Ngày 23/11/2017, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN khởi động dự án "Tiếp thu và làm chủ công nghệ dự báo bão hạn mùa bằng mô hình động lực, phục vụ công tác đảm bảo an toàn cho các hoạt động kinh tế - xã hội và an ninh trên khu vực Biển Đông - Việt Nam" tại Khách sạn Thương Mại, Hà Nội.

Ngày 23/11/2017, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN khởi động dự án "Tiếp thu và làm chủ công nghệ dự báo bão hạn mùa bằng mô hình động lực, phục vụ công tác đảm bảo an toàn cho các hoạt động kinh tế - xã hội và an ninh trên khu vực Biển Đông - Việt Nam" tại Khách sạn Thương Mại, Hà Nội. GS.TS. Phan Văn Tân[1] - Chủ nhiệm dự án chủ trì Hội thảo.

Toàn cảnh Hội thảo

Tham dự Hội thảo có đại diện các đơn vị đến từ Bộ KH&CN, đại diện các tổ chức KH&CN công lập, đại diện các trường đại học và các đơn vị nghiên cứu liên quan, các chuyên gia trong và ngoài nước. Sự kiện nhằm cung cấp thông tin về dự án, trao đổi khoa học về mô hình AOGCM[2] của Tổ chức Nghiên cứu Công nghiệp và Khoa học Khối thịnh vượng chung (CSIRO) Australia, khả năng ứng dụng của mô hình này trong dự báo bão hạn mùa cho khu vực Biển Đông. Hội thảo cũng thảo luận về kế hoạch triển khai chi tiết và phương thức chuyển giao công nghệ.

PGS.TS. Nguyễn Tiền Giang, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHTN khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Tiền Giang, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHTN chỉ rõ thực trạng, mức độ nguy hiểm và thiệt hại do bão trên Biển Đông gây ra cho Việt Nam. Phó Hiệu trưởng khẳng định: "Đối với những hoạt động kinh tế - xã hội diễn ra nhiều ngày, thậm chí hàng tháng trên biển thì hạn dự báo của các bản tin thời tiết không còn khả năng đáp ứng". Để giải quyết vấn đề này, nhiệm vụ tiếp thu và làm chủ công nghệ dự báo bão hạn mùa được trao cho Trường ĐHKHTN.

GS.TS. Phan Văn Tân chủ trì Hội thảo

Chủ trì Hội thảo, GS.TS. Phan Văn Tân cho biết: "Hệ thống mô hình sẽ được tiếp thu là mô hình toàn cầu kết hợp đầy đủ cả thành phần khí quyển và đại dương nhưng có thể tăng độ phân giải tuỳ ý cho khu vực Việt Nam như một mô hình khu vực do nhóm tác giả của CSIRO xây dựng và phát triển. Nhóm tác giả đồng thời cũng là những chuyên gia trực tiếp tham gia vào dự án này. Sự hình thành dự án là kết quả của quá trình hợp tác nghiên cứu giữa nhóm REMOCLIC và các nhà khoa học CSIRO từ giữa những năm 2000 đến nay."

Dự án nhận được nhiều trao đổi, góp ý từ các đại biểu tham dự Hội thảo

Dự án được tài trợ bởi Quỹ "Nuôi dưỡng đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu khoa học và công nghệ" (FIRST[3]). "Khoản Tài trợ cho các Chuyên gia giỏi nước ngoài về Khoa học, Công nghệ và Đổi mới Sáng tạo" do nhóm nghiên cứu REMOCLIC của Trường ĐHKHTN đề xuất. Thỏa thuận tài trợ được ký kết ngày 01/6/2017.

Sản phẩm của dự án là một hệ thống bao gồm cả phần cứng và phần mềm, hoạt động ở chế độ nghiệp vụ có khả năng cung cấp thông tin dự báo, cảnh báo số lượng, thời gian và vùng hoạt động của bão trên khu vực Biển Đông và đất liền Việt Nam. Sản phẩm sẽ phục vụ công tác phòng tránh thiên tai, bảo đảm an toàn cho các hoạt động kinh tế và quốc phòng trên biển và trên đất liền. Điều đặc biệt nhất là hệ thống này có hạn dự báo lên đến 6 tháng.

 Chia sẻ của các chuyên gia nước ngoài

Trong khuôn khổ Hội thảo, đại diện của CSIRO - ông Jack Katzley và ông John McGregor đã giới thiệu về dự án “Conformal Cubic Atmospheric Model” (CCAM) và trao đổi với các nhà nghiên cứu khoa học Việt Nam về công nghệ dự báo bão cũng như thời tiết trong tương lai.

Ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ Hành chính sự nghiệp - đại diện Hội đồng quản lý Quỹ FIRST

Ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ Hành chính sự nghiệp - đại diện Hội đồng quản lý Quỹ FIRST cho rằng cần gắn liền dự án nghiên cứu này với thực tiễn để giúp ích hơn nữa cho cộng đồng. Đại diện Quỹ cho biết Quỹ luôn sẵn sàng tài trợ cho những dự án mang tính đóng góp cho lợi ích và phát triển cộng đồng.

Hội thảo khởi động dự án đã góp phần tăng cường mối liên kết giữa Trường ĐHKHTN với các chuyên gia, tổ chức trong và ngoài nước, làm tiền đề cho các hoạt động tiếp theo của dự án. Chương trình cũng cung cấp góc nhìn tổng quan về dự án cho các tổ chức, cá nhân liên quan tới hoạt động chuyển giao công nghệ.


[1] Giáo sư Phan Văn Tân là giảng viên cao cấp, bộ môn Khí tượng và Biến đổi khí hậu thuộc Khoa Khí tượng Thuỷ văn và Hải dương học, Trường ĐHKHTN, ĐHQGHN. Giáo sư là nhà nghiên cứu kỳ cựu với các hướng nghiên cứu chính: Mô hình hóa khí hậu khu vực; Dao động và biến đổi khí hậu; Dự báo hạn mùa; Tương tác bề mặt đất – khí quyển; Ban đầu hóa xoáy và dự báo bão; Ban đầu hóa độ ẩm đất trong các mô hình số.

[2] AOGCM (Atmosphere-Ocean General Circulation Model): Mô hình hoàn lưu chung khí quyển - đại dương

[3] Dự án FIRST do Bộ Khoa học và Công nghệ vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Thế giới, thực hiện trong 60 tháng, từ ngày 22/10/2013 đến ngày 30/6/2019. Mục tiêu dài hạn của dự án là góp phần hỗ trợ nâng cao năng suất, khả năng cạnh tranh và chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam thông qua việc tăng cường hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ, thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động sáng tạo, đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp để tạo thêm giá trị gia tăng cho nền kinh tế.