Sáng 05/10, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên và Trường Đại học Witten - Herdecke (Cộng hòa Liên bang Đức) đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Yên Bái. Buổi làm việc nhằm trao đổi kinh nghiệm, khả năng triển khai và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong giải quyết các bài toán cấp thiết thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ, tài nguyên và môi trường, nông nghiệp và phát triển nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Đoàn công tác của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên do PGS.TS. Nguyễn Tiền Giang - Phó Hiệu trưởng dẫn đầu, bao gồm PGS.TS. Trần Văn Quy - Trưởng Ban Quản lý các dự án xây dựng và TS. Đào Sỹ Đức – Bí thư Đoàn thanh niên. Về phía Trường Đại học Witten - Herdecke có GS.TS. Carsten Haneke - Giám đốc Kỹ thuật, Viện Kỹ thuật và Quản lý môi trường.

Đón tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Nguyễn Chiến Thắng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh và các Sở: Khoa học - Công nghệ (KHCN), Tài nguyên  - Môi trường, Nông nghiệp - Phát triển nông thôn.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng giới thiệu tiềm năng thế mạnh của tỉnh Yên Bái với đoàn công tác

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Chiến Thắng cho biết tỉnh luôn quan tâm đến phát triển, ứng dụng KHCN trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Phó Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn đoàn công tác nghiên cứu, lựa chọn các nội dung phù hợp để xây dựng, triển khai các dự án tại Yên Bái trong thời gian tới.

Căn cứ vào tiềm năng, thế mạnh cũng như những vấn đề cấp thiết của Yên Bái, đại diện lãnh đạo hai trường đại học cùng UBND tỉnh trao đổi về các lĩnh vực Nhà trường có kinh nghiệm và thế mạnh như: chống biến đổi khí hậu, xử lý nước thải gây ô nhiễm môi trường, khai thác nguồn tài nguyên khoáng sản và hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực KHCN, … Lãnh đạo hai trường mong muốn tiến hành khảo sát thực tế tại các địa phương và làm việc với Sở KHCN nhằm tìm hiểu thêm về những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh để có chương trình hợp tác cụ thể.

Buổi làm việc đã mở ra nhiều hướng và triển vọng hợp tác cụ thể giữa Nhà trường và địa phương. Đại diện UBND tỉnh Yên Bái, đồng chí Nguyễn Chiến Thắng đặt nhiều niềm tin vào Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN - trung tâm đào tạo, nghiên cứu KHCN lớn và Trường Đại học Witten – Herdecke đến từ CHLB Đức với nền công nghệ phát triển. UBND tỉnh mong muốn và hy vọng hai trường sẽ có sự hợp tác tốt với tỉnh để có thể cùng triển khai, giải quyết các vấn đề đã được nêu.

PGS.TS. Nguyễn Tiền Giang – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên trao đổi về các nội dung hợp tác

Thời gian qua, bám sát chủ trương, định hướng phát triển KHCN của Đảng, Chính phủ và kế hoạch đề ra, hàng năm trên cơ sở kinh phí ngân sách Trung ương phân bổ, UBND tỉnh Yên Bái đã cân đối theo hướng ưu tiên dành phần lớn kinh phí sự nghiệp khoa học phục vụ cho hoạt động nghiên cứu, triển khai, đổi mới công nghệ, phát triển tiềm lực KHCN. Trong đó, các nhiệm vụ KHCN chủ yếu tập trung vào nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nhằm phục vụ mục tiêu thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Được biết, trong giai đoạn 2012 – 2016, tỉnh Yên Bái triển khai 215 đề tài, dự án khoa học cấp tỉnh, trong đó 133 đề tài lĩnh vực sản xuất nông lâm nghiệp, 56 đề tài lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn; 26 đề tài, dự án khác…. Các nhiệm vụ KHCN đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế  - xã hội của tỉnh.

GS.TS. Carsten Haneke - Giám đốc Kỹ thuật, Viện Kỹ thuật và Quản lý môi trường, Trường Đại học Witten - Herdecke nêu định hướng hợp tác và nhấn mạnh khả năng chuyển từ kết quả nghiên cứu sang áp dụng vào thực tế

Trường Đại học Khoa học Tự nhiên và Trường Đại học Witten - Herdecke có mối quan hệ hợp tác tốt đẹp từ lâu. Tiêu biểu nhất là trong dự án AKIZ - Phát triển công nghệ xử lý nước thải trong các khu công nghiệp trên cơ sở hệ thống tổ hợp tương hỗ với các giải pháp thân thiện với môi trường để kiểm soát nước thải, sản xuất năng lượng, thu hồi các thành phần có ích cho các nước đang phát triển trong vùng nhiệt đới. Mô hình được triển khai tại khu công nghiệp Trà Nóc, Cần Thơ, Việt Nam. Dự án này do Chính phủ CHLB Đức tài trợ. Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – ĐHQGHN và Viện Kỹ thuật và Quản lý Môi trường – Trường Đại học Witten - Herdecke là hai đại diện điều phối dự án phía Việt Nam và CHLB Đức. Về phía Việt Nam, có 08 trường đại học và viện tham gia dự án, gồm: Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – ĐHQGHN, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, Trường Đại học Cần Thơ, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, Viện Hóa học – Viện KHCN Việt Nam, Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam, Viện Tài nguyên và Môi trường – ĐHQG TP. Hồ Chí Minh.