đại học Quốc Gia Singapore ( National University of Singapore - NUS) tổ chức Lễ Khai mạc Hội thảo Truyền thông Khoa học & STEM 2019 (HUS-NUS Science Communication and STEM Workshop 2019) tại 334 Nguyễn Trãi, Hà Nội.

Toàn cảnh hội thảo

Lễ khai mạc có sự hiện diện của GS. Leo Tan, Giám đốc Dự án đặc biệt NUS FoS, Nguyên Giám đốc Viện Giáo dục Quốc gia Singapore, Nguyên Giám đốc điều hành Trung tâm Khoa học Singapore; GS. Sow Chorng Haur, Khoa Khoa học, NUS. Về phía Trường ĐHKHTN có PGS.TSKH. Vũ Hoàng Linh  - Phó Hiệu trưởng phụ trách; PGS. TS. Nguyễn Tiền Giang - Phó Hiệu trưởng; lãnh đạo các Phòng ban chức năng cùng các nhà khoa học trong và ngoài nước đến tham dự.

Sự kiện diễn ra từ ngày 07 đến 09/11/2019 do Trường ĐHKHTN và NUS đồng tổ chức nhằm tập huấn những kinh nghiệm và hoạt động tương tác trong dạy và học STEM cho giảng viên các trường đại học, cao đẳng cũng như giáo viên của một số trường phổ thông chuyên, trường phổ thông thực hành tại Việt Nam.

PGS.TS. Nguyễn Tiền Giang - Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHTN phát biếu khai mạc

Phát biểu khai mạc, PGS.TS. Nguyễn Tiền Giang - Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHTN nhấn mạnh: “Trong hai ngày tới, các giảng viên sẽ trình bày các phương pháp được sử dụng trong và ngoài lớp học để đạt được giao tiếp khoa học có tác động, thúc đẩy môi trường học tập. Bên cạnh đó, các hội thảo chuyên sâu sẽ bàn luận về những đổi mới trong giảng dạy và học tập, thực tiễn sư phạm thúc đẩy mức độ tư duy và yêu cầu cao hơn, và các kỹ thuật truyền thông khoa học hiệu quả để tăng cường hứng thú với khoa học. Những gì được giới thiệu ở đây là thực tiễn và nền tảng tốt nhất, được thiết kế, thử nghiệm để phục vụ và mang lại lợi ích cho người học”. Phó Giáo sư hy vọng hội thảo diễn ra hiệu quả và kêu gọi tất cả đại biểu tích cực tham gia vào cuộc thảo luận vì đây là một lĩnh vực có lợi từ những nỗ lực, quan điểm và sự hợp tác của nhiều bên.

Tại hội thảo, các giảng viên của Đại học Quốc gia Singapore, Trường ĐHKHTN và các chuyên gia STEM sẽ tập huấn kinh nghiệm về giảng dạy cũng như trình diễn các mô hình đi kèm sử dụng trong giảng dạy STEM cho các đại biểu tham dự.
Các đại biểu sẽ cùng chia sẻ thông tin về những đổi mới trong học tập liên-đa ngành và công nghệ, tăng cường giáo dục thực hành thúc đẩy mức độ tư duy và khả năng khám phá chuyên sâu của người học.

Bên cạnh đó, các chuyên gia STEM hàng đầu Việt Nam và Singapore cũng giới thiệu về các kỹ thuật truyền thông khoa học hiệu quả để tăng cường hứng thú với khoa học và hoạt động đào tạo ứng dụng tại Việt Nam.

GS. Sow Chorng Haur - Khoa Khoa học, Trường Đại học Quốc Gia Singapore phát biểu

Phát biểu tại Lễ Khai mạc, đại diện NUS, GS. Sow Chorng Haur chia sẻ: “Mục đích của hội thảo là chia sẻ những suy nghĩ về giáo dục và đổi mới STEM trong học tập, sư phạm liên ngành. Ngoài các bài giảng toàn thể, các đại biểu sẽ trải nghiệm phương pháp sư phạm đổi mới trong lớp học, tham gia vào việc học tương tác và các hoạt động thực hành. Tôi hy vọng sự kiện này sẽ truyền cảm hứng và động lực cho mọi người, để khi quay trở lại công việc, các bạn sẽ biến những gì học được thành thực tiễn”.

Hội thảo có hai phiên toàn thể và bốn hội thảo chuyên đề song song trong ba ngày từ 7 – 9/11. Những người tham gia sẽ tham gia và tìm hiểu những ý tưởng và phương pháp mới được giới thiệu trong hai ngày đầu tiên và vào ngày thứ ba, họ sẽ có cơ hội thực hành kiến ​​thức mới và chia sẻ ý tưởng cũng như kinh nghiệm trong quá trình giảng dạy tại đơn vị công tác của mình.

Sau khi kết thúc hội thảo, các đại biểu tham dự đầy đủ sẽ được cấp Chứng nhận tham dự hội thảo do Trường Đại học Khoa học Tự nhiên và Đại học Quốc gia Singapore cấp.

Trong khuôn khổ 03 ngày diễn ra Hội thảo, các đại biểu có các bài diễn thuyết:

PGS.TS. Tạ Thị Thảo, thuyết trình đề tài: Giáo dục STEM tích hợp cho sinh viên đại học tại Việt Nam - Phương pháp mô đun liên ngành

- Giáo dục STEM tích hợp cho sinh viên đại học tại Việt Nam - Phương pháp mô đun liên ngành (Integrated STEM education for undergraduate students in Vietnam - An interdisciplinary modular approach) - PGS. TS. Tạ Thị ThảoKhoa Hóa học, Trường ĐHKHTN

GS. Leo Tan thuyết trình đề tài: Phát triển kinh tế và xã hội của Singapore thông qua giáo dục Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học (STEM) trong các trường học, viện đại học và Trung tâm Khoa học

Phát triển kinh tế và xã hội của Singapore thông qua giáo dục Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học (STEM) trong các trường học, viện đại học và Trung tâm Khoa học (Singapore's Social and Economic development  through Science, Technology, Engineering and Mathematics (STEM) education in schools, tertiary institutes and  the Science Centre) - GS. Leo Tan, Giám đốc Dự án đặc biệt trong NUS FoS, Nguyên Giám đốc Viện Giáo dục Quốc gia, Nguyên Giám đốc điều hành Trung tâm Khoa học Singapore, Một trong những thành viên sáng lập Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Lee Kong Chian

Thí nghiệm vật lý đại cương theo định hướng của sinh viên: Tự thiết kế - Xây dựng - Kiểm tra và Báo cáo (Student oriented general physics experiment: Design - Build - Test and Report by themselves) - TS. Nguyễn Ngọc Đình, TS. Trần Vinh Thắng - Khoa Vật lý, Trường ĐHKHTN

Trình diễn khoa học tư duy (Minds-on Science Demonstration) - GS. Sow Chorng Haur, NUS

Từ lễ hội STEM quốc gia đến lễ hội STEM của trường (From National STEM festival to School STEM festival) - TS. Đặng Văn Sơn, Trung tâm Nano & Năng lượng, Trường ĐHKHTN

Chương trình đặc biệt về khoa học (Special Program in Science) - GS. Liou Yih-Cherng, TS. Lim Zhi Han, TS. Chammika Udalagama, TS. Linda Sellou, NUS

Các giải pháp ứng dụng Internet Vạn vật (IoT) và Trí thông minh nhân tạo (AI) để nâng cao chất lượng tuyển sinh và đào tạo STEM cho các trường đại học kỹ thuật tại Việt Nam (IoT and AI application solutions to improve the quality of STEM enrollment and training for technical universities in Vietnam) - Ông Đỗ Hoàng Sơn, Giám đốc Nhà xuất bản Long Minh, chuyên gia về STEM, người sáng lập Liên minh STEM của VN, Ông Hoàng Văn Đông, Đại học Điện lực, Hà Nội

Chương trình giảng dạy và Tiên phong trong việc phát triển mô-đun Câu hỏi-Trụ cột trong NUS (Curriculum and Pioneer in the development of the Questioning-Pillar module in NUS) - PGS. Phil Chan, Nhà giáo dục xuất sắc NUS, giải thưởng IoP về nỗ lực tiếp cận vật lý trong lĩnh vực Thiên văn học, Chủ tịch Giáo dục phổ thông Đại học Quốc gia Singapore

Một số hình ảnh của buổi Lễ:

Nhóm GART 6520 Trường THPT Amsterdam, Hà Nội

Những sản phẩm sáng tạo được tái chế từ rác thải

Những sản phẩm được sáng chế từ STEM trường làng

Robot tự chế tạo của các em học sinh trường làng