Thầy giáo, PGS.TS. Nguyễn Vũ Lương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên (Trường ĐHKHTN, ĐHQGHN) vinh dự được Chủ tịch nước Trần Đại Quang phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân vào ngày 18/11/2017.

Thầy giáo, PGS.TS. Nguyễn Vũ Lương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên (Trường ĐHKHTN, ĐHQGHN)  vinh dự được Chủ tịch nước Trần Đại Quang phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân vào ngày 18/11/2017.

Thầy Nguyễn Vũ Lương sinh ngày 09/06/1951 tại Hà Nội. Từ 1993-2010, thầy phụ trách Khối Phổ thông Chuyên Toán - Tin, Khoa Toán - Cơ - Tin học, Trường ĐHKHTN. Thầy là Hiệu trưởng đầu tiên của Trường THPT Chuyên KHTN (2010-2015). Từ đầu năm 2016 đến nay, thầy là giảng viên cao cấp, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Trường THPT Chuyên KHTN. Thầy được phong tặng danh hiệu NGƯT vào năm 2006 và được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2015.

I. CỐNG HIẾN TRỌN ĐỜI CHO GIÁO DỤC

Thầy Nguyễn Vũ Lương gắn bó với nghề dạy học như lẽ sống, hơi thở. Thầy cùng THPT Chuyên KHTN tiếp thu khoa học nghiêm chỉnh của nước ngoài và tự do sáng tạo. Không phải ngẫu nhiên, Trường THPT Chuyên KHTN luôn là trường tiên phong trong nhiều hoạt động, như báo cáo Toán bằng tiếng Anh, đưa học sinh đi học nước ngoài, tri ân những người sinh ra học trò giỏi và cảm ơn phụ huynh đã tin tưởng Trường, góp phần tạo nên những công dân có ích.

Không chỉ dạy học trò THPT Chuyên, thầy Vũ Lương còn dạy giáo viên ở các tỉnh thành trong nước và nước ngoài. Năm xưa, Vương quốc Thái Lan từng mời thầy sang chia sẻ kinh nghiệm dạy Chuyên. Nước bạn không khỏi ngưỡng mộ và dành nhiều lời ca ngợi về thầy. Thầy chia sẻ bằng tiếng Anh trong suốt 7 ngày cho hàng trăm giáo viên ở Bangkok, mỗi ngày ngủ vỏn vẹn 4 tiếng. Những tấm bằng có chữ ký của thầy Nguyễn Vũ Lương được trang trọng trao cho toàn thể giáo viên Thái Lan sau khóa học. "Đấy là lúc tôi cảm thấy hạnh phúc nhất, vì được chia sẻ, được ghi nhận và chiến thắng nỗi lo lắng của bản thân", thầy Lương hồi tưởng, nơi đáy mắt lấp lánh niềm vui.

Thầy Nguyễn Vũ Lương trong buổi làm việc với đoàn Nhật Bản

Ít khi thấy thầy ở nhà. "Muốn gặp thầy Lương, phải tới trường" là câu chỉ dẫn quen thuộc cho bất cứ ai tìm gặp thầy. Thầy vẫn lên lớp hàng ngày, say mê với những bài giảng, giữ vai trò quan trọng trong hàng loạt hội thảo, sự kiện đối nội đối ngoại với đối tác trong nước lẫn nước ngoài,…

Cống hiến trọn vẹn cho giáo dục chính là thành quả thầy Nguyễn Vũ Lương thu nhận và tâm đắc nhất trong suốt cuộc đời mình. Công lao đó khó có thể đo đếm dễ dàng bởi những con số thành tích của học trò và Nhà trường. Chỉ biết rằng, thầy là hiện thân cho lịch sử, cho quá khứ - hiện tại và cả một phần quan trọng của tương lai THPT Chuyên KHTN.

II. KHÓ KHĂN ĐỂ VƯỢT QUA

Từ một học sinh xuất sắc, thầy Nguyễn Vũ Lương bị lỡ cơ hội đi học nước ngoài, trở thành sinh viên Đại học Tổng hợp Hà Nội, cầm súng đánh giặc khi đang học năm thứ 2, từ giảng viên Khoa Toán Đại học Tổng hợp "xuống" dạy THPT Chuyên. Xâu chuỗi những dấu mốc tưởng như không suôn sẻ đó, thầy Vũ Lương chiêm nghiệm: "Theo quan điểm của tôi, đó là may mắn. May mắn lớn nhất là được học tập, làm việc ở nơi có những người thầy giỏi, bạn bè, đồng nghiệp giỏi và được dạy những học trò giỏi ở THPT Chuyên KHTN".

Những bước ngoặt cuộc đời có cả máu và nước mắt đã "tôi" nên một người thầy đi con đường khác biệt, luôn sẵn sàng đối diện và vượt qua mọi khó khăn. Thầy cùng những người đồng nghiệp cùng chí hướng, phụ huynh và học trò khao khát tri thức đã đi qua bao ngày tháng thiếu thốn nhất ở thời kỳ đầu mới thành lập trường Chuyên. Ánh mắt của Nhà giáo nhân dân chất chứa ký ức thầy trò chen chúc trong lớp học chật hẹp, loay hoay kê bảng, mưa dột ướt bàn; có năm, ngày 28 Tết vẫn nâng niu khoản tiền tài trợ của doanh nghiệp để sửa phòng,…

Thầy Nguyễn Vũ Lương dẫn đoàn học sinh Việt Nam tham dự Olympic từ 15-20 năm trước

Khó khăn chồng chất, “bọn trẻ con” (cách gọi học trò thân thương của thầy) trở thành động lực lớn nhất. Thầy Lương tự hào: “Chúng nó" giỏi lắm. Không cần dạy đã giỏi rồi. Tôi chỉ làm cho "chúng" vinh quang hơn. Đặc biệt, có những "đứa" khiến lo âu của thầy tan biến, càng tiến xa càng vinh quang”.

Nhờ trực thuộc trường đại học, luôn được so sánh nên giáo viên THPT Chuyên không ngừng đọc sách, không ngừng tìm tòi và vươn lên. Thầy Nguyễn Vũ Lương là một minh chứng cho điều này. Ngày mới thành lập, các giáo viên khoa Toán rất sợ về lớp Chuyên, họ coi đó như là một hình thức kỷ luật. Khi nhận quyết định, bản thân thầy đã có lúc chán nản và chủ quan. “Buổi lên lớp đầu tiên tôi bị cháy giáo án. Tôi chuẩn bị giáo án cho 6 tiết, vậy mà trong một tiết "bọn chúng" đã ngốn hết. Tôi ý thức ngay được rằng phải chạy đua với thời gian để chống trả lại cái đói khát bài giảng”, thầy Lương nhớ lại. "Đói ăn, đói uống còn chịu được chứ làm người thầy mà đói chữ thì nhục, nhục lắm". Tâm niệm vậy nên thầy không ngừng sáng tạo ra những bài toán mới, những cách giải mới và luôn tự nhủ rằng mình vẫn dốt. “Bài giảng của lớp chuyên Toán khác hẳn so với Toán phổ thông, chúng tôi phải cập nhật những phương pháp tốt nhất thế giới theo chu trình: Phân tích - tập hợp - đánh giá - sáng tạo, dần hướng cho các em tư duy toán hiện đại...”, Nhà giáo nhân dân chia sẻ.

Lớp lớp học trò say mê tài năng của thầy. Nhưng họ còn lĩnh hội được điều quý giá hơn là cách làm người, niềm đam mê dành cho Toán học và tinh thần lạc quan. Hình ảnh người thầy toàn tài, cương trực đã tiếp thêm biết bao dũng khí cho học trò đối mặt với khó khăn.

III. DẠY TOÁN NHƯ "LÊN ĐỒNG"

Chị Nguyễn Thu Lương, một nhà báo của Đài Tiếng nói Việt Nam nhớ mãi buổi phỏng vấn thầy Nguyễn Vũ Lương năm 2015. Chị trực tiếp được nghe thầy giảng bài về Hàm số. "Quá ấn tượng! Thầy dạy Toán mà nhẹ như không. Thầy giảng như "lên đồng", chị Thu Lương nhớ lại.

TS. Đào Phương Bắc, cựu học sinh chuyên Toán khóa 32 giai đoạn 1997-2000, hiện là giảng viên Khoa Toán - Cơ - Tin học, Trường ĐHKHTN kể: "Bằng một cách trình bày trong sáng, bản chất, thầy đã dẫn dắt học trò chiếm lĩnh tri thức và yêu thích môn học này". Tiến sĩ cho biết, anh đã thu nhận được những kỹ năng biến đổi Đại số, Giải tích, kỹ năng giải quyết các bài toán Bất đẳng thức khó. Đây cũng là sở trường chính của thầy Lương. Các bài giảng về giới hạn, hàm liên tục và đạo hàm của thầy đã đi sâu vào tiềm thức của anh. Đối với học sinh cấp 3, không dễ dàng để bắt đầu với những khái niệm, vấn đề của Giải tích vì phải làm quen với những trực giác mới. Quá trình này cũng như học sinh cấp 2 bắt đầu với môn Hình học. Tuy nhiên, bài giảng nhập môn về Giải tích của thầy Nguyễn Vũ Lương đã truyền thật nhiều cảm hứng cho anh và những học trò khác. Bài giảng thú vị liên quan đến Bất đẳng thức Markov mà kỹ thuật lại thông qua việc biểu thị đa thức của các hàm lượng giác mà trước đó chưa từng thấy cũng ăn sâu vào ấn tượng của anh.

Không chỉ anh Bắc, chị Lương, mà có lẽ bất cứ ai cũng có thể thu nhận được nhiều nhất lượng kiến thức nhờ cách giảng thú vị, tự nhiên, không quá cứng nhắc của thầy. Sự gần gũi, thân thiện khiến cho mỗi giờ học với thầy Lương luôn thoải mái, hấp dẫn.

Học trò thích thú trước màn biểu diễn của thầy Nguyễn Vũ Lương

Bên cạnh nghệ thuật sư phạm tuyệt vời, thầy còn khiến học trò say mê vì quá tài hoa. Dù trên bục giảng, sân bóng, sân khấu ca nhạc hay đấu trường võ thuật,… thầy đều có thể "lên đồng" và xuất sắc như một cầu thủ, một võ sĩ, một nghệ sĩ thực thụ.

IV. THẦN TƯỢNG CỦA HỌC TRÒ

Tuổi học trò cấp 3 đầy khát khao khẳng định bản thân nhưng ẩm ương, khó bảo. Ngày nay, trong khi rất nhiều bạn trẻ thường chỉ nói về ca sĩ thần tượng, phim thần tượng thì với các em học sinh Trường THPT Chuyên KHTN còn có Nhà giáo thần tượng.

Tại Lễ Khai giảng năm học mới 2017-2018 của Trường THPT Chuyên KHTN, khi người dẫn chương trình giới thiệu sự hiện diện của thầy Nguyễn Vũ Lương, hàng nghìn học sinh vừa vỗ tay vừa reo mừng, rất lâu... Khoảnh khắc đặc biệt này khiến nhiều người lần đầu chứng kiến không khỏi ngạc nhiên. Nhưng đó lại là điều rất đỗi thân thuộc ở Trường THPT Chuyên KHTN. Các em học sinh luôn thể hiện lòng yêu kính theo cách gần gũi, hồn nhiên với thầy như thế.

43 năm lái đò đưa học trò sang sông, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Vũ Lương không chỉ là người thầy dạy tri thức, mà còn là người cha, người mẹ "rèn" nhân cách, "trị" thói xấu, là người bạn thấu hiểu, chia sẻ tâm tình tuổi mới lớn.

Thầy có vô số học trò, đa số đã thành danh ở khắp mọi miền Tổ quốc và trên thế giới. Thế hệ học trò ngày nay vẫn mê tít những câu chuyện thâm thúy mà không kém phần dí dỏm của thầy. Có những chuyện khiến các em tâm đắc, sung sướng âm ỉ cả ngày. Niềm yêu dành cho Toán cứ thế được nhân lên nhờ người thầy - người cha đáng kính và đầy tin cậy.

"Em cảm ơn thầy!", một học sinh đã gửi lời nhắn giản đơn mà đầy ắp lòng biết ơn, kính trọng. Học trò này cho biết em học Toán rất kém, nhưng mọi chuyện thay đổi từ khi được gặp thầy. "Một người thầy xuất sắc là người truyền cảm hứng", thầy đã khơi dậy tình yêu với Toán, giúp em thay đổi tư duy và tự tin hơn vào bản thân rồi thi đỗ vào Trường THPT Chuyên danh giá.

V. ĐAU ĐÁU VỀ THẾ HỆ TRẺ

TS. Lê Công Lợi, Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên KHTN chia sẻ: "Với cống hiến của mình, thầy Nguyễn Vũ Lương có thể được nhận danh hiệu cao quý này từ lâu rồi. Có lẽ bởi tính cách của một người làm Toán rất khiêm tốn". Theo Tiến sĩ, đây là phần thưởng, niềm tự hào của cá nhân, gia đình, dòng họ của thầy, đồng thời là niềm tự hào của Trường THPT Chuyên KHTN (Trường ĐHKHTN, ĐHQGHN).

Trân trọng sự ghi nhận của Nhà nước, nhưng thầy Nguyễn Vũ Lương nói rất ít về bản thân mình. Câu chuyện ưa thích của thầy vẫn là về Toán và học trò. “Không có bài toán khó, chỉ có bài toán không giải được. Các con rất thích câu nói này", khi có nỗi niềm đau đáu trong lòng, thầy thường gọi "chúng nó" là "con". Người thầy đã dành cả cuộc đời cho những đứa con thân yêu trầm ngâm nhắn nhủ: "Thầy mong các con không chỉ học giỏi, mà ra đời còn biết ứng xử, yêu thích thể thao, âm nhạc, trau dồi nhân cách và biết cống hiến cho đất nước Việt Nam”.