Các Ngày hội STEM được tổ chức liên tục trong bốn năm qua theo sáng kiến của Tạp chí Tia Sáng và Liên minh Giáo dục STEM, dưới sự bảo trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Các Ngày hội STEM được tổ chức liên tục trong bốn năm qua theo sáng kiến của Tạp chí Tia Sáng và Liên minh Giáo dục STEM, dưới sự bảo trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ. Với chủ đề “Chạm vào CMCN 4.0”, Ngày hội STEM 2018 sẽ có nhiều điểm mới, giúp các em học sinh bắt đầu tập “học cách học”, học cách giải quyết vấn đề thông qua các thực hành, thực nghiệm công nghệ mới của thời đại 4.0 như in 3D, trí tuệ nhân tạo, lập trình robot tự hành, thực tế ảo,… Sự kiện 2018 dự kiến đón 3000 lượt học sinh và 500 lượt cha mẹ, giáo viên và nhà quản lý giáo dục.

Ngày hội STEM 2018 được tổ chức ngày 13/5/3018 tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ngoài việc cung cấp những cơ sở vật chất tốt nhất để tổ chức thành công sự kiện, Trường cũng sẵn sàng chia sẻ, hướng dẫn các bạn học sinh và phụ huynh những thông tin về Nhà trường, chương trình đào tạo, chính sách, quy định tuyển sinh.

Các hoạt động chính trong Ngày hội STEM 2018

Hai hoạt động lớn dành cho học sinh (yêu cầu đăng ký trước) bao gồm: Labtour (thăm các phòng thí nghiệm của Đại học Khoa học Tự nhiên và thực hiện một số thí nghiệm nhỏ); Lớp học STEM (trải nghiệm một tiết học định hướng STEM: lập trình, robot, hóa học vui, toán học ứng dụng…).

Hai em học sinh lớp 8 trường THCS Trưng Vương trình diễn “Điều khiển cánh tay robot bằng ý nghĩ”, sản phẩm STEM đạt giải nhì cuộc thi Visef 2017

Ngày hội STEM 2018 trở thành cơ hội duy nhất cho các em học sinh được tham quan, thực nghiệm các thí nghiệm tại những phòng lab hiện đại của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên. Đó là phòng thí nghiệm của Trung tâm Nano và Năng lượng – phòng thí nghiệm hiện đại nhất Việt Nam hiện nay, Phòng thí nghiệm trọng điểm Công nghệ Enzym & Protein, Phòng thí nghiệm trọng điểm Công nghệ phân tích phục vụ kiểm định môi trường và an toàn thực phẩm,… Tại những phòng thí nghiệm này, đã có rất nhiều sáng chế, phát minh, công bố quốc tế trên các tạp chí hàng đầu về khoa học và công nghệ đã ra đời “thuần Việt” - bởi chỉ riêng các nhà khoa học Việt Nam.

TS. Đặng Văn Sơn, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Học viên Sáng tạo S3, Ủy viên BTC chia sẻ những điểm nổi bật trong Ngày hội STEM 2018

Bên cạnh đó, các hoạt động tự do dành cho học sinh được tổ chức tại khu vực trưng bày ở sân trường. Tại đây, nhiều trường như Trưng Vương, Olympia, Tạ Quang Bửu, Chuyên Hưng Yên, An Dương, Đại học Khoa học và Công nghệ, Cao đẳng Nghề công nghệ cao Hà Nội… giới thiệu nhiều sản phẩm khám phá khoa học như: giải mật mã, makey makey (chơi nhạc cụ với trái cây), nhiễm điện do cọ sát, ống ma thuật, vẽ tranh bằng con lắc đơn, xây dựng mô hình gỗ Kapla, cân bằng trong thế giới tự nhiên, xe robot tự hành, bong bóng xà phòng, kim loại chạm nước, bộ sản phẩm smart school, nhà Rông Tây Nguyên, Kính thực tế ảo, đồ chơi bắn bóng, robot biết đi từ bìa trưng bày một số sản phẩm như mô hình hệ mặt trời, mô hình đèn hệ mặt trời, các thiết bị tự động hóa, máy in 3D, máy vẽ, Laser CNC,…

Cũng tại khu vực trưng bày, các em học sinh còn được trải nghiệm một số hoạt động như tập làm index, làm đồ tái chế, làm xe bóng bay, làm con rối, làm thí nghiệm vui (Vòi rồng, Đĩa nhựa bay, Bong bóng xà phòng khổng lồ, Pháo dây cháy trong cốc nước…), xem trình diễn robot xếp rubic, đặc biệt là xem một thí nghiệm về chất nổ,…

TS. Đào Sỹ Đức, Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Phó Trưởng ban tổ chức Ngày hội STEM chia sẻ về chương trình labtour

Song song với các hoạt động dành cho học sinh là hoạt động dành cho phụ huynh và giáo viên, bao gồm: Bài giảng đại chúng ( hai chủ đề “Trí tuệ nhân tạo”, “An toàn Sinh học với thực phẩm biến đổi gen”) và Hội thảo cho giáo viên và cha mẹ học sinh.

GS. Hồ Tú Bảo, Giám đốc Phòng thí nghiệm Khoa học Dữ liệu, Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán, Viện trưởng Viện John Von Neumann, Đại học Quốc gia TP HCM giảng về “Trí tuệ nhân tạo”. PGS. TS. Nguyễn Quang Huy, Trưởng khoa Sinh học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN giảng về “An toàn Sinh học với thực phẩm biến đổi gen”.

Hội thảo cho giáo viên và cha mẹ học sinh do các nhà giáo dục của các trung tâm giáo dục STEM chủ trì, đưa ra một số gợi ý cũng như hướng dẫn phụ huynh đến với giáo dục STEM và hướng dẫn giáo viên thực hiện các bài dạy định hướng STEM.

Phát động Cuộc thi Tìm hiểu Bảng Tuần hoàn các nguyên tố hóa học

Năm 2019 được UNESCO chọn là năm Quốc tế kỷ niệm Bảng Tuần hoàn các nguyên tố hóa học. Sự phát triển của Bảng Tuần hoàn các nguyên tố là một trong những thành tựu quan trọng nhất trong khoa học và thống nhất khái niệm khoa học, có ý nghĩa rộng lớn trong Thiên văn học, Hóa học, Vật lý, Sinh học và các ngành khoa học tự nhiên khác.

Nhằm hưởng ứng sự kiện trên, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên sẽ triển khai Cuộc thi tìm hiểu Bảng Tuần hoàn các nguyên tố hóa học cho đông đảo các bạn học sinh trên toàn quốc, trong đó tập trung chủ yếu vào đối tượng học sinh THPT.

Tại Ngày hội STEM 2018, Cuộc thi sẽ chính thức được phát động thông qua các hoạt động cho phép học sinh trải nghiệm các thí nghiệm hóa học được lồng ghép kịch có nội dung liên quan tới Bảng Tuần hoàn.