Sau 03 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc và hiệu quả, sáng ngày 2/11/2023, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã tổ chức Lễ bế mạc kỳ đánh giá ngoài chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn AUN-QA (ASEAN University Network Quality Assurance) lần thứ 358 cho 01 chương trình đào tạo của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên và 03 chương trình đào tạo của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.

Lễ bế mạc kỳ Đánh giá ngoài chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn AUN-QA lần thứ 358

Buổi Lễ bế mạc có sự tham dự của GS.TS. Rohaida Mohd.Saat, Trưởng đoàn đánh giá ngoài AUN-QA cùng các đánh giá viên. Về phía ĐHQGHN có sự tham dự của PGS.TS. Nguyễn Hoàng Hải, Phó Giám đốc ĐHQGHN; TS. Nghiêm Xuân Huy, Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục, ĐHQGHN; Ban Giám hiệu Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHKHTN); Ban Giám hiệu Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHKHXH&NV); đại diện lãnh đạo các phòng ban chức năng; đại diện lãnh đạo khoa và giảng viên các đơn vị có chương trình được kiểm định.

04 chương trình đào tạo (CTĐT) tham gia kiểm định lần này bao gồm: CTĐT Cử nhân ngành Xã hội học, Khoa Xã hội học, Trường ĐHKHXH&NV; CTĐT Cử nhân ngành Tâm lý học, Khoa Tâm lý, Trường ĐHKHXH&NV; CTĐT Cử nhân ngành Quốc tế học, Khoa Quốc tế học, Trường ĐHKHXH&NV; CTĐT Cử nhân ngành Công nghệ Kỹ thuật hạt nhân, Khoa Vật lý, Trường ĐHKHTN.

Trong thời gian làm việc từ ngày 31/10 đến ngày 2/11, Đoàn đánh giá ngoài đã thực hiện khảo sát; nghiên cứu các hồ sơ minh chứng; phỏng vấn các bên liên quan bao gồm nhà tuyển dụng, cựu sinh viên, người học; lãnh đạo các Khoa, bộ môn, trung tâm, các phòng chức năng, đại diện giảng viên; thu thập thông tin phản hồi của các bên liên quan; thẩm định tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp; kiểm tra, khảo sát cơ sở vật chất phục vụ cho các chương trình đào tạo như: thư viện, phòng học, phòng thực hành - thí nghiệm, khu ký túc xá, bệnh viện để xác thực các thông tin trong báo cáo tự đánh giá của các đơn vị, từ đó đưa ra các khuyến nghị giúp cải tiến và nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo. Trong đợt kiểm định lần này, AUN-QA áp dụng bộ tiêu chí đánh giá phiên bản 4.0 với 08 tiêu chí thay vì 11 tiêu chí như trước đây. Trong đó có 04 tiêu chí đánh giá về chương trình đào tạo là chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo, nội dung và cấu trúc chương trình, phương pháp tiếp cận dạy và học, đánh giá của người học; 03 tiêu chí đánh giá về nguồn lực là đội ngũ cán bộ khoa học, hoạt động hỗ trợ người học, cơ sở vật chất; 01 tiêu chí đánh giá về đầu ra và kết quả. Các tiêu chí này được đánh giá trên thang điểm từ 1 - 7.

Tại buổi bế mạc, các thành viên trong Đoàn đánh giá ngoài AUN-QA đã trình bày kết quả sơ bộ việc kiểm định các CTĐT, trong đó đánh giá cao các điểm mạnh chung của các CTĐT và kết quả đã đạt được về các mặt: nội dung chương trình đào tạo, phương pháp dạy và học, kiểm tra, đánh giá sinh viên, đội ngũ cán bộ khoa học, các dịch vụ hỗ trợ sinh viên, cơ sở vật chất, việc làm sau khi tốt nghiệp, từ đó có những đánh giá điều kiện đảm bảo chất lượng CTĐT theo thang đánh giá của AUN-QA. Đặc biệt Đoàn đánh giá cũng khuyến cáo những điểm cần cải tiến đối với từng chương trình và đề xuất các biện pháp để nâng cao chất lượng đào tạo.

Lễ bế mạc kỳ Đánh giá ngoài chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn AUN-QA lần thứ 358
PGS.TS. Robert Roleda Assessor, Trưởng nhóm đánh giá CTĐT Cử nhân ngành Công nghệ Kỹ thuật hạt nhân đang trình bày đánh giá sơ bộ tại lễ bế mạc

Chương trình Cử nhân ngành Công nghệ Kỹ thuật hạt nhân của Khoa Vật lý, Trường ĐHKHTN tham gia kiểm định lần này là chương trình đào tạo trong thời gian 04 năm, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, có tư duy sáng tạo, khả năng nghiên cứu phát triển và chuyển giao tri thức trong lĩnh vực hạt nhân. Sinh viên ngành Công nghệ Kỹ thuật hạt nhân được đào tạo thành thạo các kỹ năng nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ hạt nhân, vận hành các thiết bị về xạ trị, phân tích phóng xạ, xạ phẫu, năng lượng… để có thể thích ứng nhanh chóng với công việc sau khi ra trường.

Lễ bế mạc kỳ Đánh giá ngoài chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn AUN-QA lần thứ 358
TS. Ir. Johanes Pramana Gentur Sutapa, đánh giá viên CTĐT Cử nhân ngành Công nghệ Kỹ thuật hạt nhân đưa ra những đề xuất giúp nâng cao chất lượng chương trình

Theo đoàn đánh giá, CTĐT Cử nhân ngành Công nghệ Kỹ thuật hạt nhân của Khoa Vật lý, Trường ĐHKHTN có một số điểm mạnh như sau:

  • Các môn học được phân loại theo các nhóm: khối kiến thức chung, khối kiến thức cơ bản, khối kiến thức chuyên ngành. Mối quan hệ giữa các khối kiến thức được chỉ ra một cách rõ ràng, hợp lý từ đó giúp xây dựng một lộ trình học tập đúng đắn.

  • CTĐT phù hợp với yêu cầu của nhà tuyển dụng, đặc biệt trong lĩnh vực y học, ứng dụng trong môi trường và công nghiệp, các lĩnh vực nghiên cứu về hạt nhân.

  • Sinh viên có thể tự chủ và linh hoạt trong việc lựa chọn chuyên ngành và các môn học trong từng khối kiến thức.

  • Sinh viên được đào tạo theo chiến lược học tập tích cực thông qua kết hợp giữa lý thuyết và thực hành.

  • Đội ngũ giảng viên, cố vấn luôn hỗ trợ giúp sinh viên giải đáp, xử lý các vấn đề gặp phải trong quá trình học tập cũng như nghiên cứu.

Lễ bế mạc kỳ Đánh giá ngoài chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn AUN-QA lần thứ 358

Đại diện Đoàn đánh giá ngoài, GS.TS. Rohaida Mohd.Saat ghi nhận sự chuẩn bị, tổ chức chu đáo và gửi lời cảm ơn tới ĐHQGHN cùng các đơn vị thành viên đã luôn tin tưởng vào chất lượng kiểm định của hệ thống AUN-QA. GS.TS. Rohaida Mohd.Saat hy vọng những kết luận trong đợt đánh giá lần này sẽ góp phần nâng cao chất lượng các CTĐT, thúc đẩy phát triển mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa AUN và ĐHQGHN.

Lễ bế mạc kỳ Đánh giá ngoài chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn AUN-QA lần thứ 358

Phát biểu tại buổi bế mạc, PGS.TS. Nguyễn Hoàng Hải, Phó Giám đốc ĐHQGHN đã gửi lời cảm ơn đến Đoàn đánh giá ngoài của AUN-QA đã dành thời gian làm việc, đưa ra những nhận xét, góp ý giúp ĐHQGHN nói chung và các đơn vị có chương trình đào tạo trực tiếp kiểm định lần này nói riêng xác định và xây dựng các điểm đặc trưng cho chương trình đào tạo, từ đó nâng cao chất lượng dạy và học.

PGS.TS. Nguyễn Hoàng Hải bày tỏ mong muốn trong thời gian tới AUN-QA có thể hỗ trợ ĐHQGHN trong việc tập huấn và nâng cao năng lực cho cán bộ, giảng viên trong lĩnh vực về kiểm định chất lượng các CTĐT. Đây sẽ là hoạt động ý nghĩa đối với việc nâng cao chất lượng đào tạo tại ĐHQGHN.