Trong khuôn khổ dự án quốc tế SAUNAC do Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHKHTN), ĐHQGHN điều phối tại Việt Nam, nhiều sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh của Trường đã được đi tham quan các trường đại học ở 5 nước châu Âu 5 ngày vào cuối tháng 9/2018.

Trong khuôn khổ dự án quốc tế SAUNAC do Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHKHTN), ĐHQGHN điều phối tại Việt Nam, nhiều sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh của Trường đã được đi tham quan các trường đại học ở 5 nước châu Âu 5 ngày vào cuối tháng 9/2018.

SAUNAC là viết tắt của Dự án tăng cường năng lực Erasmus+ Liên minh mạng lưới đô thị thông minh bền vững ở các thành phố châu Á, được triển khai từ cuối năm 2016 với sự tham gia của 11 đối tác là các trường đại học, trong đó có 5 đối tác đến từ châu Âu (gồm Phần Lan, Vương quốc Anh, Hà Lan và CHLB Đức, Tây Ban Nha) và 6 đối tác Việt Nam (từ các thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng và Hồ Chí Minh). Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHKHTN) là điều phối viên phía Việt Nam và là đơn vị tổ chức họp tổng kết dự án vào tháng 5 năm 2019 tới đây.

Từ ngày 24 tới 28 tháng 9 năm 2018, dự án SAUNAC tổ chức chuyến đi trao đổi kinh nghiệm giảng dạy và học tập về chủ đề thành phố thông minh bền vững tại châu Âu cho các đối tác Việt Nam.

Trường ĐHKHTN đã tuyển chọn và cử 10 cán bộ và sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh (được chia thành nhiều nhóm nhỏ) tham gia chuyến đi này. Chương trình diễn ra tại Đại học ứng dụng Turku (Phần Lan), Đại học Manchester Metropolitan (Vương quốc Anh), Đại học Ứng dụng Utrecht (Hà Lan), Đại học Ứng dụng Hamburg (CHLB Đức) và Đại học Bách khoa Valencia (Tây Ban Nha). 

Chương trình trao đổi là một trong những hoạt động hướng đến tăng cường sự hợp tác giữa các trường đại học Việt Nam và châu Âu với chính quyền địa phương; Xây dựng các khóa đào tạo về thành phố thông minh bền vững; Nghiên cứu, trao đổi và thử nghiệm các phương pháp giảng dạy tiên tiến; Giúp các trường đại học Việt Nam tìm ra cách tiếp cận mới về sư phạm.

 Sinh viên dự án SAUNAC trước tòa nhà Trường ĐHKHUD Hamburg

Trong chuyến đi thăm quan Trường Đại học Khoa học Ứng dụng Hamburg (HAW) của CHLB Đức, đoàn sinh viên và giảng viên Việt Nam đã được gặp gỡ và tìm hiểu cách giảng viên và nhà nghiên cứu áp dụng các phương pháp đổi mới trong giảng dạy thực tế. Đoàn cũng có dịp thảo luận với sinh viên của Trường HAW và gặp gỡ nhiều chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng bền vững. Các chủ đề chính được thảo luận trong chuyến trao đổi học thuật này bao gồm: điện lưới thông minh, năng lượng gió, các phòng thí nghiệm và hệ thống giao thông công cộng của Hamburg, giảng dạy và nghiên cứu về các thành phố bền vững, phương pháp giảng dạy sáng tạo, sự tham gia của các bên liên quan và hợp tác với các doanh nhân.

Bùi Thị Vân Hương - K60

Tham quan thành phố Hamburg (Đức), Bùi Thị Vân Hương (K60) đặc biệt ấn tượng bởi hệ thống tàu điện ngầm, biển báo điện tử, bản đồ tàu điện ngầm và máy bán vé tự động, tất cả đều có sẵn trong toàn bộ nhà ga. Về chương trình học ở HAW, Nguyễn Bạch Dương (K59) cho rằng các kiến thức sinh viên học trên lớp sẽ được vận dụng vào công việc trên phòng thí nghiệm, dự án và kì thực tập tại những ngành công nghiệp liên quan đến ngành học.

Tại Trường Đại học Khoa học ứng dụng Turku (University of Applied Science -TUAS) - Phần Lan, các thành viên trong đoàn Việt Nam tới thăm các phòng lab, tham dự các giờ học cũng như trực tiếp tham quan tại các công ty liên quan đến môi trường (xử lý rác thải và tái chế, xử lý nước thải), các tổ chức có quan hệ hợp tác chặt chẽ với Trường TUAS trong việc đào tạo, giảng dạy sinh viên.

Thông qua các hoạt động thực tế ngay trong giờ giảng, những người tham quan sẽ hiểu hơn về phương pháp giáo dục ở TUAS nói riêng và Phần Lan nói chung, nơi được đánh giá rất cao về nền giáo dục. Đó là những kinh nghiệm rất quý đối với từng thành viên tham gia”, Nguyễn Tá Nam (K55, HVCH) chia sẻ. Qua tìm hiểu dự án Kinh tế tuần hoàn tại TUAS, Đoàn Thị Nhật Minh (K57, NCS) đặc biệt ấn tượng về sự năng động trong học tập của sinh viên và hiệu quả của phương pháp giảng dạy tại TUAS. “Tôi rất muốn đề nghị được áp dụng phương pháp đó tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN”, Nhật Minh khẳng định. Trong dự án này, sinh viên sẽ phát triển các kỹ năng cần thiết trong cuộc sống làm việc ngoài nội dung dựa trên thực tế của khóa học. Điều này bao gồm phương pháp tiếp cận định hướng khách hàng ngoài các kỹ năng hợp tác và quản lý dự án. Mục tiêu là các sinh viên có thể áp dụng tất cả kỹ năng, phương pháp này vào thực tế.

Đoàn tham quan Nhà máy xử lý nước thải KAKOLANMÄKI

Ngoài việc tham gia các giờ giảng trên lớp, hoạt động thực tế cũng là nội dung quan trọng trong chuyến đi. Đoàn đã tham quan, học hỏi tại Công ty quản lý rác thải LSJH và Nhà máy xử lý nước thải ngầm KAKOLANMÄKI được xây dựng ngầm dưới lòng đất. Đoàn Thị Nhật Minh (K57, NCS) đánh giá cao quy trình xử lý nước thải thông minh và bền vững ở Phần Lan. “Nhà máy xử lý nước thải đô thị nằm dưới lòng đất ở trung tâm Turku, gần sông Aura. Do đó, máy móc nằm ngoài tầm nhìn, các phiền toái gây ra bởi tiếng ồn hoặc mùi hôi từ nhà máy được loại bỏ và giải phóng đất đai cho việc sử dụng của thành phố”, Nhật Minh chia sẻ. Do xây dựng ngầm, nhà máy có nhiệt độ ổn định và cao hơn so với các cơ sở bề mặt là lợi thế riêng cho điều kiện xử lý. Nhà máy có thể xử lý nước thải từ 300.000 người và các nguồn công nghiệp khác nhau theo cách làm giảm đáng kể tải lượng chất dinh dưỡng trên dưỡng thải ra biển Baltic.

Đoàn Việt Nam tham gia cuộc thi Hackathon

Ở các trường đại học của Hà Lan, đoàn sinh viên và giảng viên Việt Nam đã tham quan các lớp học tham gia những hoạt động ngoại khóa với sinh viên. Trong đó, cuộc thi Hackathon đã để lại nhiều ấn tượng với các bạn sinh viên Việt Nam. Tại đây, người hướng dẫn tách sinh viên thành 6 nhóm, mỗi sinh viên Việt Nam được phân về từng nhóm riêng. Trò chơi này giúp sinh viên thực hành khả năng làm việc nhóm cũng như phát huy khả năng sáng tạo của mình. Sinh viên Việt Nam có cơ hội bày tỏ quan điểm cá nhân và cải thiện kỹ năng giao tiếp tiếng Anh trước sinh viên quốc tế đến từ các vùng khác nhau của châu Âu.

Giáo dục Hà Lan được ghi nhận là sự kết hợp giữa giảng dạy lý thuyết trên giảng đường và thực hành trải nghiệm ngay ngoài cuộc sống. Sinh viên không cảm thấy buồn chán với các bài học lý thuyết vì họ có thể áp dụng vào thực tế ngay sau khi kết thúc buổi học. “Tôi cởi mở hơn, tự tin hơn khi phát biểu ý kiến trước đám đông. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng được thực hành lên ý tưởng và sáng tạo ra sản phẩm tương lai mang tính thông minh và bền vững”, Dương Khánh Linh (K60) chia sẻ.

Chuyến tham quan học tập, trao đổi tại các nước châu Âu trong khuôn khổ dự án quốc tế SAUNAC đã trở thành trải nghiệm ý nghĩa, giúp sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh Trường ĐHKHTN mở rộng hiểu biết, tri thức và nâng cao kỹ năng giao tiếp. Hành trình với nhiều kỉ niệm đẹp, thực sự hữu ích cho công việc nghiên cứu và học tập của các bạn trong tương lai.

Thông tin về dự án SAUNAC có tại đường dẫn sau: https://www.saunac.eu.