Sau lễ khai mạc vào ngày 18/9/2018, dự án “Mạng giáo dục Việt Nam-châu Âu cho phát triển chương trình đào tạo Kinh tế sinh học và Rừng bền vững - BioEcoN” đã tiếp tục họp từ ngày 19 tới ngày 21/9/2018 tại Khu đô thị Đại học Quốc gia Hà Nội ở Hòa Lạc và tại Vườn Quốc gia Cúc Phương.

Ngoài việc phát triển chương trình đào tạo gồm 18 mô-đun với các hình thức giảng dạy hiện đại, chương trình còn xây dựng ô tiêu chuẩn Marteloscope phục vụ thực hành, thực tập cho sinh viên nghiên cứu về rừng và đa dạng sinh học. Ô tiêu chuẩn Marteloscope là một khu vực nghiên cứu cố định trong rừng có sử dụng các phương pháp đo đạc và phần mềm liên quan để cung cấp thông tin cho việc cho đào tạo về môi trường, sinh thái học và rừng.

Được sự hỗ trợ của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên cũng như Trung tâm phát triển Đại học Quốc gia tại Hòa Lạc, dự án BioEconet đã tiến hành xây dựng được một ô tiêu chuẩn Marteloscope trên diện tích 1 ha tại khu vực cốt 43m ở Đại học Quốc gia Hà Nội. Dự án đã xây dựng ô tiêu chuẩn Marteloscope có diện tích 1 ha, gấp 10 lần các ô tiêu chuẩn hiện nay ở trong nước với diện tích trung bình chỉ là 0,1 ha, với mục đích cung cấp cái nhìn chi tiết về đa dạng sinh học, tài nguyên rừng, sinh thái học, lâm sinh học. Nhờ ô tiêu chuẩn, sinh viên có thể nâng cao kiến thức thực hành, các nhà hoạch định chính sách có thể sử dụng nghiên cứu hay đưa ra những quyết định phù hợp.

 

Dự án đã sử dụng các công nghệ từ đơn giản nhất như thước đo, thước ngắm, la bàn, tới các công cụ hiện đại như máy ảnh kỹ thuật số, thước laser, máy bay không người lái, định vị đa tần, máy toàn đạc, hệ thống thông tin địa lý, xây dựng bản đồ 3 chiều, video 360 độ, các chương trình, phần mềm GIS, thống kê, hệ thống thông tin môi trường trực tuyến để quản lý, cập nhật cơ sở dữ liệu thu được từ khu vực nghiên cứu.

Khu vực rừng được sử dụng để xây dựng ô tiêu chuẩn Marteloscope được chia thành 16 ô nhỏ gọi là Subplot được đánh số từ 1 tớt 16. Các cây trong mỗi subplot được gắn nhãn với số hiệu nhận dạng nhất định và được định vị bằng GPS đa tần kết hợp với máy toàn đạc dẫn điểm từ các mốc tọa độ địa chính quốc gia và đưa lên trên bản đồ. Toàn bộ cây tại khu vực nghiên cứu đều được gắn nhãn đánh số, định vị, ghi nhận các thông tin liên quan tới việc nghiên cứu tăng trưởng, tính toán sinh khối, trữ lượng các-bon, mức độ đa dạng sinh học. Các thông tin này đều đã được số hóa và được xây dựng thành một cơ sở dữ liệu hoàn chỉnh phục vụ cho công tác nghiên cứu, giảng dạy và học tập. Đây là một không gian mở cho cán bộ và sinh giảng dạy, nghiên cứu và học tập.

Thông tin về Marteloscope tại Đại học Quốc gia Hà Nội và dự án BioecoN có thể tìm hiểu tại các địa chỉ:

http://sostenible.palencia.uva.es/rutas/VNU_Marteloscope_1/ và http://bioecon.eu/