Vòng chung kết cuộc thi “Đua xe lập trình lần thứ 2” với tên gọi “HUS-RACING/2/2014” diễn ra vào chiều ngày 26/11/2014, tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội với sự tham dự của 16 đội dự thi và sự cổ vũ của đông đảo cán bộ, sinh viên trong và ngoài trường.

Vòng chung kết cuộc thi “Đua xe lập trình lần thứ 2” với tên gọi “HUS-RACING/2/2014” diễn ra vào chiều ngày 26/11/2014, tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội với sự tham dự của 16 đội dự thi và sự cổ vũ của đông đảo cán bộ, sinh viên trong và ngoài trường.

Anh Lê Quang Thảo - cán bộ Khoa Vật lý, phụ trách chính về lĩnh vực chuyên môn của cuộc thi cho biết: “Cuộc thi đã được phát động từ tháng 9/2014. Bộ môn Vật lý Vô tuyến đã tổ chức các đợt tập huấn về thiết kế mạch điện tử, cơ khí; tập huấn về lập trình cho tất cả sinh viên quan tâm trước khi nhận danh sách đăng ký chính thức và diễn ra các vòng thi đấu sơ loại”.

Hình ảnh một vài xe tham dự cuộc đua

Sinh viên được lựa chọn thiết kế các loại xe thi đấu với kiểu dáng khác nhau, có đội hình cánh con cánh cam, có đội thiết kế mang theo cờ, và bản đồ Tổ quốc. Dù thiết kế theo kiểu dáng nào vẫn đảm bảo yêu cầu “Khi bắt đầu hoạt động, xe tự động phải tự động hoàn toàn, con người không được can thiệp bằng bất kỳ hình thức nào. Khi hoạt động, ít nhất xe đua tự động phải chạy được quãng đường tối thiểu bằng 3m (trong trường hợp làm xe cản phá bằng xe tự động). Số lượng và kích thước xe đua tự động là không hạn chế, nhưng vùng xuất phát của xe tự động chỉ có kích thước 50cm x 50cm. Sau khi khởi động xong, xe tự động có thể thay đổi hình dạng, kích thước tùy ý. Nguồn điện cung cấp cho xe không được vượt quá 8 cục pin với loại pin sử dụng là pin AA hay pin sạc  1.2V. Có thể sử dụng ắc quy loại 12V. 

Các xe đang trên đường đua

Xe của mỗi đội sẽ bắt đầu từ ô xuất phát của đội mình. Sau đó đi thẳng đến khu vực vòng xuyến. Ở khu vực này, xe phải đi trọn 1 vòng sau đó thoát khỏi vòng xuyến và đi vào khu vực đường hầm (tượng trưng bằng đương đi bị đứt vạch dẫn). Sau khi đi hết khu vực đường hầm xe rẽ lên cầu  rồi cuối cùng quay về vạch đích để hoàn thành chặng đua. Có 2 đường đua song song lấy cầu làm trục đối xứng, mỗi 1 trận thi đấu sẽ có 2 đội đua. Xe  của 2 đội đua trước khi lên cầu phải đi qua trạm thu phí, tại đây, sau khi mua vé xong barie chỉ mở ra trong vòng 5 giây, do đó xe bắt buộc phải tăng tốc để qua barie trước khi bị chắn. Làn đường trên cầu là làn đường đơn, do vậy 2 xe sẽ xảy ra tranh chấp để chỉ 1 xe được lên trước. Ở mỗi kiểu đường đi, sẽ có các đèn báo hiệu, khi các xe hoàn thành chặng đua phải đảm bảo toàn bộ đèn báo chuyển từ đỏ sang xanh lá.

Lãnh đạo Nhà trường tham gia cổ vũ
 
…và nhiều cán bộ, sinh viên háo hức

Theo thông tin từ Ban Tổ chức cuộc thi, có hơn 32 đội, nhóm trong và ngoài Trường đăng ký tham gia và thi đấu các vòng sơ loại, tới vòng chung kết còn 16 đội tham gia trong đó có 01 đội từ Học viện Kỹ thuật Quân sự, 02 đội của Đại học Giao thông Vận tải, 01 đội của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, 01 đội của các em học sinh Trường THPT Chuyên KHTN, 01 đội của Khoa Toán - Cơ - Tin học và các đội của Khoa Vật lý, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên.

Chung cuộc, Ban tổ chức đã trao giải Nhất cho đội POWER, giải Nhì cho đội DG của Khoa Vật lý, giải Ba thuộc về đội ROBINHUS của học sinh Trường THPT Chuyên KHTN và giải thiết kế ấn tượng cho đội PHY-UTC của Đại học Giao thông Vận tải.

Các đội tham gia thi chụp ảnh lưu niệm với Ban tổ chức và lãnh đạo Nhà trường

Đây là sân chơi dành cho học sinh, sinh viên đam mê nghiên cứu khoa học trong và Trường. Dưới sự hướng dẫn của các Thầy, Cô giáo, học sinh, sinh viên tham dự cuộc thi được tiếp cận với lập trình và thiết kế sản phẩm tự động hóa thông qua ứng dụng kiến thức khoa học công nghệ được học. Bên cạnh đó, cuộc thi còn là nơi các sinh viên học tập, giao lưu và phát huy tính sáng tạo của bạn thân, rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm.

Được biết, đây là lần thứ 4, Bộ môn Vô tuyến của Khoa Vật lý được Trường Đại học Khoa học Tự nhiên giao nhiệm vụ tổ chức các sân chơi trí tuệ cho sinh viên trong và ngoài trường. Các lần thi trước đây như “đua xe lập trình lần thứ nhất”, “Lập trình đèn sáng tạo LED”, “Robot thu hoạch điểm 10”, v.v.. đã thu hút được đông đảo sự quan tâm của sinh viên trong và ngoài trường.

                                                            (Minh Khuê)