Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHKHTN) - ĐHQGHN đăng cai tổ chức “Hội thảo quốc tế về Sinh học phân tử tế bào tại 19 Lê Thánh Tông, Hà Nội.

Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHKHTN) - ĐHQGHN đăng cai tổ chức “Hội thảo quốc tế về Sinh học phân tử tế bào tại 19 Lê Thánh Tông, Hà Nội.

Tham dự Hội thảo có GS.TS. Phan Tuấn Nghĩa - Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHTN; GS. Harvey Lodish - Học viện công nghệ Massachusetts; PGS. Lê Nguyệt Minh, PGS. Ban Kiwon, PGS. Yang Sungchil, PGS. Terrence Lau - Đại học thành phố Hồng Kông (City University of Hong Kong); TS. Nguyễn Xuân Hưng - Viện nghiên cứu tế bào gốc và công nghệ gen - Bệnh viện quốc tế Vinmec cùng đông đảo các nhà khoa học đến từ trong và ngoài nước.

Đây là diễn đàn chia sẻ, trao đổi học thuật, thông tin về các thành tựu mới trong lĩnh vực Sinh học phân tử tế bào, đồng thời tạo điều kiện để mở rộng các nhóm nghiên cứu, giao lưu và kết nối các nhà khoa học tại các trường đại học, các viện nghiên cứu trong và ngoài nước.

GS.TS. Phan Tuấn Nghĩa - Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHTN phát biểu

Phát biểu khai mạc, GS.TS. Phan Tuấn Nghĩa - Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHTN nhấn mạnh: Sinh học phân tử tế bào đóng vai trò quan trọng và có nhiều thành tựu góp phần thay đổi cuộc sống. Trong lĩnh vực Sinh học, các nhà khoa học không thể nghiên cứu khoa học mà không có kiến thức về Sinh học phân tử tế bào. Đó là lý do Hội thảo về Sinh học phân tử tế bào này có thể được đánh giá cao”.

Thay mặt Ban Giám hiệu Trường ĐHKHTN, GS.TS. Phan Tuấn Nghĩa gửi lời cảm ơn chân thành đến GS. Harvey Lodish bởi những đóng góp của ông từ hơn 10 năm trước tới Trường ĐHKHTN. GS. Harvey Lodish đã giúp các giảng viên, cán bộ Khoa Sinh học, Trường ĐHKHTN kết nối với các nhà khoa học của Trường Đại học Tufts (Tufts University), bang Massachusetts, Hoa Kỳ và xây dựng chương trình đào tạo chuẩn quốc tế về Sinh học. 

GS.TS. Phan Tuấn Nghĩa tặng hoa và quà lưu niệm đến GS. Harvey Lodish

Trong khuôn khổ buổi Hội thảo, GS. Harvey Lodish cùng nhóm dịch đã giới thiệu bộ sách “Sinh học phân tử của tế bào” đến với các đọc giả. Sinh học phân tử của tế bào (Molecular Cell Biology) là cuốn sách nổi tiếng trên thế giới về lĩnh vực này, được viết bởi các nhà khoa học danh tiếng của Hoa Kỳ. Bản gốc sách Sinh học phân tử của tế bào đến nay đã được dịch ra 11 thứ tiếng.

GS.TS. Phan Tuấn Nghĩa tặng hoa và quà lưu niệm đến GS. Harvey Lodish  và nhóm dịch sách Sinh học phân tử của tế bào (Molecular Cell Biology) 

Không chỉ phục vụ giới khoa học chuyên ngành, Sinh học phân tử của tế bào còn là một cuốn sách giáo khoa dành cho sinh viên đại học và sau đại học: chứa đựng các thông tin súc tích và cập nhật về hoạt động của tế bào ở mức phân tử. 

Cuốn sách tổng hợp các kiến thức thiết yếu trong sinh học tế bào, di truyền học, hệ gene học, hóa sinh học và sinh học phát triển, đồng thời đưa ra rất nhiều ví dụ minh họa trong y học, công nghệ sinh học và sinh học thực vật. Các tác giả còn đưa ra những giải thích chi tiết về các phương pháp và kỹ thuật mà các nhà khoa học đã dùng để khám phá ra các tri thức đó. Chính vì thế người đọc có thể nắm vững hơn các công nghệ cần thiết để đi sâu hơn vào các lĩnh vực nghiên cứu mới mẻ này. 

GS. Harvey Lodish ký tặng sách cho độc giả

GS. Harvey Lodish - tác giả của cuốn sách Sinh học phân tử của tế bào - Molecular Cell Biology và Cố vấn Khoa học cho dự án dịch sách, là thành viên sáng lập của Học viện nghiên cứu Sinh Y học Whitehead và là Giáo Sư ngành Sinh học và Kỹ thuật sinh học ở Học viện Công nghệ Massachusetts, thành phố Cambridge, bang Massachusetts, Hoa Kỳ. Ông cũng là thành viên của Viện Hàn Lâm Khoa học Quốc gia và Viện Hàn Lâm Khoa học và Nghệ Thuật Hoa Kỳ. Ông cũng đã từng là chủ tịch của Hiệp hội Sinh học Tế Bào Hoa Kỳ, từng là người sáng lập và cố vấn khoa học cho các công ty Genzyme, Inc., Arris Pharmaceuticals, Inc, Millennium Pharmaceuticals, Inc, và Allozyne, Inc.

Phòng thí nghiệm của GS. Harvey Lodish từng có hai nghiên cứu sinh sau tiến sĩ về sau đoạt giải Nobel danh giá, là Aaron Ciechanover (giải Nobel Hóa học năm 2004) và James Rothman (giải Nobel Sinh lý và Y khoa năm 2013). 

Hội thảo nhận được sự hưởng ứng của đông đảo giảng viên, nhà khoa học từ nhiều trường đại học và viện nghiên cứu, với 6 bài trình bày khoa học đến từ các nhà khoa học nổi tiếng trong lĩnh vực Sinh học phân tử tế bào.

GS. Harvey Lodish trình bày đề tài khoa học: “Điều hòa quá trình sản xuất hồng cầu để phát triển các liệu pháp mới do bệnh thiếu máu”

PGS. Lê Minh Nguyệt trình bày đề tài khoa học: “Công nghệ mới đưa liệu pháp gen trong túi xuất bào của hồng cầu để chữa ung thư”

PGS. Ban Kiwon trình bày đề tài khoa học: “Phát triển các chiến lược mới dùng tế bào gốc để chữa bệnh tim mạch”

PGS. Yang Sungchil trình bày đề tài khoa học: “Cơ chế và biện pháp chữa bệnh đau ảo tưởng bằng mô hình bập bênh”

PGS. Terrence Lau trình bày đề tài khoa học: “Tìm kháng sinh mới để trị vi khuẩn kháng thuốc”

TS. Nguyễn Xuân Hưng trình bày đề tài khoa học: “Cơ chế và đặc trưng miễn dịch của bệnh ngủ rũ”