Ngày 19/5/2019, với sự bảo trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHKHTN) phối hợp với Báo Khoa học và Phát triển, Liên minh STEM và một số đơn vị đối tác tổ chức Ngày hội STEM 2019 tại khuôn viên của Nhà trường 334 Nguyễn Trãi, Thanh xuân, Hà Nội.

Ngày 19/5/2019, với sự bảo trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHKHTN) phối hợp với Báo Khoa học và Phát triển, Liên minh STEM và một số đơn vị đối tác tổ chức Ngày hội STEM 2019 tại khuôn viên của Nhà trường 334 Nguyễn Trãi, Thanh xuân, Hà Nội. Sự kiện thu hút đông đảo hơn 1.000 giáo viên, học sinh, phụ huynh từ nhiều tỉnh, thành phố về tham gia và trải nghiệm các hoạt động khoa học lý thú. Ngày hội STEM 2019 có chủ đề “Nguyên tố bí ẩn” nhằm hưởng ứng kỷ niệm Năm Bảng Hệ thống tuần hoàn các nguyên tố hóa học do UNESCO khởi xướng.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ - TS. Phạm Công Tạc cho biết ông đã dự ba, bốn lần Ngày hội STEM và thấy lượng người tham gia ngày càng đông hơn, vui hơn. Thứ trưởng đánh giá cao công tác đăng cai tổ chức Ngày hội STEM của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên tại 334 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội. “Đây là một trong những cái nôi hàng đầu của khoa học Việt Nam. Nơi đây đã đào tạo ra rất nhiều nhà khoa học, nhà quản lý nổi tiếng của Việt Nam. Các em học sinh có thể tiếp xúc các phòng thí nghiệm, gặp gỡ các thầy, các giáo sư, những nhà khoa học nổi tiếng hiện đang làm việc tại Trường”.

Đặc biệt, năm nay Ngày hội STEM được tổ chức đúng ngày sinh nhật của Chủ tịch Hồ Chí Minh 19-5, kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18-5 và nhân dịp 150 năm ra đời bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học. “Nhìn trên bảng tuần hoàn này, tôi mong rằng một ngày nào đó, nhờ STEM, nhờ cảm hứng nghiên cứu khoa học từ những ngày hội như thế này, một ngày nào đó sẽ có một nguyên tố mới trên bảng tuần hoàn được đặt tên từ viện, trường hoặc nhà khoa học nào đó của Việt Nam”, Thứ trưởng nói.

PGS.TSKH Vũ Hoàng Linh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHTN, Trưởng Ban Tổ chức Ngày hội STEM 2019 cho biết, xu hướng giáo dục STEM (viết tắt các chữ cái đầu của các từ Khoa học-Công nghệ-Kỹ thuật-Toán học trong tiếng Anh) là cách tiếp cận hiện đại giúp người học có kiến thức tích hợp, liên ngành, có kỹ năng làm việc, có khả năng tư duy và giải quyết vấn đề thông qua việc học gắn liền với thực hành, đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo từ trải nghiệm thực tế. Phương pháp giáo dục tiên tiến này giúp các bạn trẻ có những kĩ năng cần thiết để chuẩn bị tốt cho tương lai trong thời đại công nghệ số hiện đại ngay từ khi đang ngồi trên ghế nhà trường. Với vai trò của trường đại học hàng đầu Việt Nam trong khoa học cơ bản và ứng dụng và đúng như khẩu hiệu hành động “Sáng tạo, Tiên phong, Trách nhiệm xã hội”, Trường ĐHKHTN đã, đang và sẽ tiếp tục tạo những điều kiện tốt nhất cho công tác chuẩn bị, tổ chức các ngày hội trải nghiệm, cuộc thi khoa học như Ngày Hội STEM và Cuộc thi tìm hiểu Bảng Tuần hoàn hóa học để sớm tạo sự đam mê khoa học-công nghệ cho các bạn học sinh phổ thông.

Điểm nhấn của Ngày hội STEM năm nay là sự góp mặt của gần 40 không gian trải nghiệm được tổ chức bởi chính các em học sinh từ các trường phổ thông ở Hà Nội, Điện Biên, Hải Dương, Nghệ An, Nam Định…

Thậm chí có một số trường “làng” mang mô hình sáng tạo kỹ thuật đến để dạy, thuyết trình lại cho các trường ở thành phố học hỏi. Điều này cho thấy sức lan tỏa của xu hướng giáo dục trải nghiệm, nhờ đó mà ứng dụng khoa học công nghệ đến gần hơn và phát triển mạnh mẽ tại các trường ở tỉnh, thành phố trên cả nước.

Trong khuôn khổ ngày hội năm nay, bên cạnh các lớp học, trải nghiệm phong phú, đa dạng, các vị phụ huynh và các em học sinh được tham gia tìm hiểu thông tin về các công tác bảo vệ môi trường và vật lý vũ trụ thông qua 2 bài giảng đại chúng giúp người xem tiếp cận những kiến thức mới. Đó là: “Hóa học xanh bảo vệ môi trường” do PGS.TS. Nguyễn Thị Hà - Giảng viên cao cấp  Trường ĐHKHTN, đại diện tập thể đạt Giải thưởng Kovalevskaia 2018 - trình bày; và bài giảng “Hố đen” do TS. Phạm Tuấn Anh - Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam - trình bày.

PGS. TS. Nguyễn Thị Hà - Giảng viên cao cấp  Trường ĐHKHTN

TS. Phạm Tuấn Anh - Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam

Có mặt tại ngày hội, em Nguyễn Hà Thanh Mai, học sinh lớp 4 Trường Tiểu học Văn Yên (Hà Đông, Hà Nội) tỏ ra rất hào hứng những thí nghiệm hóa học như phun trào núi lửa, xà phòng bong bóng khô hay làm tàu chạy được dưới nước nhờ không khí… cũng đều là lần đầu em được chứng kiến và tự tay thực hiện dưới sự hướng dẫn của các anh chị. “Em ước mơ được trở thành nhà khoa học để được thực hiện nhiều các thí nghiệm thú vị như thế này” Thanh Mai hứng thú chia sẻ.

Đặc biệt tại hoạt động LabTour, các em học sinh và phụ huynh đã được thăm quan và tìm hiểu phòng thí nghiệm ngay trong khuôn viên Trường ĐHKHTN. Các phòng thí nghiệm nhận được sự hứng thú của các học sinh và phụ huynh bao gồm: Phòng máy gia tốc (Khoa Vật lý); Phòng thí nghiệm trọng điểm Enzyme và Protein; Phòng thí nghiệm nghiên cứu môi trường (Khoa Môi trường); Bảo tàng Địa chất (Khoa Địa chất)…

TS. Đặng Văn Sơn, người đồng sáng lập Ngày hội STEM cho biết, thành công của chuỗi Ngày hội STEM cho đến nay không phải là việc có bao nhiêu em học sinh, bao nhiêu công ty, trường đại học… tham gia, mà ở khả năng lan tỏa của tinh thần giáo dục STEM tới khắp các trường phổ thông trên cả nước. Khởi nguồn từ Ngày hội STEM đầu tiên, cùng với sự vận động, hỗ trợ không ngừng nghỉ của các thành viên trong “Liên minh STEM”, phong trào giáo dục STEM đã lan tỏa đến các vùng miền từ miền núi, biên giới như Hà Giang, Nghệ An, tới các vùng đồng bằng ven biển như Hải Phòng, Hạ Long… bằng các hoạt động cụ thể.

Trong khuôn khổ Ngày hội cũng diễn ra lễ trao giải Cuộc thi tìm hiểu Bảng Hệ thống tuần hoàn các nguyên tố hóa học dành cho học sinh, sinh viên, được phát động từ Ngày hội STEM năm ngoái. Hơn 20 cá nhân, tập thể giáo viên và học sinh các trường trong cả nước có bài dự thi xuất sắc đã đoạt giải.

Danh sách Giải thưởng của Cuộc thi tìm hiểu Bảng Hệ thống tuần hoàn các nguyên tố hóa học dành cho học sinh, sinh viên: Link

Link ảnh của Ngày hội STEM 2019:

https://drive.google.com/drive/folders/1A8xz4yc6gfafvlhSffoU1w-BzTNtIJb_...