Ngày hội STEM 2018, có tên gọi “Chạm o o o o – Touch o o o o”, dành cho học sinh từ 8 đến 18 tuổi ở khu vực phía Bắc sẽ mang tới cơ hội thực hành những thí nghiệm thú vị và thách thức khả năng sáng tạo của học sinh nhằm giải quyết những vấn đề của thời đại 4.0.

Ngày hội STEM 2018, có tên gọi “Chạm o o o o – Touch o o o o”, dành cho học sinh từ 8 đến 18 tuổi ở khu vực phía Bắc sẽ mang tới cơ hội thực hành những thí nghiệm thú vị và thách thức khả năng sáng tạo của học sinh nhằm giải quyết những vấn đề của thời đại 4.0.

Sự kiện năm nay do Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN phối hợp với Báo Khoa học và Phát triển, Học viện Sáng tạo S3, Học viện STEM, Kidscode, và PoMath, Long Minh tổ chức. Ngày hội được Bộ Khoa học và Công nghệ bảo trợ, Ấn phẩm Tia sáng (thuộc báo Khoa học và Phát triển) bảo trợ thông tin.

Ngày hội dự kiến diễn ra từ 8h00 đến 17h00, Chủ nhật, ngày 13/5/2018 tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, 334 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội.

PGS.TSKH. Vũ Hoàng Linh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, đại diện đơn vị đăng cai, Trưởng Ban tổ chức Ngày hội STEM 2018 chia sẻ tại họp báo công bố sự kiện

“Chạm vào CMCN 4.0” là chủ đề của Ngày hội STEM 2018. Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đang tác động sâu rộng đến mọi mặt xã hội và từng cá nhân; tạo ra những cơ hội và thách thức to lớn về đổi mới sáng tạo, đổi mới công nghệ. Trong số các tiêu chuẩn nền tảng để đánh giá mức độ sẵn sàng cho nền sản xuất trong tương lai, được dẫn dắt bởi CMCN 4.0, thì các yếu tố về phát triển nguồn nhân lực và đổi mới sáng tạo công nghệ của Việt Nam đều có điểm số thấp.  Nhiều chuyên gia công nghệ cho rằng, nếu không tập trung vào đổi mới giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực, Việt Nam sẽ không thể “nhảy tắt” lên đoàn tàu CMCN 4.0. Do vậy, cần phải đổi mới sáng tạo, đổi mới giáo dục và đào tạo ngay theo hướng giúp người học “học cách học” suốt đời chứ không chỉ là “chỉ dạy kiến thức” và sẽ phải đạt được các mục tiêu sau: giúp trẻ yêu thích và học cách học; học cách hiểu, làm việc và hợp tác với mọi người; hiểu về những vấn đề phức tạp và xử lý được những vấn đề phức tạp, xử lý được những rủi ro. Giáo dục STEM giúp đáp ứng được những đòi hỏi đó. Và với chủ đề “chạm” vào CMCN 4.0, Ngày hội STEM 2018 sẽ giúp các em học sinh bắt đầu tập “học cách học” và học cách giải quyết vấn đề thông qua các thực hành, thực nghiệm công nghệ mới của thời đại 4.0 như in 3D, trí tuệ nhân tạo, lập trình robot tự hành, thực tế ảo…

Màn trình diễn “Điều khiển cánh tay robot bằng ý nghĩ” ngay tại Họp báo - một sản phẩm STEM đạt giải nhì cuộc thi Visef 2017 của hai học sinh lớp 8 trường THCS Trưng Vương thu hút sự quan tâm của báo giới

Sự kiện này được tổ chức hằng năm trong khuôn khổ Ngày hội Khoa học và Công nghệ Việt Nam từ bốn năm nay theo sáng kiến của Tạp chí Tia Sáng (nay là Ấn phẩm Tia Sáng của báo Khoa học và Phát triển, Bộ Khoa học và Công nghệ) và Liên minh Giáo dục STEM, dưới sự bảo trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Với mục đích phổ biến và nâng cao nhận thức xã hội về giáo dục STEM, một mô hình giáo dục hiện đại đã được triển khai tại các nước Âu-Mỹ, Ngày hội STEM là cơ hội tốt để học sinh làm quen với việc phát triển ý tưởng sáng tạo và hướng nghiệp ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, còn các nhà quản lý giáo dục – đào tạo và giáo viên tiếp cận phương pháp học qua hành hướng tới từng học sinh. Ngày hội STEM cũng là dịp để các trường đại học, viện nghiên cứu mở cửa đón tiếp học sinh, giáo viên và phụ huynh học sinh tham quan và trải nghiệm hoạt động của trường, nhằm kết nối trường phổ thông và đại học.