Sáng ngày 13/11/2020, tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội đã phối hợp cùng Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức hội nghị tập huấn văn bản quản lý nhiệm vụ hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ.

Đây là hội nghị đầu tiên được Vụ hợp tác Quốc tế, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) triển khai tại các Trường đại học, nhằm hướng dẫn các chính sách mới về KH&CN của nhà nước tới các nhà nghiên cứu, đồng thời thông qua hội nghị ghi nhận thêm các ý kiến đóng góp của các nhà khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội ( để chỉnh sửa bổ sung hoàn thiện dự thảo.

Tham dự hội nghị có đại diện Lãnh đạo Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ KH&CN, Ban KH&CN, ĐHQGHN, các đơn vị thành viên trực thuộc và các nhà khoa học của trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN.

Tinh giản hóa thủ tục cho các đề tài nghiên cứu khoa học
PGS.TS. Trần Quốc Bình, Trưởng phòng KH&CN, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu khai mạc, PGS.TS. Trần Quốc Bình, Trưởng phòng KH&CN, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN cho biết: các nhà khoa học của Nhà trường rất cần những thông tin mới từ Bộ để tìm kiếm và xây dựng các nhiệm vụ, chương trình hợp tác về khoa học và công nghệ mới.

Phát biểu tại hội nghị, PGS.TS. Vũ Văn Tích, Trưởng Ban KH&CN, ĐHQGHN đã bày tỏ cảm ơn Bộ KH&CN đã phối hợp tổ chức hội nghị này. Thông qua buổi tập huấn, các nhà khoa học của ĐHQGHN sẽ tiệm cận được với các chính sách quản lý của Nhà nước về KH&CN, nâng cao chất lượng nghiên cứu nhằm đưa các khoa học công nghệ đến với thực tiễn của cuộc sống.

Tinh giản hóa thủ tục cho các đề tài nghiên cứu khoa học
PGS.TS. Vũ Văn Tích, Trưởng Ban KH&CN, ĐHQGHN phát biểu tại Hội nghị.

PGS.TS. Vũ Văn Tích mong muốn Bộ KH&CN đơn giản các thủ tục hành chính, cùng  phối hợp với ĐHQGHN trong việc triển khai chính phủ điện tử, công nghệ chuyển đổi số, chia sẻ nhiệm vụ, tích hợp và triển khai lâu dài, bền vững. Tăng cường mối quan hệ thân thiết vì một mục tiêu chung để khoa học và công nghệ nước nhà phát triển hiệu quả. Sau hội nghị, ĐHQGHN sẽ tổng hợp các ý kiến đề xuất của các nhà khoa học, các giải pháp để gửi Bộ KH&CN.

Tinh giản hóa thủ tục cho các đề tài nghiên cứu khoa học

Hội nghị đã nghe 04 báo cáo giới thiệu Thông tư số 10/2019/TT –BKHCN quy định quản lý nhiệm vụ KH&CN theo Nghị định thư và các điểm mới so với trước đây; chương trình hợp tác nghiên cứu chung với các đối tác nước ngoài; phần mềm quản lý nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia dành cho cá nhân nhà khoa học, Tổ chức chủ trì và chủ nhiệm nhiệm vụ.

Tinh giản hóa thủ tục cho các đề tài nghiên cứu khoa học
Các đại biểu tham dự Hội nghị chụp ảnh kỷ niệm.

Đại diện Bộ KH&CN, bà Hà Thị Lâm Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ hợp tác Quốc tế cho biết: văn bản mới của Bộ KH&CN theo Thông tư 10 quy định quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo Nghị định thư (gọi tắt Thông tư 10) có nhiều điểm mới giúp nhà khoa học thuận lợi hơn trong việc đăng ký, triển khai nhiệm vụ nghiên cứu với các đối tác nước ngoài. Cụ thể có nhiều hợp tác với các đối tác nước ngoài (vì yếu tố quản trị hợp tác quốc tế trong mỗi đề tài đánh giá 1/3 điểm); Thông tư 10 cũng đơn giản hóa được các thủ tục hành chính; rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ từ 10 tháng xuống còn 5 tháng; phát huy được tinh thần sáng tạo của các nhà khoa học; tiệm cận với quy định của quốc tế; xét duyệt hóa quy trình tin học hóa (nhà khoa học đăng ký, nộp hồ sơ, tham gia xét duyệt nhiệm vụ và hợp đồng xét duyệt bằng điện tử) tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học ĐHQGHN nói riêng và cả nước nói chung dễ thực hiện hơn.

Là một trong những trường Đại học nghiên cứu hàng đầu của cả nước, Trường Đại học Khoa học Khoa học Tự nhiên (ĐHQGHN) hiện có 06 trung tâm nghiên cứu, 01 Phòng thí nghiệm trọng điểm cấp nhà nước, 05 Phòng thí nghiệm trọng điểm cấp ĐHQGHN.

Trường có 85 phòng thí nghiệm (PTN) và phòng máy phục vụ giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học với hơn 4.000 đầu mục thiết bị. Các phòng thí nghiệm được chia làm 03 nhóm: PTN Thực hành cơ sở; PTN Chuyên đề; PTN  Mục tiêu, Trọng điểm. Một số phòng thí nghiệm được trang bị máy móc hiện đại, tương đồng với các phòng thí nghiệm hiện đại của khu vực và thế giới. Trường đã xây dựng được đội ngũ cán bộ tâm huyết, trình độ cao. Trường hiện có: 302 giảng viên cơ hữu, trong đó 301 giảng viên có học vị từ thạc sĩ trở lên. Trường có 19 Giáo sư, 110 Phó giáo sư, 162 Tiến sĩ. Trong số giảng viên của Trường có 04 Nhà giáo Nhân dân, 14 Nhà giáo ưu tú.