Theo GS.TSKH Vũ Hoàng Linh, dù thu nhập không cao, nhưng do có môi trường làm việc rộng mở, nên nhiều cán bộ trẻ gắn bó, theo đuổi đam mê, phát triển sự nghiệp.

Biến động mạnh về số lượng giáo sư, phó giáo sư

Qua khảo sát từ năm học 2018-2019 đến năm học 2022-2023, tổng số lượng giảng viên cơ hữu theo ngành (đã tuyển dụng) của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội tăng dần qua từng năm, nâng tổng số giảng viên lên 411 thầy cô (tính đến năm học 2022-2023. Trong đó, tăng nhiều nhất ở giảng viên có trình độ tiến sĩ (tăng 143 tiến sĩ), tăng 20 phó giáo sư. .

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Vũ Hoàng Linh - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: “Độ tuổi của các giảng viên của nhà trường chia làm 2 thế hệ rõ rệt: Thế hệ sinh trước năm 1960 và sau năm 1970. Từ cuối những năm 1980 đến năm 2000, nhà trường hầu như không tuyển dụng mới cán bộ.

Thời gian qua, một số lượng lớn giáo sư, phó giáo sư lớn tuổi (sinh năm 1955 và trước đó) nghỉ hưu”.

Số lượng GS giảm nhưng tỷ lệ PGS lại tăng, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học tự nhiên lý giải

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Vũ Hoàng Linh - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: Mộc Trà.

Cụ thể, số lượng giảng viên là giáo sư, phó giáo sư nghỉ hưu trong giai đoạn 2018-2023 như sau:

Hằng năm, nhiều cán bộ, giảng viên được công nhận đạt chuẩn và bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư. Số lượng này được duy trì ổn định ngay cả khi từ 2019 chuẩn chức danh phó giáo sư/giáo sư được nâng cao, yêu cầu ứng viên có công bố quốc tế (xét theo số lượng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên là một trong số các cơ sở giáo dục đại học dẫn đầu cả nước về số lượng giáo sư, phó giáo sư được công nhận).

Số lượng giáo sư, phó giáo sư bổ nhiệm trong giai đoạn năm 2018-2023, cụ thể như sau:

Biến động số lượng giáo sư, phó giáo sư của nhà trường trong giai đoạn 2018-2023:

Như vậy, có thể thấy trong 5 năm qua, tại Trường Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội số lượng giáo sư giảm nhưng tỷ lệ phó giáo sư lại tăng, đặc biệt là nhiều phó giáo sư có độ tuổi dưới 40. Để đạt chuẩn giáo sư, các phó giáo sư trẻ cần tích lũy thêm nhiều điều kiện, cần có thời gian nhất định. Năm vừa qua, nhà trường đã rà soát, xây dựng quy hoạch danh sách các cán bộ dự kiến đạt chuẩn giáo sư, phó giáo sư đến năm 2025 để có chiến lược, giải pháp hỗ trợ.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng đã tuyển dụng mới được một số phó giáo sư và tiến sĩ trẻ tiềm năng.

Về đội ngũ viên chức và người lao động, toàn trường tính đến hết tháng 6/2023, có 677 người: trong đó có 480 cán bộ cơ hữu; 197 cán bộ hợp đồng lao động có đóng bảo hiểm xã hội.

Trong số 480 cán bộ cơ hữu có: 317 giảng viên, 34 giáo viên trung học phổ thông, 60 nghiên cứu viên, kỹ sư và kỹ thuật viên, 69 cán bộ hành chính.

Trong số 197 cán bộ ký hợp đồng lao động có đóng bảo hiểm xã hội có: 50 giảng viên; 18 giáo viên trung học phổ thông; 19 trợ giảng; 58 nghiên cứu viên và kỹ thuật viên, 52 cán bộ hành chính.

Về chức danh khoa học có: 17 giáo sư, 124 phó giáo sư.

Trong số 317 giảng viên cơ hữu có 17 giáo sư, 123 phó giáo sư, 04 tiến sĩ khoa học, 304 tiến sĩ, 08 thạc sĩ và 01 đại học.

Như vậy, về đội ngũ giảng viên cơ hữu của trường, số có chức danh giáo sư, phó giáo sư chiếm 44,16% (140/317), số có học vị tiến sĩ và tiến sĩ khoa học chiếm 97,16% (308/317).

Hằng năm, các cán bộ nhà trường công bố trên 600 bài báo quốc tế, tham gia nhiều đề tài nghiên cứu khoa học trong nước và dự án hợp tác quốc tế.

Bảng xếp hạng đại học thế giới theo lĩnh vực của QS được công bố vào tháng 3/2023 (QS World University Rankings by Subject 2023), có 2 nhóm lĩnh vực của Đại học Quốc gia Hà Nội tiếp tục được xếp hạng là Kỹ thuật và Công nghệ (Engineering & Technology) và Khoa học Tự nhiên (Natural Sciences), trong đó, nhóm lĩnh vực Khoa học Tự nhiên được xếp số 1 tại Việt Nam.

Trong 6 lĩnh vực của Đại học Quốc gia Hà Nội được QS xếp hạng trong QS WUR by subject 2023, 3 lĩnh vực Trường Đại học Khoa học Tự nhiên đóng góp đều tăng thứ hạng gồm: Khoa học máy tính và Hệ thống thông tin (Computer Science & Information Systems) ở nhóm 501-550 thế giới (năm 2021 là 601-650), Toán học (Mathematics) ở nhóm 351-400 (năm 2021: 451-500), Vật lý và Thiên văn học (Physics and Astronomy) ở nhóm 451-500 (năm 2021: 501-550) và Đại học Quốc gia Hà Nội là đại diện duy nhất của Việt Nam có lĩnh vực này được xếp hạng.

Có thể nói, với đội ngũ cán bộ hiện tại, chất lượng đào tạo đại học và sau đại học của nhà trường luôn được đảm bảo. Trong một số ngành, lĩnh vực, chất lượng đào tạo của nhà trường tiệm cận chuẩn khu vực và quốc tế.

Trong giai đoạn vừa qua, nhà trường đã thực hiện tái sắp xếp (bao gồm cả giải thể) một số đơn vị nghiên cứu và hành chính, tinh giản đội ngũ. Chính vì thế tổng số cán bộ giảng viên toàn trường giảm. Tuy nhiên, số cán bộ khoa học có chức danh giáo sư, phó giáo sư và có trình độ tiến sĩ của nhà trường tăng trong 5 năm qua. Cụ thể như sau: Năm 2018, tổng số cán bộ là 722, trong đó có 364 tiến sĩ, tiến sĩ khoa học. Năm 2023, trường có 677 cán bộ trong đó có 380 tiến sĩ, tiến sĩ khoa học.

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Vũ Hoàng Linh cũng chia sẻ thêm về cách thức thu hút, giữ chân giảng viên có trình độ cao của nhà trường.

Thầy Linh cho biết: “Có hai lý do chính: Một là, chính sách tuyển dụng giảng viên từ nhiều năm nay của Đại học Quốc gia Hà Nội là chỉ tuyển dụng các giảng viên có bằng tiến sĩ. Vì thế, các cán bộ trẻ đều phấn đấu đạt chuẩn tiến sĩ sớm nhất. Hai là, có thể nói rằng, mặc dù thu nhập của cán bộ nhà trường không cao do đặc thù của một trường đào tạo khoa học cơ bản, nhưng do môi trường làm việc khuyến khích nghiên cứu khoa học, cơ hội được đào tạo bồi dưỡng ở nước ngoài và hợp tác quốc tế tốt, nên nhiều cán bộ trẻ gắn bó với trường để theo đuổi đam mê khoa học và phát triển sự nghiệp.

Gần đây, nhà trường đã có một số chính sách cụ thể để khuyến khích cán bộ trẻ như tổ chức các đợt tuyển dụng viên chức, mạnh dạn giao nhiệm vụ quản lý, điều chỉnh hệ số thu nhập tăng thêm theo vị trí (do hệ số lương của cán bộ trẻ chưa có chức danh theo quy định hiện hành khá thấp), tiếp tục tạo điều kiện chủ trì đề tài, đi trao đổi chuyên môn ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, có một số chính sách khác của Đại học Quốc gia Hà Nội như chính sách thu hút nhà khoa học xuất sắc theo Thông báo số 3481/TB-ĐHQGHN ngày 20/9/2023; Chính sách hỗ trợ tài chính đối với cán bộ khoa học trẻ có trình độ tiến sĩ; Chính sách học bổng hỗ trợ cho nghiên cứu sinh, thực tập sinh sau tiến sĩ”.

Những con số ấn tượng về tỷ lệ GS, PGS của Trường Đại học Khoa học tự nhiên

Cô và trò Khoa Sinh học, Trường ĐHKHTN - ĐHQGHN trong một giờ học thực hành.

Là trường đào tạo khoa học cơ bản nên tự chủ tài chính gặp một số khó khăn

Từ năm 2018 đến năm 2023, quy mô tuyển sinh đại học chính quy của nhà trường chỉ tăng hơn 340 chỉ tiêu (từ 1.460 lên 1.800). Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên lý giải: “Có 2 lý do nhà trường chỉ tăng quy mô tuyển sinh mức vừa phải trong 5 năm qua:

Thứ nhất, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên là cơ sở đào tạo hàng đầu Việt Nam trong khoa học cơ bản, có uy tín cao không chỉ trong nước mà cả trong khu vực và quốc tế. Nhiều ngành đào tạo của nhà trường đòi hỏi thực hành, thực tập, cơ sở vật chất phục vụ đào tạo. Vì thế, nhà trường chú trọng các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo, không đánh đổi việc tăng nguồn thu bằng việc giảm chất lượng. Đồng thời, nhà trường đảm bảo ổn định tỉ lệ giảng viên/sinh viên và dành thời gian nghiên cứu, bồi dưỡng chuyên môn cho giảng viên để phát triển bền vững.

Thứ hai, chỉ tiêu tuyển sinh tăng vừa phải trong những năm qua là do nhà trường mở mới một số chương trình đào tạo mang định hướng ứng dụng, còn chỉ tiêu tuyển sinh các ngành khoa học cơ bản truyền thống được giữ ổn định để đảm bảo chất lượng đầu vào cũng như chất lượng đào tạo và chăm sóc người học”.

Qua thống kê trong báo cáo ba công khai cho thấy, tỉ lệ thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của nhà trường giảm từ hơn 29,3% (năm 2018) xuống còn hơn 18,7% (năm 2022), tức giảm 10,6%/tổng nguồn thu.

Lý giải điều này, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Vũ Hoàng Linh thông tin: “Một là, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19; hai là, do nguồn ngân sách cấp cho các chương trình khoa học và công nghệ của các Bộ, ngành bị chậm, cơ chế tài chính của các chương trình chờ được cập nhật; và ba là do khó khăn của các doanh nghiệp và thị trường trong nước”.

Những con số ấn tượng về tỷ lệ GS, PGS của Trường Đại học Khoa học tự nhiên

Sinh viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: Mộc Trà.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Vũ Hoàng Linh, những giải pháp mà Trường Đại học Khoa học Tự nhiên đang thực hiện để gia tăng nguồn thu tài chính gồm: Nhà trường xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật đối với những ngành đã kiểm định và thu hút được tuyển sinh để tăng nguồn thu. Đồng thời, thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, gia tăng nguồn lực như thúc đẩy công tác hợp tác trong nước, phát triển liên kết quốc tế, khuyến khích các đề tài nghiên cứu và chuyển giao công nghệ với địa phương và doanh nghiệp, đẩy mạnh hoạt động của Công ty Khoa học Tự nhiên.

Theo quyết định của Đại học Quốc gia Hà Nội ngày 20/9/2023 về việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2023-2025, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên là đơn vị tự đảm bảo một phần chi hoạt động thường xuyên, mức độ tự đảm bảo chi thường xuyên đạt 55%.

“Hiện nay, nguồn thu của các cơ sở giáo dục thực hiện tự chủ tài chính chủ yếu là từ học phí. Nếu tự chủ thì có thể tăng nguồn thu bằng cách tăng học phí và từ đó tăng thu nhập cho cán bộ cũng như phát triển cơ sở vật chất cho nhà trường.

Tuy nhiên, với một trường đào tạo khoa học cơ bản, việc tự chủ tài chính sẽ có một số khó khăn như sau: Một số ngành trong lĩnh vực khoa học trái đất, tài nguyên - môi trường khó tuyển sinh, cần hỗ trợ của ngân sách Nhà nước để đảm bảo chất lượng.

Đặc thù đào tạo các ngành khoa học tự nhiên có thời lượng thực hành, thực tập lớn, việc học tập cần máy móc, thiết bị, hóa chất phục vụ thực nghiệm nên chi phí cho đào tạo sẽ cao, không thể thu học phí cao để cân đối.

Ngoài ra, tỉ trọng nguồn thu từ các hoạt động khác như nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, tài trợ hiện còn thấp, cần được đẩy mạnh trong thời gian tới” - Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Vũ Hoàng Linh thông tin.

Theo GDVN.