Chiều ngày 25/4/2019, Chung kết Cuộc thi Open-RoboHUS 2019 do Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHKHTN) tổ chức đã diễn ra. Đây là cuộc tranh tài gay cấn giữa 08 đội xuất sắc nhất.

Giải Nhất đã thuộc về đội của sinh viên Hồ Tuấn Hải - lớp K62 Máy tính và Khoa học thông tin, Khoa Toán - Cơ - Tin học, Trường ĐHKHTN và học sinh Tống Duy Hải - lớp 11 Trường THPT Yên Hoà – Hà Nội.

Phát biểu tại sự kiện, đại diện lãnh đạo Trường ĐHKHTN, PGS.TSKH. Vũ Hoàng Linh – Phó Hiệu trưởng Nhà trường nhấn mạnh: “Hiện nay, trên thế giới có rất nhiều công ty lớn áp dụng hệ thống vận chuyển hàng hóa tự động bằng robot. Vì vậy, Open-RoboHUS không chỉ là sân chơi bổ ích, văn minh mà còn cung cấp kiến thức và khích lệ giới trẻ Hà Nội tự tin, không ngừng sáng tạo để làm chủ công nghệ”

“Mỗi robot có thể xem là một phiên bản đơn giản của Trí tuệ nhân tạo cá nhân (P.A.I)”, đó là nhận định của TS. Nguyễn Tuấn Đức, Trưởng đại diện Alt Việt Nam – thuộc Alt Inc. (Nhật Bản), công ty tiên phong trên thế giới trong lĩnh vực nghiên cứu, phát triển phần mềm P.A.I. Tiến sĩ cho rằng Open-RoboHUS là cuộc thi bổ ích và ý nghĩa cho các bạn sinh viên chuyên ngành Trí tuệ nhân tạo (AI), Điều khiển tự động, Khoa học máy tính. TS. Nguyễn Tuấn Đức đánh giá thêm, sinh viên của Trường ĐHKHN có nền tảng Toán học và Xác suất thống kê tốt, chính là điều kiện thuận lợi để theo học ngành Trí tuệ nhân tạo. “Tôi được biết Trường đã mở Phòng nghiên cứu Khoa học dữ liệu để đào tạo chuyên sâu về Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo. Với những điều kiện và lợi thế như vậy, tôi tin rằng các bạn sinh viên của Trường ĐHKHTN sẽ trở thành những người đi đầu trong nghiên cứu và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam”, Trưởng đại diện Alt Việt Nam khẳng định.

Theo dõi trọn vẹn Chung kết, ông Đào Đức Thiện - phụ trách nhân sự Công ty CP Đầu tư và Giải phápVietIS đề cao năng lực và khả năng sáng tạo của các đội thi. “Những thí sinh tham dự Open-RoboHUS có năng lực khá sát với nhu cầu nhân sự mà công ty đang hướng tới. Thông qua cuộc thi, chúng tôi muốn tìm kiếm nhân tài về cho công ty”, ông Đào Đức Thiện nói.

Phát động từ 4 tháng trước, Open-RoboHUS 2019 thu hút gần 100 học sinh, sinh viên đam mê sáng tạo robot tại Hà Nội tham gia sơ loại và nhiều doanh nghiệp tài trợ. Chủ đề “E-FARMER – Robot thu hoạch nông nghiệp” của cuộc thi năm nay không chỉ tạo hứng thú cho các đội chơi mà còn là cơ hội hiếm có để giới trẻ thử sức giải quyết bài toán cuộc sống gắn liền với nhiệm vụ hàng đầu của đất nước: công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Đặc biệt, sự kiện năm nay nhận được sự quan tâm từ các doanh nghiệp như: FPT Software, House3D, AnLab, ALT Việt Nam,... Đến với cuộc thi khán giả được trực tiếp chiêm ngưỡng những màn so tài giữa 8 đội thi “nặng kí” nhất giới trẻ thủ đô.

Cuộc thi được Trường giao cho Khoa Toán - Cơ - Tin học và Khoa Vật lý phối hợp triển khai, nhằm tạo ra sân chơi khoa học bổ ích, khuyến khích khả năng sáng tạo của các bạn trẻ có niềm đam mê với khoa học kỹ thuật. Chuẩn bị cho vòng chung kết, các thí sinh được giảng viên của 2 Khoa trực tiếp tập huấn các kỹ năng về lập trình nhúng điều khiển và lập trình xử lý ảnh.

Đặc biệt, thành viên trong mỗi đội thi năm nay có sự đan xen giữa sinh viên năm 3, năm 4 và học sinh, sinh viên năm nhất, năm 2. Sinh viên đã có nền tảng kiến thức về lập trình, robot dễ dàng giúp đỡ, hướng dẫn các em học sinh, sinh viên mới. Theo TS. Lê Quang Thảo (Khoa Vật lý, Trường ĐHKHTN), cố vấn kỹ thuật cuộc thi, sự sắp xếp này góp phần giúp cuộc thi có ý nghĩa bền vững hơn. “Các em sẽ là một thế hệ đầy triển vọng cho cuộc thi Open-RoboHUS những năm tới và xa hơn nữa là công cuộc nghiên cứu, đổi mới khoa học kỹ thuật của đất nước”, TS. Lê Quang Thảo tin tưởng.

Sau cuộc tranh tài gay cấn giữa các đội, giải Nhất cuộc thi thuộc về sinh viên Hồ Tuấn Hải - lớp K62 Máy tính và Khoa học thông tin, Khoa Toán-Cơ-Tin học, Trường ĐHKHTN, ĐHQGHN và học sinh Tống Duy Hải - lớp 11 Trường THPT Yên Hoà – Hà Nội.

Nói về chiến thắng của mình, Tổng Duy Hải cho biết em đến với cuộc thi để tiếp nối niềm đam mê với trí tuệ nhân tạo và tự động hóa. “Khó khăn lớn nhất trong quá trình tạo ra một con robot là lập trình, nhưng nhờ có sự giúp đỡ của thầy, cô và các đồng đội em đã tìm ra cách để nó có thể đạt hiệu quả cao nhất”, Hải chia sẻ. Cậu học sinh trường THPT Yên Hòa này từng xuất sắc giành giải Nhì cuộc thi Khoa học kĩ thuật quốc gia năm 2019. Những bạn trẻ như Hải sẽ là thế hệ triển vọng cho công cuộc nghiên cứu và đổi mới khoa học kỹ thuật của đất nước. Open-RoboHUS tự hào đem lại những kiến thức, kỹ năng quan trọng và tiếp thêm động lực cho niềm đam mê với trí tuệ nhân tạo và tự động hóa của các em.

Ngoài Open-RoboHUS cũng đã trao giải Nhì, giải Ba và hai giải cá nhân. Giải nhì thuộc về sinh viên Đỗ Thị Diệu Thuý - lớp K61 Toán Tin, Khoa Toán-Cơ-Tin học, Trường ĐHKHTN, ĐHQGHN và học sinh Lê Quý An - lớp 11 Chuyên Lý, Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, Trường ĐHKHTN, ĐHQGHN

Giải ba thuộc về sinh viên Đàm Tuấn Anh - lớp K61 Toán Tin, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN và học sinh Nguyễn Thị Diễm Quỳnh, lớp 10 Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ, ĐHQGHN.

Ngoài ra còn có giải cá nhân với sản phẩm Robot Tự động xuất sắc thuộc về Đỗ Thị Diệu Thuý, lớp K61 Toán Tin và Robot Bằng tay xuất sắc thuộc về Tống Duy Hải, lớp 11 Trường THPT Yên Hoà.

Ngoài Open-RoboHUS, Trường ĐHKHTN còn đăng cai tổ chức các hoạt động trải nghiệm, thực hành khoa học dành cho học sinh, sinh viên như Ngày hội STEM 2018, thu hút hàng nghìn học sinh miền Bắc và Bắc Trung bộ.

Trong những năm gần đây, khoa học ứng dụng và công nghệ là lĩnh vực được Trường chú trọng, bên cạnh lĩnh vực khoa học cơ bản cốt lõi. Công tác đào tạo và nghiên cứu trong các bậc đào tạo THPT, đại học và sau đại học của Nhà trường luôn bám sát khẩu hiệu hành động “Sáng tạo, tiên phong, trách nhiệm xã hội”, hướng tới giải quyết các yêu cầu cấp thiết của xã hội, đất nước.