Ngày 14/12/2017, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN đã tổ chức Hội thảo khoa học "Tăng cường liên kết về khoa học và công nghệ với doanh nghiệp và địa phương". Chủ đề hội thảo đã thể hiện rõ mong muốn và quyết tâm hợp tác với doanh nghiệp và địa phương để ứng dụng những kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tiễn của Nhà trường.

Ngày 14/12/2017, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN đã tổ chức Hội thảo khoa học "Tăng cường liên kết về khoa học và công nghệ với doanh nghiệp và địa phương". Chủ đề hội thảo đã thể hiện rõ mong muốn và quyết tâm hợp tác với doanh nghiệp và địa phương để ứng dụng những kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tiễn của Nhà trường.

Toàn cảnh Hội thảo khoa học "Tăng cường liên kết về khoa học và công nghệ với doanh nghiệp và địa phương"

Hội thảo có sự hiện diện của đại diện lãnh đạo của Trung tâm Thiết kế, Chế tạo và Thử nghiệm, Cục Ứng dụng Công nghệ (Bộ KH&CN), Ban Khoa học Công nghệ và Trung tâm Chuyển giao tri thức và Hỗ trợ Khởi nghiệp (ĐHQGHN), Sở KH&CN Hà Nội, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, Công ty TNHH MTV Dầu khí Sông Hồng, Công ty CP Anabio Research & Development, Công ty TNHH Giải pháp công nghệ UHC Việt Nam. 

Về phía Trường ĐHKHTN có đại diện Ban Giám hiệu Trường, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc và các nhà khoa học chủ nhiệm các đề tài KH&CN có sản phẩm ứng dụng trong những năm gần đây. 

GS.TS. Phan Tuấn Nghĩa chủ trì Hội thảo

Phát biểu khai mạc, GS.TS. Phan Tuấn Nghĩa - Phó Hiệu trưởng khẳng định thế mạnh nghiên cứu cơ bản của Trường ĐHKHTN, đồng thời thẳng thắn nhìn nhận thực tế số lượng các nghiên cứu ứng dụng và hợp đồng với doanh nghiệp còn khiêm tốn. Theo Giáo sư,Trường ĐHKHTN cần chú trọng hợp tác với doanh nghiệp và địa phương trong việc xây dựng và thực hiện các đề tài và phát triển kết quả nghiên cứu định hướng phục vụ nhu cầu của xã hội và góp phần phát triển đất nước. Đây là hoạt động cần thiết trong lộ trình thực hiện chiến lược trở thành trường đại học nghiên cứu tiên tiến có thứ hạng cao trong bảng xếp hạng các trường đại học quốc tế.

PGS.TS. Trần Quốc Bình, Trưởng phòng KH-CN, Trường ĐHKHTN trình bày báo cáo "Hợp tác về KH&CN giữa Trường ĐHKHTN với các doanh nghiệp và địa phương: thực trạng và một số giải pháp phát triển"

Hội thảo đã lắng nghe 4 báo cáo của đại diện Trường ĐHKHTN, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội và Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông. Nhờ tính thiết thực và hấp dẫn của chủ đề, Hội thảo đã trở thành diễn đàn sôi nổi, cởi mở, nhận được nhiều chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn của các báo cáo viên cũng như đại biểu tham dự. Các trao đổi, chia sẻ đều hướng đến mục tiêu phát triển các sản phẩm KH&CN, đưa các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn.

GS.TSKH. Lưu Văn Bôi, Giám đốc PTN Trọng điểm về Phát triển năng lượng sinh học, Trường ĐHKHTN có nhiều chia sẻ thực tế thú vị qua báo cáo "Hợp tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ với các doanh nghiệp và địa phương"

Báo cáo "Thúc đẩy nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ thông qua hợp tác giữa trường đại học với doanh nghiệp" của PGS.TS. Nguyễn Ngọc Trung, Phó Trưởng phòng KH-CN, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã cung cấp nhiều thông tin hữu ích cho Hội thảo.

Đặc biệt, những chia sẻ tâm huyết từ góc độ doanh nghiệp của ông Nguyễn Đoàn Thăng, Tổng Giám đốc Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông đã thu hút sự quan tâm của toàn thể Hội thảo. Gần 60 năm hình thành, phát triển, trong đó có 27 năm liên tục tăng trưởng, ông Nguyễn Đoàn Thăng nhấn mạnh: "Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông phát triển được như ngày hôm nay là nhờ chủ trương chú trọng đầu tư và ứng dụng khoa học và công nghệ".

Qua chia sẻ về các đề tài nghiên cứu cụ thể của công ty, ông Đoàn Thăng đúc kết: "Chúng tôi tạo mọi điều kiện cho khoa học và công nghệ, từ quy trình đến kinh phí,… Không có khoa học và công nghệ, không tồn tại được lâu".

Nói về "Nhu cầu hợp tác KH&CN của Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông với Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN", Tổng Giám đốc Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông đã gửi lời mời Nhà trường sang công ty thăm quan, thảo luận về những vấn đề bức bách, cấp thiết. "Chúng tôi cần các nhà khoa học tham gia nghiên cứu sâu hơn để giải quyết các bài toán thực tiễn hiệu quả hơn", ông Đoàn Thăng bày tỏ.

Hội thảo nhận được rất nhiều trao đổi, thảo luận và đề xuất nhiều giải pháp nhằm tăng cường mối liên kết giữa Trường Đại học với Doanh nghiệp và Địa phương. Dưới đây là một số hình ảnh của Hội thảo:

TS. Nguyễn Hoà Anh, Tổng Giám đốc Công ty CP Anabio Research & Development cho biết đã mua nhiều công nghệ của Trường ĐHKHTN và rất hài lòng. Có những công nghệ hoàn toàn mới trên thế giới nên được khách hàng quốc tế ưa chuộng. Theo Tiến sĩ, tốc độ phát triển nhanh chóng đó gặp một số trở ngại do cơ chế và mong muốn được tạo điều kiện để chất xám và công sức của hai bên sớm đi vào thực tiễn

PGS.TS. Đỗ Quang Huy - Giám đốc Công ty TNHH Khoa học Tự nhiên - doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc Trường ĐHKHTN, ĐHQGHN

Ông Nguyễn Đình Uyên, Giám đốc Công ty TNHH Giải pháp công nghệ UHC Việt Nam chia sẻ tại hội thảo

Ông Nguyễn Trường Phi, Giám đốc Trung tâm Thiết kế, Chế tạo và Thử nghiệm, Cục Ứng dụng Công nghệ, Bộ KH&CN hồi đáp một số thắc mắc của các đại biểu, đồng thời chia sẻ một số giải pháp như tăng cường hợp tác doanh nghiệp - Nhà trường và thúc đẩy niềm tin cho doanh nghiệp

PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội cho rằng Nhà trường cần tiếp cận 41 doanh nghiệp KH&CN của Hà Nội. Và ông cũng cho hay, năm 2018, TP. Hà Nội sẽ triển khai Đề án khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo, theo đó, những khởi nghiệp sáng tạo sẽ được hỗ trợ đặc biệt. Đề án này rất cần Nhà trường góp sức. "Sở sẽ đẩy mạnh gắn kết Trường, Viện với doanh nghiệp và địa phương", PGS khẳng định.

Bà Lê Thanh Hiếu, Trưởng Phòng Quản lý Công nghệ, Sở KH&CN Hà Nội cho rằng Trường cần chú trọng cung cấp nhiều thông tin về các sản phẩm từ đề tài nghiên cứu đã được thương mại hóa, các sản phẩm cần hỗ trợ để thương mại hóa trên Website Trường để Sở có thể nắm bắt và hỗ trợ

Ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Dầu khí Sông Hồng có nhiều chia sẻ với Hội thảo

GS.TS. Mai Trọng Nhuận, Chủ tịch Hội đồng đảm bảo chất lượng ĐHQGHN, Giám đốc PTN Trọng điệm về Địa môi trường và Ứng phó biến đổi khí hậu, nguyên Giám đốc ĐHQGHN phát biểu tại Hội thảo

Trong giai đoạn 2012-2017, Trường ĐHKHTN đã có hợp tác về KH&CN với trên 100 tổ chức khác nhau trong nước, thể hiện bởi hơn 200 hợp đồng dịch vụ KH&CN, chuyển giao công nghệ hay nhiệm vụ theo đặt hàng của địa phương. Các đối tác của Trường khá đa dạng, bao gồm các tập đoàn kinh tế lớn như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam; các doanh nghiệp như Công ty Cổ phần Anabio R&D, Công ty TNHH MTV Dầu khí Sông Hồng, Liên đoàn Địa chất biển, Liên đoàn Bản đồ Địa chất Miền Bắc; các cơ quan địa phương như UBND Thành phố Hà Nội, các tỉnh Quảng Ninh, Ninh Bình, Thanh Hóa, Quảng Trị,...

Các hoạt động hợp tác về KH&CN với doanh nghiệp và địa phương trong những năm gần đây tuy đã đóng góp đáng kể vào cơ cấu hoạt động KH&CN của Trường ĐHKHTN, song, kết quả của các hoạt động hợp tác này chưa thật sự tương xứng với tiềm lực về KH&CN của Trường ĐHKHTN, cả về phương diện tài chính lẫn phương diện khoa học.